Làng chài trên có 72 hộ dân, 145 nhân khẩu. Trước khi Nhà máy thủy điện xả lũ, chính quyền địa phương đã hỗ trợ, phối hợp với người dân chủ động di chuyển tài sản và 62 lồng cá vào nơi trú ngụ an toàn.
Qua tìm hiểu của phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, những hộ dân làng chài đều nắm được quy định không được nuôi cá phía dưới hạ du chân đập thủy điện, nhưng do một số hộ vẫn nuôi để kiếm kế sinh nhai.
Ông Ngô Văn Cam, người dân sống trên làng chài chia sẻ: "Gia đình tôi đã sống ở làng chài này hơn 40 năm. Năm nay, Nhà máy thủy điện Hòa Bình xả lũ, chúng tôi được các cấp chính quyền địa phương thông báo sớm để toàn bộ người dân chủ động thu dọn đồ dùng vật dụng, di chuyển lồng cá vào nơi trú ẩn an toàn. Tuy nhiên, do nước sông Đà biến động nên cá trong lồng bị chết do bị sục nước với số lượng nhỏ không đáng kể. Mặc dù việc nuôi cá dưới hạ du đập thủy điện không nằm trong quy hoạch được nuôi, nhưng vì cuộc sống mưu sinh nên chúng tôi vẫn còn nuôi cá tự phát, để tăng gia sản xuất, thêm thắt cho việc phát triển kinh tế gia đình".
Ông Nguyễn Văn Hóa, Phó Chủ tịch UBND phường Thịnh Lang, thành phố Hòa Bình cho biết, sau khi nhận được thông báo của UBND thành phố Hòa Bình về việc đảm bảo an toàn cho người dân làng chài, chính quyền phường Thịnh Lang đã đến từng hộ dân để vận động, tuyên truyền, thường xuyên thông báo qua loa phóng thanh tại khu vực làng chài về các biện pháp phòng, tránh khi nhà máy mở cửa xả lũ. Tuy nhiên, do vẫn còn hộ dân làm lồng nhỏ để nuôi cá, mang tính tự phát, vì vậy bà con cũng ý thức được nếu có thiệt hại về thủy sản cũng tự chịu trách nhiệm.
Ông Bùi Quang Điệp, Chủ tịch UBND thành phố Hòa Bình cho biết, để thực hiện Công điện của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai và Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hòa Bình, chính quyền thành phố Hòa Bình đã cùng cấp phường sở tại đã liên tục tuyên truyền, khuyến cáo người dân trước khi Nhà máy thủy điện Hòa Bình xả lũ, để có các biện pháp chủ động ứng phó.
"Thành phố đã cử lực lượng túc trực 24/24h để sẵn sàng những tình huống xảy ra trong quá trình Nhà máy xả lũ. Nhờ đó, đến nay cuộc sống của các hộ dân làng chài không có những xáo trộn. Vừa qua, lượng cá nuôi tự phát của người dân làng chài bị chết một phần nhỏ là do môi trường nước thay đổi của Nhà máy thủy điện xả lũ. Chúng tôi cũng đã có kiểm tra, đánh giá và báo cáo cụ thể với các cấp các ngành liên quan", ông Điệp cho biết thêm.
Việc chỉ đạo sát sao, xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương đã phát huy tốt hiệu quả trong việc phòng, chống lũ, bão. Ngày 17/6 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã đi kiểm tra công tác xả lũ của Nhà máy thủy điện Hòa Bình.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đánh giá, việc vận hành liên hồ chứa Thủy điện Lai Châu, Thủy điện Sơn La và Thủy điện Hòa Bình đã bảo đảm cân bằng 3 mục tiêu vừa cấp nước, vừa cắt lũ và phát điện. Đây là lần đầu tiên Nhà máy Thủy điện Hòa Bình xả lũ trước thời điểm mùa lũ. Qua đó chủ động, cũng như có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và phản ứng kịp thời với thời tiết ngày càng có nhiều diễn biến phức tạp. Các cơ quan chức năng tiếp tục chủ động để ứng phó, dự báo kịp thời và sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp liên quan về vận hành liên hồ chứa, bảo đảm an toàn cao nhất việc cắt lũ, xả lũ trong mọi tình huống...
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng cần tăng cường thiết bị theo dõi giám sát việc đóng, mở các cửa xả đáy thủy điện nhịp nhàng, thông suốt; bên cạnh đó đưa ra các kịch bản phân tích các dữ liệu, nhằm chủ động chính xác hơn, kịp thời hơn trong phòng, chống thiên tai... trong mùa mưa bão; có các phương án kịp thời, kể cả trong đêm tối để huy động tốt nhân lực, vật lực ứng phó...
Trước đó, ngày 14/6, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cũng đã đi kiểm tra thực tế việc đảm bảo an toàn Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, đồng thời đến thăm hỏi, động viên người dân làng chài tại phường Thịnh Lang, thành phố Hòa Bình.
Với sự vào cuộc hết sức kịp thời của cả hệ thống chính trị, từ chính quyền địa phương đến sự chủ động của người dân, công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại Hòa Bình đã và đang đạt được nhiều kết quả quan trọng, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do thiên tai, bão lũ gây ra trong nhiều năm qua.