Khảo sát kế hoạch ứng phó sự cố động đất, sóng thần tại Sóc Trăng

Ngày 8/4, Đoàn công tác Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng thủ dân sự đã làm việc với Ban Chỉ đạo phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Sóc Trăng nhằm khảo sát, thu thập dữ liệu, bổ sung, xây dựng kế hoạch quốc gia ứng phó sự cố động đất, sóng thần tại Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Sóc Trăng.

Chú thích ảnh
Đoàn công tác Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng thủ dân sự làm việc với Ban Chỉ đạo phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Sóc Trăng. 

Tham gia Đoàn còn có Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Phương, Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện vật lý địa cầu; Đại tá Nguyễn Văn Tiền, Phó Tham mưu trưởng Quân khu 9; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Huỳnh Thị Diễm Ngọc, lãnh đạo Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh và đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, tỉnh, địa phương ven biển.

Theo báo cáo của tỉnh Sóc Trăng, địa phương có đường bờ biển dài 72 km, hệ thống đê bao ven biển dài 94 km; toàn tỉnh có 1.014 phương tiện khai thác biển với hơn 3.000 thuyền viên đánh bắt trên biển; có 7 khu vực neo đậu tàu thuyền trên địa bàn các huyện Cù Lao Dung, Trần Đề và thị xã Vĩnh Châu, với sức chứa khoảng 700 chiếc.

Tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt trên 7%/năm. Kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp với tổng sản lượng năm 2020 đạt 2,094 triệu tấn; tổng sản lượng thủy hải sản năm 2020 là 317.000 tấn, tăng 3,14 lần so với năm 2005. Lĩnh vực văn hóa – xã hội có nhiều chiến biến tích cực; các chính sách an sinh xã hội được quan tâm thực hiện, nhất là chính sách đối với người có công, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số; giải quyết việc làm bình quân hàng năm đạt trên 23.400 lao động; tỷ lệ hộ nghèo từ 28,53% năm 2005 giảm xuống còn 2,91% năm 2020…

Chú thích ảnh
Đoàn công tác khảo sát thực tế tại cảng cá Trần Đề, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng. 

Đánh giá tình hình phòng thủ dân sự của tỉnh, Đại tá Lê Hồng Quang, cán bộ Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia, Phó Trưởng phòng Phòng chống thiên tai, Cục Cứu hộ - Cứu nạn, Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Quốc phòng biểu dương cấp ủy, chỉ huy các cấp, các địa phương đã chủ động quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Quốc phòng về công tác phòng thủ dân sự, ứng phó sự cố, thiên tai, thảm họa, tìm kiếm cứu nạn. Trong đó, tỉnh đã chủ động mua sắm thêm các loại trang bị cần thiết; tổ chức huấn luyện, diễn tập để nâng cao khả năng ứng phó, phục vụ tốt cho nhiệm vụ phòng chống thiên tai trên địa bàn tỉnh.

Theo lãnh đạo Đoàn, việc khảo sát lần này nhằm thu thập thông tin địa lý, địa hình, lực lượng, phương tiện hiện có trên địa bàn tỉnh; qua đó tham mưu cho Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng thủ dân sự bổ sung vào việc xây dựng Kế hoạch ứng phó thảm họa động đất, sóng thần, góp phần hạn chế thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước và nhân dân khi có tình huống xảy ra trong thời gian tới.

Sau khi làm việc với Ban Chỉ đạo phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, đoàn công tác đã đến khảo sát thực tế tại Cảng cá Trần Đề, huyện Trần Đề để nắm tình hình hoạt động của các tàu thuyền và ngư dân ven biển của tỉnh; nắm bắt tình hình thực trạng, nguy cơ, năng lực trong công tác phòng ngừa và ứng phó với thảm họa động đất, sóng thần của tỉnh nếu có sự cố xảy ra, không để bất ngờ, bị động.

Tin, ảnh: Trung Hiếu (TTXVN)
Quản lý chặt chẽ trang thiết bị phòng thủ dân sự được đầu tư, mua sắm
Quản lý chặt chẽ trang thiết bị phòng thủ dân sự được đầu tư, mua sắm

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Danh mục trang thiết bị phòng thủ dân sự gồm: trang bị, phương tiện cứu hộ, cứu nạn hàng không; trang bị, phương tiện cứu hộ, cứu nạn trên sông, biển, dưới nước, dưới lòng đất, sập đổ công trình; trang bị, phương tiện phòng cháy chữa cháy, phòng chống hóa chất, độc xạ, ứng phó sự cố tràn dầu...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN