Kon Tum 'khát' lao động cho vụ thu hái cà phê

Liên tiếp bão lũ dồn dập khiến người trồng cà phê ở Kon Tum đứng ngồi không yên. Lực lượng lao động từ các tỉnh miền Trung do bão lũ đã không lên khiến nhu cầu tìm lao động hái cà phê trở nên bức bách.

Chú thích ảnh
Chủ vườn cà phê tìm người làm ở khu vực ngã ba đi xã Hà Mòn, đây được xem là “chợ” lao động của huyện Đăk Hà, vùng trọng điểm trồng cà phê của tỉnh Kon Tum nhưng vẫn không tìm thấy người làm. 

Hiện tại, cây cà phê đã bắt đầu chín nhưng nhiều nhà vườn không có lao động, cùng đó chi phí thuê người hái cao, trong khi giá cà phê thấp khiến nhiều chủ cườn cà phê lo lắng.

Đa dịch vụ cho người… làm thuê

Đã 3 ngày qua, chị Lê Thị Minh ở thôn Thống Nhất xã Hà Mòn liên tục chạy ra, chạy vào và ngồi đợi, tìm người tại “chợ” lao động nhưng vẫn không tìm được người hái thuê. “Chợ” lao động là tên mọi người thường gọi cho khu vực ngã ba đường đi vào xã Hà Mòn và thị trấn. Đây là nơi tập trung lao động các tỉnh về Đăk Hà (vùng trọng điểm trồng cà phê của tỉnh Kon Tum) để tìm việc làm. Đây cũng là điểm tập kết của các chủ vườn cà phê muốn tìm lao động. Thay vì không khí nhộn nhịp, mấy ngày qua, nơi đây đìu hiu như chính vụ cà phê năm nay.

Khi chúng tôi tới “chợ” có 6 lao động từ huyện Ba Tơ tỉnh Quảng Ngãi lên. Các lao động vẫn thong dong ngồi nói chuyện, mặc cho người đi thuê tới đặt vấn đề. Cả một “chợ” chỉ có 6 lao động, trong khi có tới 4 người đến tìm người làm thuê. Nói chuyện cả tiếng nhưng tất cả chỉ nhận cái lắc đầu.

“Hôm qua mời được một nhóm vào nhưng khi thấy cà phê chị đồi dốc, năng suất không cao nên họ không nhận. Giờ công không có, mình phải ra đứng đợi và tìm. Đã 3 ngày mà chị vẫn chưa tìm được ai. Tìm nhân công đã hiếm, giá lại cao.”

Hiện, mức giá thuê hái cà phê tại khu “chợ” này dao động từ 900-950 nghìn đồng/tấn cà phê. Đây là mức giá cao. Vì ít nhân công nên người làm thuê đòi hỏi chủ nhà thêm dịch vụ khác như hỗ trợ mồi, rượu buổi chiều; hỗ trợ chi phí đi lại, wifi…. Ngoài ra, trước khi nhận làm, người thuê sẽ kiểm tra vườn cây, có dễ hái, dễ kéo bạt và vườn cây phải năng suất cao, hái sẽ hiệu quả người lao động mới nhận.

Theo tính toán, để hái 1 ha cà phê cần 10 nhân công làm việc trong 10 ngày mới hoàn thành. Nếu hái muộn cà phê sẽ rụng, hư, chất lượng nhân giảm. Nhiều chủ vườn cây, vì khó khăn đã tính đến phương án, sau thu hái đi làm thuê ngược lại. “Mình thuê giá cao nhưng khi mình đi hái cho người khác thì không được giá đó. Nếu không đi làm thì cuộc sống còn khó hơn. Biết nhưng chúng tôi vẫn phải làm thêm.” chị Lê Thị Minh cho biết.

Nhiều năm qua, mỗi khi vào mùa thu hoạch cà phê, người trồng cà phê tại Đăk Hà lại gặp điệp khúc thiếu người làm. Năm nay lao động các tỉnh vào Nam, miền Trung bão lũ nên tìm người làm thuê càng khó. Thực tế, ra “chợ” toàn gặp người đi thuê.

“Hiện tại các gia đình chủ yếu phải tận dụng lao động trong nhà. Những ngày qua, bão chồng bão khiến công tác thu hoạch cà phê gặp khó. Người dân không thể kéo bạt khi hái cà phê. Hiện vườn cà phê đã bắt đầu chín, chủ vườn đã quét dọn vườn cây để thu hoạch.

Tuy nhiên đến giờ nay lao động các tỉnh lên ít, lác đác nên người dân gặp khó. Trước mùa thu hoạch, huyện Đăk Hà đã có kế hoạch điều tiết lao động trong huyện. Theo đó, lao động đã qua đào tạo thu hái cà phê ở các xã như Ngọc Réo, Đăk Pxi, nơi có ít cà phê sẽ điều tiết qua các xã lân cận.” ông Nguyễn Văn Hậu, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đăk Hà cho biết.

Tuy nhiên, trong lúc chờ chủ trương thiết thực trên đạt hiệu quả, người trồng cà phê vẫn phải tự cứu mình trước.

Cà phê “đắng”

Đăk Hà là vùng trọng điểm trồng cà phê của tỉnh Kon Tum. Toàn huyện có hơn 12.000 ha cà phê đang cho thu hoạch. Tuy nhiên, theo người dân trồng cà phê thì 4 mùa qua, người dân trồng cà phê đều thất bại. Lấy công làm lãi, lo âu suốt mùa. Năm nay, giá cà phê thấp, giá thuê nhận công cao nên người trồng cà phê lại đối mặt với khó khăn.

Hiện giá cà phê tươi khoảng gần 7.000 đồng/kg, trong khi giá thuê nhân công cả tiền chi phí hỗ trợ mất khoảng 1.000 đồng/kg. Chưa tính thêm các chi phí khác sau thu hoạch như: vận chuyển, phơi, xát…Ngoài ra, chi phí trong quá trình sản xuất, nhất là phân bón cao… công lao động quanh năm nên với người trồng cà phê ở Đăk Hà năm nay thêm khó khăn.

Kon Tum đang bước vào vụ thu hoạch cà phê nhưng thời tiết không thuận lợi, mưa lũ dồn dập khiến nhiều vườn cây cà phê quả chín, không thu hoạch kịp, rụng, hư, chất lượng nhân giảm. Ngoài ra, mưa nhiều khiến việc phơi cà phê thêm khó khăn.

“Người dân phải lo chế biến để thích ứng với tình hình hiện nay. Người dân có thể sấy cà phê, tuy nhiên số lượng không nhiều người dùng. Ngoài ra, việc sấy cà phê gây tiếng ồn, dùng củi, ảnh hưởng môi trường nên dân ít dùng” - ông Nguyễn Văn Hậu, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đăk Hà thừa nhận.

Hiện tại, một số doanh nghiệp, hộ dân ở Đăk Hà dùng công nghệ xát cà phê tươi. Tuy nhiên, kiểu sơ chế cà phê này không được nhiều người dùng.

“Dùng máy xát thì cho chất lượng cà phê cao. Tuy nhiên, người dân phải có sân phơi, sân bê tông, làm sạch nhân. Phương pháp trên có lợi thế thu hoạch đến đâu, xát đến đến, tận dụng được lao động nhàn rỗi. Tuy nhiên, người dân không thể thu hoạch từ từ khi cà phê vào chín vụ nên phương pháp này ít dùng” anh Quốc, một người trồng cà phê ở Đăk Hà khẳng định.

Nhằm đảm bảo lợi ích cao nhất cho người trồng cà phê, nhiều năm qua huyện Đăk Hà đã khuyến cáo người dân không bán tươi, nên bán nhân để tận dụng nhân công, vỏ cà phê sau thu hoạch ủ, bón lại cho vườn cây. Ngoài ra, huyện yêu cầu người dân phải thu hái khi diện tích cà phải chín trên 95%.

Cùng đó, chế biến và tiêu thụ cà phê đảm bảo chất lượng. Cà phê xuất ra khỏi địa bàn là cà phê nhân nằm trong vùng được chỉ dẫn địa lý và sử dụng bao bì, nhãn mác có lô gô  chỉ dẫn địa lý “Cà phê Đăk Hà”… Tuy nhiên, thực tế dù mới vào đầu vụ nhưng một số nhà vườn tranh thủ hái sớm khi quả xanh rất nhiều, tỷ lệ quả chín đạt chưa chín đạt 95% so với yêu cầu của địa phương.

Chú thích ảnh
 Ông Nguyễn Đình Chính, một chủ vườn buộc phải thu hái khi cà phê chưa chín đều ngay đầu vụ vì thiếu nhân công. 

Theo người dân, việc thu hoạch sớm nhằm tận dụng lao động, đợi vào chính vụ, giá nhân công cao, khó tìm. Mưa gió sẽ làm rụng quả… Một số hộ vì khó khăn, không thể làm theo khuyến cáo của chính quyền, buộc hái và bán tươi để có tiền trang trải cuộc sống.

“Hái sớm, bán tươi, chứ lao động không có. Giá thuê công hái ngày một nhiều, chi phí đầu tư cao. Những năm qua người trồng cà phê đã vất vả nhiều.” anh Hoàng Văn Mười ở thôn 5 xã Hà Mòn thừa nhận. Một vụ cà phê “đắng” đã hiện hữu với người trồng cà phê ở Kon Tum.

Bài và ảnh: Cao Nguyên (TTXVN)
Thị trường nông sản tuần qua: Giá cà phê tiếp tục phục hồi
Thị trường nông sản tuần qua: Giá cà phê tiếp tục phục hồi

Tuần qua (ngày 2 - 7/11), giá lúa gạo ở một số địa phương Đồng bằng sông Cửu Long duy trì ổn định so với tuần trước. Trong khi đó, giá cà phê tiếp đà phục hồi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN