Thời gian qua, với sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh, chuyển đổi số đã tạo sức lan tỏa trong tất cả các hoạt động của đời sống xã hội và bước đầu tạo sự thay đổi căn bản trong hoạt động của chính quyền, người dân và doanh nghiệp.
Báo cáo chỉ số đánh giá chuyển đổi số cấp bộ, cấp tỉnh năm 2021 (DTI 2021), tỉnh Hải Dương đang giữ vị trí thứ 14 cả nước với giá trị 0,4843, cao hơn mức trung bình cả nước. Trong đó, thứ hạng so với cả nước về nhận thức số, thể chế số, hạ tầng số, nhân lực số của Hải Dương lần lượt là 22,10,10 và 37. Xếp hạng về an toàn thông tin mạng, hoạt động chính quyền số, hoạt động kinh tế số, hoạt động xã hội số lần lượt là 38,8,20 và 9. Về 3 trụ cột chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, thứ hạng của Hải Dương so với cả nước lần lượt là 13,18 và 18.
Tuy vậy, chuyển đổi số ở Hải Dương vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Một số nhiệm vụ về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số còn đầu tư manh mún, chồng chéo, chưa thống nhất đồng bộ từ Trung ương đến địa phương. Quy định trong cơ chế thuê dịch vụ công nghệ thông tin còn nhiều bất cập trong trường hợp cần hợp tác lâu dài với nhà thầu. Chưa có nhiều hỗ trợ về chuyển đổi số cho các doanh nghiệp. Nguồn nhân lực các cơ quan nhà nước để chuyển đổi số còn hạn chế. Tư duy trong chuyển đổi số chưa theo kịp sự phát triển.
Các sở, ngành, địa phương thiếu cán bộ chuyên môn công nghệ thông tin do chưa có quy định về vị trí việc làm này. Nguồn ngân sách địa phương bố trí cho nhu cầu thực hiện kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin, kế hoạch chuyển đổi số còn hạn chế, chưa thu hút được nguồn vốn khác ngoài ngân sách địa phương đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin. Hệ thống giám sát an toàn, an ninh mạng của tỉnh chưa đủ khả năng đảm bảo an toàn an ninh thông tin cho toàn bộ hệ thống thông tin trên địa bàn tỉnh, tiềm ẩn nguy cơ bị tấn công mạng, đánh cắp dữ liệu. Việc kết nối, tích hợp, liên thông, chia sẻ dữ liệu với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia và chuyên ngành còn gặp nhiều khó khăn…
Tại cuộc làm việc, đoàn công tác của Bộ Thông tin và Truyền thông đã lắng nghe, giải đáp những vướng mắc và đưa giải pháp khắc phục những khó khăn của Hải Dương trong quá trình triển khai chuyển đổi số. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị cơ quan chuyên môn của Bộ sớm có hướng dẫn cho Hải Dương về lộ trình thực hiện để tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến; đề nghị Cục chuyển đổi số quốc gia công bố 1 quý/lần về kết quả chuyển đổi số của các tỉnh, thành phố.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, hạ tầng số là yếu tố rất quan trọng trong chuyển đổi số. Bộ trưởng đề nghị tỉnh Hải Dương hỗ trợ, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp viễn thông trong lắp đặt các trạm thu phát sóng (BTS) góp phần xây dựng hạ tầng số cho địa phương.
Đánh giá cao khi Hải Dương là một trong những tỉnh đầu tiên sớm xác định mục tiêu phát triển là “Tăng trưởng xanh - Chuyển đổi số” và lấy ngày 26/3 là Ngày Chuyển đổi số của tỉnh, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị thời gian tới, người đứng đầu các sở, ngành cần chủ động hơn nữa, thay đổi tư duy trong lãnh đạo để triển khai chuyển đổi số hiệu quả. Bộ trưởng nhấn mạnh, chuyển đổi số phải hướng đến giá trị cuối cùng là người dân được hưởng lợi. Tỉnh Hải Dương cũng cần sớm có bức tranh toàn cảnh về chuyển đổi số ở các ngành, lĩnh vực, từ đó xây dựng các kế hoạch triển khai; sớm có lựa chọn doanh nghiệp phù hợp để đầu tư nguồn lực vào chuyển đổi số. Bộ trưởng cam kết Bộ Thông tin và Truyền thông sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ tối đa giúp Hải Dương.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng, tỉnh luôn quan tâm, dành nhiều nguồn lực cho chuyển đổi số, mở cửa đón các doanh nghiệp công nghệ số. Thời gian tới, tỉnh sẽ quyết liệt hơn nữa trong triển khai các nhiệm vụ liên quan. Dự kiến, trước tháng 5/2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương sẽ thông qua định hướng của tỉnh trong chuyển đổi số.
Tại cuộc làm việc, các doanh nghiệp lớn về công nghệ đã chia sẻ các giải pháp để triển khai chuyển đổi số. Cụ thể, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT có giải pháp quản lý chỉ số điều hành của các tỉnh, thành phố, số hóa dữ liệu về quản lý đất đai, nâng cấp cổng dịch vụ công. Tập đoàn công nghiệp - viễn thông quân đội Viettel đã ký thỏa thuận hợp tác về chuyển đổi số, luôn sẵn sàng hỗ trợ Hải Dương các giải pháp trong kết nối với đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia; đồng hành với tỉnh trong số hóa dữ liệu của các sở, ban, ngành… Trên cơ sở đã ký thỏa thuận hợp tác với tỉnh, Mobifone đề xuất Hải Dương cần có quy hoạch, lựa chọn doanh nghiệp cụ thể và có cơ chế thuê dịch vụ với thời gian phù hợp để tối ưu sử dụng các giải pháp nền tảng mà doanh nghiệp cung cấp.
Một số doanh nghiệp công nghệ số cũng giới thiệu và đề xuất giải pháp hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp vừa và nhỏ của Hải Dương; tư vấn về kiến trúc, quy hoạch chuyển đổi số và chiến lược về dữ liệu cho tỉnh; đào tạo nâng cao kỹ năng số cho người dân, cán bộ, công chức…