Ngoài ra, một nhà dân tại bản Pa Tần (xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ) bị đất đá, cây cối sạt lở từ vách núi ta-luy dương xô đẩy đã bị hư hỏng hoàn toàn, rất may không có thiệt hại về người.
Trao đổi qua điện thoại với phóng viên TTXVN vào sáng 1/11, bà Vàng Thị Vân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Pa Tần (huyện Nậm Pồ) cho biết: Mưa lớn bắt đầu xảy ra từ khoảng hơn 21 giờ ngày 31/10 và kéo dài đến rạng sáng 1/11, gây sạt lở đất tại nhiều khu vực trên địa bàn xã Pa Tần. Đặc biệt, vào khoảng gần 1 giờ ngày 1/11, một lượng đất lớn từ phía vách ta-luy dương đã sạt xuống, xô đẩy căn nhà gỗ của anh Poòng Văn Bình (bản Pa Tần) ra lòng đường Quốc lộ 4H khiến căn nhà bị hư hỏng hoàn toàn.
Rất may, trước khi sự việc xảy ra, các thành viên trong gia đình anh Poòng Văn Bình đã kịp thoát ra ngoài nên không xảy ra thiệt hại về người. Tuy nhiên, các thành viên trong gia đình và người dân rất hoảng sợ khi chứng kiến cảnh tượng đất đá sạt lở, ngôi nhà bị đất đá xô đẩy, đổ sập. Sau khi sự cố xảy xảy ra, các căn nhà lân cận với ngôi nhà anh Poòng Văn Bình không bị hư hại, xong trong quá trình chạy mưa lũ, một nữ giáo viên công tác trên địa bàn bị thương nhẹ.
Theo quan sát tại hiện trường vụ sạt lở ở bản Pa Tần, nếu mưa lớn còn tái diễn, nguy cơ sạt lở trên vách ta-luy dương là rất lớn. Các ngôi nhà, tài sản của người dân sinh sống lâu năm dưới chân ta-luy dương có nguy cơ đe dọa rất cao. Chính quyền địa phương cần tuyên truyền, khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác khi diễn biến thời tiết bất thường xảy ra và có giải pháp trước mắt di dời tài sản đến nơi an toàn.
Thống kê nhanh ban đầu của chính quyền xã Pa Tần, trận mưa lớn xảy ra trong đêm 31/10 và rạng sáng 1/11 đã làm tuyến đường nối từ Quốc lộ 4H đi các bản Huổi Sâu, Lả Chà (xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ) bị sạt lở đất, đá, cây cối, bùn, sình lầy tràn ra đường gây tắc khiến gần 200 hộ đồng bào dân tộc Dao, Cống tại hai bản Pa Tần, Lả Chà đang bị cô lập. Một số sông suối trên địa bàn huyện Nậm Pồ, mực nước đang dâng lên rất cao, chảy xiết tiềm ẩn nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất.
Hiện tại, chính quyền UBND xã Pa Tần đang huy động các lực lượng tại chỗ khẩn trương hỗ trợ, giúp gia đình bị thiệt hại về nhà dọn dẹp, khắc phục hậu quả, bố trí chỗ ở tạm thời cho người dân trong khu vực xảy ra sạt lở. Đồng thời, cử cán bộ rà soát lại toàn bộ các bản trên địa bàn để thống kê thiệt hại; khẩn trương báo cáo chính quyền UBND huyện Nậm Pồ để xây dựng phương án khắc phục sự cố tắc đường cho người dân các bản Lả Chà, Huổi Sâu.
Theo ông Trần Thanh Kiên, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Điện Biên, đặc thù giao thông miền núi, khi mưa lớn xảy ra trong thời gian kéo dài, tình trạng sạt lở đất đá trên các tuyến quốc lộ rất dễ xảy ra. Trận mưa lớn trên địa bàn huyện Nậm Pồ xảy ra vào đêm 31/10 và rạng sáng 1/11 đã khiến tuyến Quốc lộ 4H xảy ra nhiều điểm sạt lở.
Tại các điểm sạt lở, đơn vị đã huy động lực lượng công nhân, máy móc thực hiện việc san ủi, giải phóng hiện trường. Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, mưa lũ, ngành Giao thông Vận tải tỉnh đã bố trí nhân lực, máy móc ứng trực tại những điểm trọng yếu trên các luyến quốc lộ để khắc phục, đảm bảo giao thông thông tuyến nhanh nhất khi có sự cố sạt lở xảy ra.
Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Điện Biên, vào lúc 7 giờ ngày 1/11, vùng mây gây mưa, mưa rào và dông lớn trên địa bàn các huyện: Mường Nhé, Nậm Pồ, Điện Biên. Cảnh báo trong những giờ tới, vùng mây này tiếp tục phát triển và mở rộng gây mưa, mưa rào và dông cho các khu vực nói trên và vùng lân cận các huyện: Mường Chà, Tủa Chùa. Trong mưa dông cần đề phòng lốc, sét và gió giật mạnh. Một số địa bàn vùng núi cần tiếp tục đề phòng lũ quét, sạt lở đất.