Giữ màu xanh bền vững cho rừng Thái Nguyên

Nhằm đạt mục tiêu quản lý, bảo vệ tốt diện tích rừng và đất quy hoạch lâm nghiệp thời kỳ 2021 – 2030, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế - xã hội, môi trường của từng loại rừng, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ lâm sản, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện sinh kế cho người dân làm nghề rừng, gắn với xây dựng nông thôn mới, ổn định tỷ lệ che phủ rừng từ 46% trở lên, tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp bình quân đạt 5,5%/năm trở lên… tỉnh Thái Nguyên đang triển khai thực hiện nhiều giải pháp cụ thể để phát triển lâm nghiệp một cách bền vững.

Chú thích ảnh
Trồng quế đem lại thu nhập cao, ổn định cho đồng bào các dân tộc vùng ATK Định Hóa.

Quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ FSC

Xã miền núi Văn Hán (huyện Đồng Hỷ) có trên 4.000 ha rừng sản xuất, trung bình mỗi năm có trên 600 ha rừng cho khai thác, với giá trị kinh tế khoảng từ 50- 70 tỷ đồng. Nhờ nguồn thu nhập từ trồng rừng, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo và có cuộc sống ấm no.

Gia đình ông Nguyễn Trọng Vân, xóm  Phả Lý, hiện có 3 ha rừng keo chu kỳ 5- 7 năm tuổi đã có thể khai thác gỗ. Tuy nhiên, được sự hướng dẫn, vận động của cán bộ xã, gia đình đã quyết định chưa khai thác, mà chuyển toàn bộ diện tích rừng sang phát triển cây gỗ lớn, sau 10 đến 12 năm trở lên mới tiến hành khai thác và tham gia dự án quản lý rừng bền vững, cấp chứng chỉ rừng FSC.

Ông Nguyễn Trọng Vân lý giải: hiện tại rừng keo đã đủ tuổi khai thác, mỗi ha sẽ cho thu nhập từ 70 đến 100 triệu, nhưng nếu chuyển đổi sang phát triển cây gỗ lớn với chu kỳ 10 đến 12 năm trở lên mới khai thác, cây keo sẽ cho kích thước lớn hơn, hứa hẹn cho thu nhập gấp đôi, gấp ba lần hiện tại. Theo ông Vân, hiện tại xóm Phả Lý đã có trên 80 hộ dân chuyển hoá từ rừng gỗ nhỏ với chu kỳ 5- 7 năm sang phát triển rừng gỗ lớn, tham gia thực hiện dự án quản lý rừng bền vững, cấp chứng chỉ rừng FSC.

Ông Lường Văn Hoan, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã Văn Hán cho biết: Bên cạnh việc vận động người dân kéo dài chu kỳ khai thác rừng để nâng cao giá trị kinh tế, từ năm 2022, xã đã  tích cực phối hợp với người dân trồng mới 100 ha rừng gỗ lớn. Đặc biệt, Văn Hán là địa phương đầu tiên trên địa bàn tỉnh được chọn để triển khai thực hiện dự án quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng FSC. Đến thời điểm hiện tại, đã có gần 1.000 hộ dân đăng ký tham gia với diện tích 1.440 ha. Đây là bước đi quan trọng để mai sau những sản phẩm gỗ được khai thác từ các khu rừng tại Văn Hán đạt tiêu chuẩn quốc tế, vươn ra thị trường thế giới, và đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.

Bà Nguyễn Thị Loan, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đồng Hỷ cho biết, trên địa bàn huyện có hơn 17.900 ha rừng sản xuất, chủ yếu là cây keo. Từ năm 2019, địa phương bắt đầu phối hợp với người dân phát triển rừng gỗ lớn. Đến thời điểm hiện tại, diện tích trồng mới rừng gỗ lớn đạt gần 200 ha với các loại cây keo, giổi xanh, trám,…và người dân đang tích cực chuyển hoá từ rừng gỗ nhỏ chu kỳ ngắn sang phát triển rừng gỗ lớn. Riêng năm 2022, huyện phấn đấu trồng mới ít nhất 120 ha rừng gỗ lớn và đẩy mạnh việc thực hiện dự án quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng FSC.

Không riêng huyện Đồng Hỷ, các địa phương tại tỉnh Thái Nguyên như Định Hóa, Đại Từ, Phú Lương… cũng đang tích cực phát triển rừng gỗ lớn, với diện tích trồng mới đạt gần 700 ha, và hàng trăm héc ta do người dân chuyển hoá rừng gỗ nhỏ sang phát triển rừng gỗ lớn.

Ông Trần Minh Hà, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thái Nguyên cho biết, năm 2022 toàn tỉnh phấn đấu trồng 3.700 ha rừng tập trung, chuyển hoá rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn 860 ha, đảm bảo ổn định tỷ lệ che phủ rừng từ 46% trở lên. Các giống cây lâm nghiệp chính được đưa vào trồng là keo, mỡ, quế, giổi xanh…

Hiện trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đang dần hình thành vùng nguyên liệu gỗ công nghiệp và gỗ lớn trên cơ sở chuyển hoá rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn, nâng cao giá trị sản phẩm gỗ rừng trồng.  Đặc biệt, tỉnh Thái Nguyên đã đưa sản phẩm gỗ vào nhóm 6 sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh và xây dựng Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó xác định, giai đoạn 2021-2025 trồng mới rừng gỗ lớn 2.000 ha, chuyển hóa rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn 5.000 ha. Giai đoạn 2026 - 2030 trồng mới rừng gỗ lớn là 14.000 ha. Loại giống sử dụng chủ yếu là keo lá tràm, keo tai tượng, keo lai...; và các loại giống cây sinh trưởng chậm như trám trắng, trám đen, lát hoa, lim xanh, giổi xanh, sấu...

Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025 diện tích rừng gỗ lớn và diện tích rừng được cấp chứng chỉ rừng bền vững đạt 10% tổng diện tích rừng trồng sản xuất, giá trị sản phẩm gỗ đạt 2.437,5 tỷ đồng, trong đó từ sản phẩm gỗ lớn đạt 1.125 tỷ đồng; Đến năm 2030 diện tích rừng gỗ lớn và diện tích rừng được cấp chứng chỉ rừng bền vững đạt đạt 30%, giá trị đạt 10.918,5 tỷ đồng, trong đó từ sản phẩm gỗ lớn đạt 7.168,5 tỷ đồng. Giá trị sản phẩm gỗ lớn trên một chu kỳ sản xuất đối với cây sinh trưởng nhanh là 225 triệu đồng/ha/chu kỳ; đối với cây sinh trưởng chậm là 430 triệu đồng/ha/chu kỳ….

Chú thích ảnh
Cán bộ Hạt kiểm lâm Định Hóa kiểm tra cây giống phục vụ trồng rừng.

Nhiều giải pháp phát triển lâm nghiệp bền vững

Để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025, trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, tỉnh Thái Nguyên tập trung phát triển cây quế, trồng rừng gỗ lớn gắn với cấp chứng chỉ rừng bền vững, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, trồng rừng thay thế; giám sát, đánh giá việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển lâm nghiệp của các địa phương, kiểm kê, theo dõi diễn biến tài nguyên rừng, nâng cao năng lực thực thi pháp luật, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp.

Bên cạnh đó, Thái Nguyên đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, đào tạo, tập huấn cho lực lượng Kiểm lâm và lực lượng bảo vệ rừng cơ sở nâng cao trình độ, kỹ năng về sử dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý quy hoạch 3 loại rừng; ứng dụng các phần mềm trong theo dõi diễn biến rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, quản lý cây xanh …

Tỉnh đầu tư xây dựng và cải tạo các rừng giống, vườn giống đảm bảo cung cấp đủ giống có chất lượng cao, xây dựng các mô hình nông lâm kết hợp, gắn tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng rừng, chăm sóc rừng đảm bảo quy trình, đủ điều kiện cấp chứng chỉ rừng bền vững.

Ngành Kiểm lâm xây dựng và tổ chức thực hiện phương án quản lý rừng bền vững, tiếp tục thực hiện cấp chứng chỉ rừng cho các chủ rừng; triển khai thực hiện các dự án thuê môi trường rừng để phát triển du lịch sinh thái tại các khu rừng đặc dụng, phòng hộ trọng điểm của tỉnh như: Khu rừng đặc dụng Thần Sa – Phượng Hoàng, khu rừng cảnh quan ATK Định Hóa, khu rừng phòng hộ hồ Núi Cốc…

Ông Lê Cẩm Long, Chi cục trường Chi cục Kiểm lâm Thái Nguyên cho biết: Sau 2 năm thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025, đến nay, ttỉnh Thái Nguyên đã thực hiện xong việc rà soát 3 loại rừng đưa vào quy hoạch lâm nghiệp Quốc gia và Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, hoàn thành việc rà soát diện tích rừng đặc dụng, phòng hộ không đảm bảo tiêu chí để chuyển sang rừng sản xuất; thống nhất quy hoạch rừng với quy hoạch sử dụng đất, khoanh định ranh giới Vườn Quốc gia Tam Đảo trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, đảm bảo phù hợp với phương án quản lý rừng bền vững của Bộ Nông nghiệp và PTNT.

Việc chuyển mục đích sử dụng rừng được kiểm soát chặt chẽ, thực hiện theo đúng quy định, đảm bảo các nguyên tắc, điều kiện, thẩm quyền, trình tự, thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác theo quy định của Luật Lâm nghiệp và các văn bản hướng dẫn.

Từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn tỉnh có 44 dự án đã được quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác với diện tích là 430 ha, trong đó có 12 dự án  đã được phê duyệt phương án và thực hiện nộp tiền trồng rừng thay thế với tổng kinh phí hơn 7,1 tỷ đồng. Công tác phòng cháy chữa cháy rừng luôn được quan tâm, các đơn vị tăng cường các biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, chủ động lực lượng, phương tiện và trang thiết bị phòng chống, chữa cháy rừng.

Để quản lý bền vững rừng đặc dụng, trên địa bàn tỉnh hiện có 3 chủ rừng là tổ chức quản lý 35.652 ha, trong đó có 30.147 ha đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững  (chiếm 84,5% diện tích rừng đặc dụng). Công ty Lâm nghiệp Thái Nguyên đã phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững với với tổng diện tích 4.283 ha rừng sản xuất; hơn 500 hộ gia đình tại huyện Đồng Hỷ đã liên kết thành nhóm hộ để thực hiện xây dựng phương án quản lý rừng bền vững và được cấp chứng chỉ rừng FSC với diện tích trên 1.300 ha.

Hiện nay trên địa bàn các huyện: Đại Từ, Phú Lương, Võ Nhai, Định Hoá đang tiếp tục triển khai, dự kiến năm 2023 sẽ cấp chứng chỉ FSC cho khoảng 1.560 ha rừng sản xuất. Công tác trồng rừng 2 năm qua đều đạt và vượt kế hoạch đề ra, tổng diện tích trồng rừng tập trung đạt trên 8.600 ha. Trong thực hiện Đề án phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh giai đoạn 2021-2025, toàn tỉnh đã trồng được trên 1.000 ha rừng gỗ lớn, trồng cây quế trên địa bàn huyện Định Hóa, Võ Nhai hơn 1.200 ha, nâng tổng số diện tích cây quế trên địa bàn tỉnh hiện có lên gần 4000 ha.

Đặc biệt, công tác đầu tư cho công tác trồng rừng trên địa bàn tỉnh từ  năm 2021 đến nay đã đạt hơn là 87 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước hơn 16 tỷ đồng, còn lại là huy động từ nguồn vốn hợp pháp khác và nguồn vốn của người dân, doanh nghiệp...

Chú thích ảnh
Sử dụng thiết bị bay hiện đại phun thuốc bảo vệ thực vật tại vùng rừng Văn Hán, huyện Đồng Hỷ.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Thái Nguyên, quá trình thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững mặc dù gặp nhiều khó khăn do đại dịch COVID-19, tác động tiêu cực đến việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, song công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng đã được triển khai thực hiện có hiệu quả, tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 46%, tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp bình quân 2 năm đạt gần 8%, trồng rừng tập trung hàng năm đạt 112,13% kế hoạch đề ra...

Các cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh hỗ trợ cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được triển khai, hỗ trợ sinh kế, phát triển sản xuất lâm nghiệp và cải thiện đời sống cho người dân miền núi, giảm áp lực vào rừng, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng an ninh trên địa bàn tỉnh... 

Tuy vậy, việc thực hiện chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững tại Thái Nguyên vẫn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế như: diện tích rừng trồng tăng cả về diện tích và chất lượng rừng, hiệu quả kinh tế rừng đã được nâng lên nhưng còn thấp so với các cây trồng khác; các mô hình phát triển kinh tế dưới tán rừng đã được triển khai nhưng chưa nhiều; liên kết tổ chức sản xuất lâm nghiệp còn chưa chặt chẽ, chưa hình thành được các chuỗi liên kết giữa người trồng rừng và doanh nghiệp về sản xuất, chế biến, thương mại lâm sản.
|
Sản xuất lâm nghiệp có chu kỳ kinh doanh dài, hiện trường sản xuất chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, địa hình khó khăn phức tạp, hạ tầng kém phát triển đặc biệt là đường giao thông đến các khu rừng, chính sách đầu tư, hỗ trợ cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng còn thấp, do vậy chưa tạo động lực và khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển rừng...

Nguyên Hoàng – Thu Hằng – Trần Trang
Thái Nguyên: Đẩy mạnh thực hiện chương trình chuyển đổi số
Thái Nguyên: Đẩy mạnh thực hiện chương trình chuyển đổi số

Theo đánh giá của UBND tỉnh Thái Nguyên, sau hơn 2 năm triển khai thực hiện, công tác chuyển đổi số của tỉnh tiếp tục đạt được những kết quả tích cực.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN