Hỗ trợ hơn 1,7 tỷ đồng cho nông dân Quảng Nam và Quảng Ngãi chăn nuôi gà

Để giúp nông dân huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi) và huyện Nam Trà My (Quảng Nam) phát triển sinh kế một cách lâu dài và bền vững, ADM và World Vision Việt Nam đã tài trợ hơn 1,7 tỷ đồng (tương đương 75.000 đô la Mỹ) cho các nông hộ gặp khó khăn thông qua việc cung cấp gà giống.

Chú thích ảnh
Đại diện UBND huyện Nam Trà My tiếp nhận hỗ trợ của dự án với tổng giá trị trên 800 triệu đồng. Ảnh: A.V

Đây là một trong những hoạt động của dự án ADM Cares - Hỗ trợ sinh kế bền vững, do ADM (Dinh dưỡng vật nuôi) và World Vision Việt Nam (Tầm nhìn thế giới) thực hiện nhằm hướng đến việc giúp đỡ nông dân miền Trung khôi phục và phát triển sinh kế bền vững sau những tổn thương nặng nề của bão lũ. Dự án cũng góp phần tạo tiền đề cho các sáng kiến hỗ trợ trong tương lai nhằm mục đích tăng cường an ninh lương thực và thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững trong khu vực.

Thông qua dự án, các nông dân sản xuất nhỏ sẽ được trang bị kiến thức, kỹ thuật chăn nuôi gà áp dụng phương pháp đệm lót sinh học. Bên cạnh đó, dự án cũng góp phần tăng năng suất và lợi nhuận của nông dân thông qua việc nâng cao kiến thức tài chính và khả năng tương tác thị trường với thương lái và người thu mua gia cầm.

Mỗi nông dân tham gia dự án sẽ được cung cấp gói hỗ trợ gồm 100 gà con đã được tiêm phòng đầy đủ, chuồng trại, thiết bị và thức ăn chăn nuôi; đồng thời cũng được tham gia chương trình huấn luyện về kỹ thuật chăn nuôi gia cầm.

“Khi tham gia dự án này, các nông hộ sẽ cùng làm việc trong các nhóm sản xuất nhỏ, được học cách sử dụng vi sinh vật bản địa để phối trộn và tạo thức ăn bổ dưỡng cũng như phòng trừ bệnh cho vật nuôi, giúp đảm bảo tỉ lệ sống sót, giúp gà tăng trưởng khoẻ mạnh và cải thiện khả năng sinh sản so với cách làm truyền thống”, ông Phạm Văn Vinh, Quản lý chương trình sinh kế, tổ chức World Vision Việt Nam cho hay.

Thông qua dự án kéo dài 8 tháng (kể từ tháng 5), 130 nông dân sẽ được đào tạo đầy đủ và có kỹ năng để duy trì hoặc mở rộng quy mô sản xuất. Từ đó, các gia đình có thể tự cung tự cấp và cải thiện chất lượng cuộc sống. Về lâu dài, khi nông dân có thể tạo ra và đảm bảo thu nhập ổn định từ việc chăn nuôi gia cầm, những kiến thức và kỹ năng thu nhận từ dự án dự kiến sẽ được nhân rộng trong cộng đồng thông qua việc chia sẻ kinh nghiệm, học tập lẫn nhau và quá trình tập huấn kỹ thuật thường xuyên từ tổ chức World Vision Việt Nam, các chuyên gia ADM và các cơ quan chức năng địa phương.

“Giải pháp này sẽ giúp nông dân yên tâm chăn nuôi và không còn phải lo lắng về vấn đề đầu ra. Người tham gia cũng sẽ được làm quen với mô hình “Tiết kiệm để chuyển hoá” của tổ chức World Vision, giúp xây dựng thói quen tiết kiệm và tiếp cận các khoản vay nhỏ. Thông qua các khóa đào tạo về giáo dục tài chính, nông dân cũng sẽ biết cách quản lý tình trạng tài chính của gia đình mình hiệu quả hơn”, ông Phạm Văn Vinh cho biết thêm.

Hải Yên/Báo Tin tức
Liên kết chuỗi trong chăn nuôi gà an toàn sinh học
Liên kết chuỗi trong chăn nuôi gà an toàn sinh học

Theo thông tin tại tọa đàm “An toàn sinh học trong chăn nuôi gà lông màu” do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương tổ chức ngày 13/10, để chăn nuôi gà theo hướng an toàn sinh học, tỉnh sẽ triển khai nhiều giải pháp; trong đó tập trung vào xây dựng thương hiệu và liên kết chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN