Xem đây là một biện pháp quan trọng nhằm đảm bảo tình hình an ninh, trật tự ở địa phương và xây dựng, củng cố vững chắc thế trận an ninh nhân dân; xây dựng cấp ủy, chính quyền cơ sở và các cơ quan, trường học gắn bó mật thiết với nhân dân, phát triển mối quan hệ này trở thành nguồn lực chính trị để thúc đẩy phong trào phát triển bền vững.
Cùng với đó, người dân tiếp tục nêu cao tinh thần cảnh giác, kịp thời phát hiện, đấu tranh, tố giác tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật, nhất là các hành vi trộm cắp tài sản, tệ nạn ma túy, đánh bạc; tích cực phối hợp, giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng Công an thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ an ninh Tổ quốc cũng như tham gia các hoạt động phong trào góp phần đảm bảo tình hình an ninh, trật tự ở địa phương.
Người dân cũng cần quan tâm hơn nữa đến hoạt động giáo dục, động viên người thân chấp hành nghiêm quy định của pháp luật và địa phương; đồng thời, tích cực tham gia quản lý, giáo dục, giúp đỡ người có quá khứ lầm lỗi, có nguy cơ vi phạm pháp luật tại cộng đồng dân cư trở thành người tốt, có ích cho gia đình và xã hội.
Các địa phương đẩy mạnh thực hiện tốt hai cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; thi đua xây dựng ấp, xã, cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường đạt tiêu chuẩn An toàn về an ninh, trật tự; xây dựng gia đình văn hóa, có nếp sống lành mạnh, không để xảy ra tội phạm, không có ma túy, không tệ nạn xã hội.
Các ban, ngành, đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc và nhân dân thường xuyên giám sát, đóng góp ý kiến về phong cách, đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử, tư thế tác phong, tinh thần trách nhiệm trong giải quyết công việc của cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng Công an, bằng cách trực tiếp phản ánh với cơ quan làm việc của cán bộ, chiến sĩ hoặc có thể thông qua hội nghị Công an lắng nghe ý kiến nhân dân được tổ chức hàng năm, nhằm xây dựng lực lượng Công an ngày càng trong sạch, vững mạnh phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn.
Qua 17 năm triển khai Ngày hội Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, công tác này đã đạt được những thành tựu quan trọng. Cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể đã tập trung tuyên truyền, giáo dục giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân nâng cao nhận thức, hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của Ngày hội Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và của toàn dân tham gia phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, chống lại âm mưu, hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch, xây dựng thế trận an ninh nhân dân vững chắc.
Công tác bảo vệ an ninh Tổ quốc đã gắn Ngày hội với các phong trào thi đua, cuộc vận động và các phong trào cách mạng khác trên toàn tỉnh như “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”... Từ đó, phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc đã có sức lan tỏa mạnh mẽ, phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu.
Hằng năm, người dân trong tỉnh Hậu Giang đã cung cấp hàng nghìn tin liên quan đến an ninh trật tự có giá trị, giúp lực lượng Công an phòng ngừa và đấu tranh ngăn chặn tội phạm. Đặc biệt, trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 bùng phát trên cả nước và tỉnh Hậu Giang, các cán bộ, chiến sĩ Công an và toàn thể nhân dân, cùng cả hệ thống chính trị tham gia chống dịch rất hiệu quả, góp một phần công sức để Hậu Giang thực hiện thành công mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội; là tỉnh có số ca nhiễm, chuyển nặng và tử vong thấp nhất trong các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.
Cùng với đó, công tác tổ chức xây dựng Đảng, hệ thống chính trị có nhiều đổi mới tích cực. Kinh tế - xã hội tạo bước phát triển đột phá; quốc phòng, an ninh được giữ vững; thu nhập và đời sống người dân được nâng lên. Năm 2020, thu nhập bình quân đầu người của tỉnh là 52 triệu đồng, đến năm 2021 đạt 54,43 triệu đồng, tăng trên 2 triệu đồng so với năm 2020.