Liên kết chuỗi trong chăn nuôi gà an toàn sinh học

Theo thông tin tại tọa đàm “An toàn sinh học trong chăn nuôi gà lông màu” do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương tổ chức ngày 13/10, để chăn nuôi gà theo hướng an toàn sinh học, tỉnh sẽ triển khai nhiều giải pháp; trong đó tập trung vào xây dựng thương hiệu và liên kết chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ.

Chú thích ảnh
Quang cảnh tọa đàm. 

Theo đó, Hải Dương đẩy mạnh xúc tiến thương mại, hỗ trợ xây dựng các mô hình chăn nuôi theo chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp và trang trại trong các lĩnh vực từ cung ứng con giống, thức ăn chăn nuôi, sơ chế, chế biến, tiêu thụ gắn với truy xuất nguồn gốc. Đồng thời, tỉnh quan tâm tới xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm để bảo vệ thương hiệu, uy tín cho sản phẩm chăn nuôi; tăng cường tuyên truyền, quảng bá giúp nông dân nhận diện và nắm rõ hơn quy trình chăn nuôi gà theo hướng an toàn sinh học, thường xuyên hỗ trợ nông dân.

Toàn tỉnh Hải Dương hiện có khoảng 15 triệu con gia cầm; trong đó có 12 triệu con gà với các giống như gà ri lai. Tổng sản lượng trứng gia cầm tươi ước khoảng 13,5 triệu quả/tháng.

Việc đưa nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi gà thời gian qua đã được áp dụng; trong đó có mô hình chăn nuôi an toàn sinh học. Phương pháp này yêu cầu chuồng trại chăn nuôi cách xa khu dân cư, phun khử trùng tiêu độc định kỳ, có khu vực riêng để xử lý chất thải trong chăn nuôi, con giống lấy ở những nơi được đảm bảo…

Chú thích ảnh
Mô hình nuôi gà sinh học của hộ nông dân Nguyễn Văn Quyến ở thôn Phượng Hoàng, xã Cẩm Hoàng, huyện Cẩm Giàng. 

Từ năm 2017 đến nay, Trung tâm Khuyến nông Hải Dương đã triển khai mô hình chăn nuôi gà an toàn sinh học với quy mô gần 45.000 con. Qua đó, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi gà an toàn sinh học cho người chăn nuôi biết và áp dụng; giúp nông dân áp dụng đồng bộ biên pháp kỹ thuật, quản lý nhằm ngăn ngừa sự tiếp xúc giữa gia cầm và mầm bệnh. Nuôi theo mô hình này, gà phát triển tốt, tỷ lệ sống hơn 95% và sau 3 tháng có thể xuất bán. Đồng thời, hạn chế dịch bệnh, giảm chi phí đầu tư, hiệu quả tăng từ 15 - 20% so với chăn nuôi truyền thống, tạo ra sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Để nâng cao hiệu quả chăn nuôi gà theo hướng an toàn sinh học, đại diện Trung tâm Khuyến nông Hải Dương cho biết, Hải Dương tiếp tục rà soát quy hoạch, ưu tiên quỹ đất để hình thành vùng chăn nuôi có sức hút các doanh nghiệp lớn để đầu tư các dự án lớn hình thành chuỗi khép kín, có vai trò dẫn dắt, hỗ trợ các trang trại, sản xuất gắn với thị trường.

Cùng với đó, tỉnh đẩy mạnh năng lực sản xuất và cung ứng con giống, quản lý chặt chẽ chất lượng con giống. Ngành nông nghiệp tăng cường tập huấn quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong chăn nuôi; tăng cường quản lý các biện pháp bảo vệ môi trường khu vực chăn nuôi, buôn bán giết mổ.

Theo ông Vũ Việt Anh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương, nông nghiệp thông minh gắn với chuyển đổi số là hướng phát triển của Hải Dương. Đến nay, Hải Dương đã và đang triển khai chính sách hỗ trợ về liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và đề án "Hỗ trợ sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2021 - 2025, định hướng 2030”, đề án “Mỗi xã một sản phẩm”; trong đó, có nhiều nội dung hỗ trợ cho người chăn nuôi sản xuất theo hướng hữu cơ, đảm bảo an toàn dịch bệnh, giúp nâng cao hiệu quả chăn nuôi một cách bền vững.

Chú thích ảnh
Lễ ký kết biên bản ghi nhớ tiêu thụ gà giữa doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ với một số hộ chăn nuôi.

Cũng tại chương trình đã diễn ra lễ ký kết biên bản ghi nhớ tiêu thụ gà giữa một số doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ với một số hộ chăn nuôi. Theo đó, các hộ phải thực hiện quy trình nuôi đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, có liên kết theo chuỗi, hình thành các tổ chăn nuôi. Các đơn vị cam kết thu mua quanh năm, với giá sản phẩm theo giá thị trường.

Tin, ảnh: Mạnh Minh (TTXVN)
Thành công với mô hình nuôi gà ri có truy xuất nguồn gốc
Thành công với mô hình nuôi gà ri có truy xuất nguồn gốc

Có nhiều năm kinh nghiệm trong việc nuôi gà thả vườn, cũng đã trải qua nuôi nhiều giống gà khác nhau, nhưng anh Lý Trung Vân, thôn Phước An, xã Đá Bạc, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn mong muốn tìm kiếm được giống gà ngon và phương pháp nuôi an toàn sinh học.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN