Quảng Ngãi: Vừa khắc phục thiệt hại vừa chủ động ứng phó đợt mưa lũ mới

Ngày 26/10, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi đã có công điện số 11 đề nghị các địa phương, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ được giao, khẩn trương tổ chức khắc phục nhanh các thiệt hại do mưa, lũ trong thời gian qua: tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại, cứu trợ lương thực cho các hộ có nguy cơ thiếu đói, khắc phục nhanh các tuyến giao thông bị hư hỏng, sạt lở, xử lý bảo đảm vệ sinh môi trường sau lũ…

Chú thích ảnh
Khẩn trương dọn bùn, đất để người dân lưu thông trên đường tỉnh lộ 622B. 

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Cảng vụ Hàng hải Quảng Ngãi, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện ven biển, đảo, Chi cục Thủy sản chủ động cấm tất cả các phương tiện, tàu, thuyền ra biển hoạt động (bao gồm cả phương tiện vận tải hành khách tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn và ngược lại) khi vùng biển tỉnh Quảng Ngãi có gió mạnh từ cấp 6 trở lên. Đồng thời, theo dõi chặt chẽ, sử dụng các hệ thống thông tin liên lạc hiện có để thông báo cho chủ phương tiện, thuyền trưởng tàu, thuyền biết về diễn biến của áp thấp nhiệt đới, để chủ động phòng tránh, thoát ra khỏi hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.

Các đơn vị cần tổ chức kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trên biển, nhất là ở trong khu vực ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới; giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra. Bên cạnh đó, tổ chức các biện pháp đảm bảo an toàn cho tàu, thuyền, lồng bè nuôi trồng thủy sản tại các khu neo đậu; tuyệt đối không để người ở lại trên tàu, thuyền, lồng bè khi có sóng, gió lớn.

Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, vừa qua, mưa lũ lớn diễn biến phức tạp nhưng một số người dân vẫn rất chủ quan nên đã xảy ra thiệt hại về người rất đánh tiếc. Do đó, các địa phương cần tăng cường thông tin, tuyên truyền về mưa, lũ và các biện pháp ứng phó đến người dân; bố trí lực lượng canh gác 24/24 giờ, cắm biển cảnh báo và quyết liệt trong việc ngăn cấm người dân đi lại qua các khu vực nguy hiểm.

Các địa phương khẩn trương kiểm tra, chuẩn bị nơi di dời, sơ tán dân, các trang thiết bị, phương tiện, hậu cần; tuyên truyền, thông báo, hướng dẫn nhân dân chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết...

Tính đến 17 giờ ngày 25/10, toàn tỉnh đã có 4 người chết và mất tích, nguyên nhân do người dân chủ quan, tham gia nhiều hoạt động bị chính quyền địa phương cấm, ngăn cản như: đánh cá, vớt củi, đi qua các ngầm, tràn, tuyến đường bị ngập sâu, sạt lở… Mưa lũ đã làm thiệt hại 419,5 ha rau màu, 125 ha lúa vụ ba, 67,39 ha cây trồng hằng năm cùng hàng chục ha cây ăn quả, đất sản xuất, nuôi trồng thủy sản bị sa bồi, thủy phá. 13.823m kênh mương nội đồng bị sạt lở, 28 đập dâng bị bồi lấp. Đất, đá sạt lở, bồi lấp rãnh, lề, mặt đường nhiều vị trí, với tổng khối lượng 3.754m3 trên các tuyến quốc lộ đoạn qua tỉnh Quảng Ngãi; các tuyến tỉnh lộ, các tuyến giao thông liên xã, liên thôn bị sạt lở gây ách tắc giao thông cục bộ.

Tin, ảnh: Sỹ Thắng (TTXVN)
Gia Lai: Tập trung khắc phục thiệt hại do bão số 8 gây ra
Gia Lai: Tập trung khắc phục thiệt hại do bão số 8 gây ra

Tính đến 17 giờ ngày 17/10, cơn bão số 8 (Kompasu) đã gây nhiều thiệt hại cho tỉnh Gia Lai.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN