Để đảm bảo an toàn cho công trình và hạ du, đưa mực nước các hồ về mực nước dâng bình thường, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai ban hành các công điện về việc mở các cửa xả đáy hồ thủy điện các tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang và đóng một cửa xả đáy hồ Tuyên Quang.
Vận hành xả lũ theo quy trình
Việc xả lũ thực hiện đúng quy trình và hệ thống của các cơ quan phòng, chống thiên tai, dự báo, các cơ quan nghiên cứu và nhất là các chủ hồ đã rất tích cực và chủ động trong việc ứng phó, phối hợp, hỗ trợ, giúp đỡ, hướng dẫn, thông tin... cho chính quyền và người dân đối với công tác xả lũ với mục tiêu quan trọng là đảm bảo tính mạng và tài sản của nhà nước và người dân.
Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai ban hành công văn gửi các địa phương về việc sẵn sàng dọn dẹp lòng hồ và hạ du để chuẩn bị cho việc xả lũ. Ban Chỉ đạo ban hành Công điện nhấn mạnh, trước khi vận hành xả lũ theo quy trình phải thông báo ít nhất trước 6 tiếng. Như vậy, các chủ hồ đã phối kết hợp với chính quyền địa phương để thông báo cho người dân sơ tán khỏi những nơi có nguy cơ cao, rủi ro có thể xảy ra khi xả lũ.
Ông Trần Quang Hoài, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai nêu rõ, Văn phòng đã ban hành văn bản gửi các tỉnh, thành phố: Sơn La, Hòa Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Hà Nam, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình về việc đảm bảo an toàn cho hạ du khi xả lũ hồ Sơn La và hồ Hòa Bình.
Các tỉnh, thành phố nêu trên tổ chức thông báo ngay đến các cấp chính quyền, người dân, các tổ chức có hoạt động trên sông, ven sông; cơ sở nuôi trồng thủy sản trên sông, phương tiện vận tải thủy; các bến đò ngang; rà soát, đảm bảo an toàn đê điều theo cấp báo động, nhất là phương án bảo vệ các trọng điểm đê điều xung yếu, các công trình đang thi công; các hoạt động sản xuất kinh doanh, khai thác cát sỏi, biết thông tin xả lũ các hồ thủy điện Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang để chủ động các biện pháp phòng tránh đảm bảo an toàn về người, tài sản. Các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp với Chủ hồ có giải pháp đảm bảo an toàn đối với người dân hiếu kỳ đến gần khu vực xem xả lũ, đồng thời báo cáo và đề xuất kịp thời phương án xử lý các tình huống bất thường có thể xảy ra trong quá trình xả lũ về Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai.
Để tiếp tục thực hiện tốt các công tác về ứng phó thiên tai thời gian tới, các cơ quan liên quan bám sát vào định lượng mưa, diễn biến thực tế của mưa lũ và các bản tin dự báo, cảnh báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia để chỉ đạo, điều hành việc xả lũ đúng quy định, an toàn cho người và tài sản của nhân dân tại hạ du.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cung cấp đầy đủ các thông tin liên quan về số liệu mưa, mực nước của các trạm chính thuộc hệ thống sông Hồng - sông Thái Bình, tình hình thời tiết, xu thế dòng chảy... kịp thời cho Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, Bộ Công Thương và các cơ quan, đơn vị liên quan phục vụ công tác chỉ đạo điều hành...
Giám đốc các Công ty thủy điện thực hiện vận hành hồ chứa theo quy định của Quy trình,báo cáo cho Ban Chỉ đạo và các cơ quan liên quan theo quy định về số liệu của tất cả các lần quan trắc đo đạc trong suốt thời gian làm nhiệm vụ điều tiết chống lũ; xây dựng, rà soát các phương án bảo vệ đập trong các tình huống khẩn; rà soát kế hoạch, phương án đảm bảo an toàn cho công trình và khu vực hạ du, đặc biệt là hệ thống thông tin liên lạc, quan trắc, cảnh giới tại khu vực nguy hiểm (hệ thống loa, còi,…), đảm bảo cảnh báo kịp thời đến chính quyền, người dân khu vực chịu ảnh hưởng trong các tình huống phải xả lũ khẩn cấp, nhất là vào ban đêm.
Cục cứu hộ cứu nạn chỉ đạo các lực lượng vũ trang trên địa bàn rà soát các phương án cứu hộ, cứu nạn; chủ động bố trí lực lượng, phương tiện, khắc phục hậu quả khi có tình huống mưa lũ phức tạp, đặc biệt là khi các hồ chứa xả lũ khẩn cấp làm ảnh hưởng đến hệ thống đê điều, công trình, người dân phía hạ du.
Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) Ngô Sơn Hải cho biết, Tập đoàn đã chủ động kiểm tra đối với các chủ hồ và công tác vận hành hồ, tới thời điểm này các hoạt động liên quan đến hồ thủy điện đã đảm bảo an toàn đối với mùa mưa lũ năm 2022. Công tác phòng chống thiên tai cũng đã được Tập đoàn chỉ đạo rà soát, đặc biệt là công tác phối hợp với Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các địa phương.
Cảnh báo lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ngày và đêm 14/6, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa vừa, mưa to có nơi mưa rất to và dông với lượng mưa phổ biến 30-60mm, có nơi trên 80mm. Riêng Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam, Thanh Hóa, Nghệ An có mưa to với lượng mưa từ 60-100mm, có nơi trên 150mm.
Ngày và đêm 15/6 ở khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa rào và dông với lượng mưa phổ biến 20-40mm, cục bộ có mưa to với lượng mưa trên 80mm.
Thủ đô Hà Nội, từ ngày 14- 15/6 có lúc có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh; nguy cơ cao đến rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh vùng núi Bắc Bộ và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp.
Ngoài ra, từ ngày 14 - 15/6, thượng lưu các sông suối nhỏ khu vực Bắc Bộ sẽ xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ từ 2-4m, một số sông suối nhỏ có khả năng lên mức báo động 1. Mực nước thượng lưu sông Thao tại Lào Cai sẽ có khả năng đạt mức báo động 2 vào trưa ngày 14/6, tại Yên Bái có khả năng đạt mức báo động 1 vào tối 14/6. Mực nước trên sông Hồng tại Hà Nội có khả năng lên mức 7 m vào sáng sớm ngày 15/6, dưới báo động 13 m, sau biến đổi chậm.
Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập lụt cục bộ tại các tỉnh vùng núi phía Bắc, đặc biệt là các tỉnh, thành phố: Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Cao Bằng, Bắc Kạn. Cảnh báo ngập úng tại các thành phố, đô thị như: Hà Nội, Ninh Bình, Bắc Ninh, Lào Cai, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Thái Nguyên.
Cơ quan dự báo Khí tượng Thủy văn cảnh báo, nguy cơ ngập lụt các vùng ven sông, bãi bồi ở khu vực hạ lưu sông Hồng, đặc biệt hạ lưu sông chảy qua thành phố Hà Nội và tỉnh Hưng Yên. Cấp độ rủi ro thiên tai do lũ, lũ quét, sạt lở đất: Cấp 1.
Để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do mưa lớn, lốc, sét, mưa đá, gió mạnh, lũ, lũ quét và nguy cơ sạt lở đất, ngập úng có thể xảy ra, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo, thông tin kịp thời cho các cấp chính quyền, nhân dân để chủ động phòng tránh. Các tỉnh, thành phố triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, đê điều, hồ đập, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra; khơi thông dòng chảy, xử lý kịp thời các sự cố công trình ngay từ giờ đầu...
Ngoài ra, các địa phương chỉ đạo kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các hầm, lò khai thác khoáng sản, các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu, nhất là các hồ chứa nhỏ; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra. Các địa phương chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với cơ quan thông tin truyền thông, đặc biệt là hệ thống thông tin cơ sở, tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn kỹ năng ứng phó mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ để người dân biết, chủ động phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại...