Lai Châu gắn phát triển du lịch với xây dựng nông thôn mới

Việc phát triển du lịch ở huyện Phong Thổ nói riêng, tỉnh Lai Châu nói chung đã góp phần thiết thực xây dựng các tiêu chí nông thôn mới.

Chú thích ảnh
Người dân bản Sin Suối Hồ tranh thủ thêu những tấm thổ cẩm, tạo thành sản phẩm để bán cho du khách. Ảnh: Việt Hoàng/TTXVN

Ngược lại, xây dựng nông thôn mới cũng tạo ra hệ thống giao thông nông thôn, cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện, giúp người dân vùng cao phát triển du lịch, cải thiện cuộc sống, điển hình như bản Sin Suối Hồ, xã Sin Suối Hồ.

Đa dạng sản phẩm du lịch

Cách thành phố Lai Châu khoảng 30km, bản biên giới Sin Suối Hồ, xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ nằm ở độ cao gần 1.500m so với mực nước biển. Đến với Sin Suối Hồ, du khách không khỏi ngỡ ngàng trước cảnh núi non hùng vĩ, những thửa ruộng bậc thang cao vút giữa lưng trời cùng với khí hậu mát mẻ quanh năm.

Những ngày đầu tháng 10, đi dọc trên tuyến đường lên bản Sin Suối Hồ, hai bên đường đâu đâu cũng thấy nhuộm màu xanh của cây hoa dã quỳ, xa xa là những thửa ruộng bậc thang vàng ươm trong mùa lúa chín.

Khi đặt chân tới bản Sin Suối Hồ, du khách không khỏi bất ngờ trước cảnh những đôi nam thanh nữ tú đứng xếp hàng để mời khách vào bản. Lúc này, du khách sẽ được thưởng thức một loại nước đặc trưng do người dân tự pha chế từ thảo quả với mật ong rừng. Loại nước này được người dân đong bằng ống tre và đựng trong cốc cũng làm bằng ống tre, thể hiện nét độc đáo, sự khéo léo của đồng bào dân tộc Mông nơi đây. Bản nằm ở trên cao, khí hậu mát mẻ quanh năm, du khách lên bản chưa quen khí hậu rất dễ ốm. Chính vì vậy, đồng bào tự pha loại nước này giúp du khách giữ ấm cơ thể. Việc làm này khiến du khách cảm nhận được sự thân thiện, cách đón tiếp chuyên nghiệp, bài bản.

Bản Sin Suối Hồ hiện có 135 hộ, 702 nhân khẩu với 100% là đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Đến với bản vùng cao, du khách sẽ được ngắm nhiều chậu hoa địa lan, tham quan thác trái tim, trải nghiệm săn mây trên đỉnh núi, ghé chợ phiên vào thứ Bảy hàng tuần hoặc cùng đồng bào trải nghiệm những phong tục độc đáo mang đậm bản sắc dân tộc Mông.

Ông Vàng A Chỉnh, Trưởng bản Sin Suối Hồ cho biết: Tận dụng tiềm năng, lợi thế của địa phương, bản đã xây dựng nhiều sản phẩm để phục vụ du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đến nay, bản có 10 hộ làm du lịch cộng đồng (homestay), đáp ứng cho khoảng 100 khách với giá 70.000 đồng/người/đêm.

"Nhờ có du lịch, đời sống của người dân trong bản ngày được cải thiện. Hiện bản có khoảng 40.000 chậu địa lan, hơn 2.000 cây đào rừng. Thu nhập từ địa lan của bản năm 2019 là gần 3 tỷ đồng, có hộ thu về 300 triệu đồng/năm nhờ loại cây này. Các sản phẩm nông sản được du khách ưa chuộng như lợn, gà, rau, thảo quả, thổ cẩm… Trước năm 2015, khi bản chưa trở thành điểm du lịch, bà con rất vất vả. Toàn bộ sản phẩm làm ra đều không bán được cho ai, nhà nào tự cấp nhà nấy", ông Chỉnh cho biết thêm.

Chú thích ảnh
Du khách cùng người dân bản Sin Suối Hồ trải nghiệm hoạt động xay ngô. Ảnh: Việt Hoàng/TTXVN

Ngoài các sản phẩm du lịch trên, bản Sin Suối Hồ hiện đang chú trọng đến du lịch trải nghiệm, hướng du khách trải nghiệm về cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ và những phong tục độc đáo trong các lễ hội, lễ cưới của người Mông. 

Chị Nguyễn Thị Uyên Na, thành phố Đà Nẵng chia sẻ: Con người ở đây rất hiền hòa, thân thiện và mến khách. Chị đã từng đi rất nhiều nơi làm du lịch cộng đồng, nhưng bản Sin Suối Hồ khiến chị ấn tượng nhất, bởi người dân làm du lịch rất chuyên nghiệp, bài bản; có nhiều không gian văn hóa đặc sắc để trải nghiệm. Thời gian tới, chị dự định đưa gia đình lên đây du lịch và hy vọng sẽ có nhiều du khách nội địa, quốc tế đến với bản Sin Suối Hồ.

Nhờ làm du lịch tốt, lượng khách đến với bản Sin Suối Hồ ngày một đông. Trước khi dịch COVID-19 xuất hiện, có ngày, bản đón khoảng trăm lượt khách ghé thăm. Năm 2019, bản Sin Suối Hồ đón gần 20.000 lượt khách du lịch, đạt doanh thu hơn 1 tỷ đồng. 

Tạo đà cho xây dựng nông thôn mới

Năm 2015, bản Sin Suối Hồ được UBND tỉnh Lai Châu công nhận là bản du lịch cộng đồng cấp tỉnh, mở ra hướng đi mới cho đồng bào dân tộc Mông vùng biên giới Sin Suối Hồ.

Chú thích ảnh
Khi đặt chân lên bản Sin Suối Hồ, du khách sẽ được từng đôi nam thanh nữ tú xếp hàng chào đón và mời du khách thưởng thức một loại nước đặc trưng do người dân tự pha chế. Ảnh: Việt Hoàng/TTXVN

Thực tế cho thấy, du lịch đã góp phần làm đổi thay bộ mặt nông thôn vùng cao này. Khi cuộc sống của người dân ổn định, bà con bắt tay vào xây dựng cơ sở vật chất, trước tiên là đường giao thông nông thôn, bởi muốn phát triển kinh tế hay du lịch phải có đường mới thu hút được khách. Người dân trong bản đã hiến hàng nghìn mét vuông đất để làm đường giao thông, bãi đỗ xe, chợ.... Từ nguồn ngân sách Nhà nước hỗ trợ khoảng 800 triệu đồng, đồng bào tập trung xây dựng chợ nông thôn với 54 gian hàng và sân khấu làm nơi giao lưu văn nghệ.

Bên cạnh việc xây dựng các hạng mục cơ sở vật chất, bà con người Mông Sin Suối Hồ còn chú trọng công tác vệ sinh môi trường; quy hoạch lại chuồng gà, lợn, trâu bò để nuôi nhốt, không thả rông. Mỗi gia đình có một hố rác riêng nhằm bảo vệ môi trường. Người dân trong bản còn tổ chức dọn vệ sinh môi trường ở những khu vực trung tâm chợ, đường xá.

Cùng với phát triển kinh tế, đồng bào luôn quan tâm đến việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Họ thành lập các đội văn nghệ để biểu diễn các điệu múa của dân tộc mình trong những buổi chợ phiên và khi có khách du lịch ghé thăm.

Chú thích ảnh
Rượu của người dân bản Sin Suối Hồ được đong bằng ống tre, nứa, mang đậm bản sắc người dân tộc Mông vùng cao. Ảnh: Việt Hoàng/TTXVN

Nhờ những việc làm cụ thể, thiết thực, đến nay, bản biên giới Sin Suối Hồ được du khách biết đến với cái tên "bản 3 không": không rác thải, không rượu bia và không ma túy.

Anh Sùng A Phùa, Bí thư Chi bộ bản Sin Suối Hồ cho hay: Nhờ làm du lịch, người dân ngày càng nâng cao nhận thức, đời sống được cải thiện hơn so với trước đây. Bà con từng bước chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị kinh tế cao (thảo quả, địa lan) góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 100% (năm 2010) xuống còn gần 20% (năm 2019). Đặc biệt, bản đã hoàn thành 17/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Sin Suối Hồ hiện là bản dẫn đầu xã về xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế.

Bắt tay xây dựng nông thôn mới từ năm 2012, xã Sin Suối Hồ luôn quan tâm triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó tập trung huy động sức dân, chú trọng xây dựng các hạng mục đường giao thông, chợ, thủy lợi... phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của người dân. 

Ông Chẻo Quẩy Hòa, Chủ tịch UBND xã Sin Suối Hồ cho biết: Người dân giữ vai trò quyết định sự thành công hay thất bại trong xây dựng nông thôn mới. Nhận thức điều này, xã tích cực vận động, tuyên truyền bà con tham gia hưởng ứng, qua đó tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Nhờ vậy, thu nhập bình quân của người dân trong xã hiện đạt 9 triệu đồng/người/năm, riêng bản Sin Suối Hồ đạt gần 30 triệu đồng.

Chú thích ảnh
Khi du khách ghé thăm, người dân bản Sin Suối Hồ biểu diễn tiết mục văn nghệ đặc sắc của người Mông. Ảnh: Việt Hoàng/TTXVN

Sau gần 9 năm xây dựng nông thôn mới, đến nay, xã Sin Suối Hồ đạt 11/19 tiêu chí. Thời gian tới, xã Sin Suối Hồ và người dân mong muốn Trung ương, tỉnh Lai Châu, huyện Phong Thổ tiếp tục quan tâm, bố trí nguồn vốn để xã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, giúp người dân phát triển kinh tế, nhà ở… góp phần cải thiện đời sống, tạo thuận lợi cho việc thực hiện các tiêu chí nông thôn mới.

Ông Vương Thế Mẫn, Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ cho biết: Để thực hiện mục tiêu gắn phát triển du lịch với xây dựng nông thôn mới, huyện Phong Thổ sẽ tập trung phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, khuyến khích người dân đa dạng các sản phẩm đặc trưng riêng có để thu hút khách du lịch; phát huy lợi thế vùng biên giới để tạo điểm nhấn trên các cung đường dẫn đến điểm du lịch. 

Mặt khác, huyện tiếp tục huy động, lồng ghép các nguồn lực để hỗ trợ cho bà con xây dựng nhà ở, phát triển các mô hình kinh tế; nâng cấp, đầu tư hệ thống đường giao thông thuận lợi cho khách du lịch đến thăm quan, lưu trú tại các điểm du lịch, giúp người dân vùng cao biên giới được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe y tế, giáo dục tốt nhất.

Việt Hoàng - Đinh Thùy (TTXVN)
Đồng Nai chọn hướng đi riêng trong phát triển du lịch
Đồng Nai chọn hướng đi riêng trong phát triển du lịch

Bên cạnh thế mạnh về phát triển công nghiệp, trong những năm gần đây, Đồng Nai - địa phương thuộc khu vực Đông Nam Bộ còn được đánh giá là có nhiều tiềm năng phát triển loại hình du lịch sinh thái rừng, hồ, sông, suối và vườn cây ăn quả.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN