Việc phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn đã giúp Thái Nguyên có sự phát triển kinh tế - xã hội vượt bậc, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều lao động địa phương. Điều đáng nói, tuy các khu công nghiệp có bước phát triển nhanh, thu hút ngày càng nhiều các dự án đầu tư, nhưng công tác bảo vệ môi trường ở các khu công nghiệp ở Thái Nguyên luôn được đảm bảo.
Ông Phạm Mạnh Hùng, Phó Trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp Thái Nguyên cho biết: Đến thời điểm hiện tại, tỉnh đã có 3 khu công nghiệp có trạm xử lý nước thải tập trung, xử lý nước thải đạt quy chuẩn trước khi xả ra ngoài môi trường gồm: khu công nghiệp Điềm Thụy - Khu A, khu công nghiệp Sông Công I và khu công nghiệp Yên Bình; trong đó, khu công nghiệp Sông Công II và khu công nghiệp Điềm Thuỵ - Khu B đang triển khai xây dựng hệ thống xử lý nước thải.
Nhằm đảm bảo việc chấp hành tốt các quy định về bảo vệ mội trường trong các khu công nghiệp, Ban quản lý các khu công nghiệp Thái Nguyên hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ môi trường đối với các dự án ngay sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Đồng thời, yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc việc kiểm soát chất lượng nước sau khi xử lý qua hệ thống xử lý nước thải của từng doanh nghiệp.
Riêng trong năm 2022, tỉnh có 16 dự án thứ cấp được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt hồ sơ môi trường và lũy kế đến nay có 173 dự án thứ cấp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường, đăng ký môi trường.
Bên cạnh đó, Ban phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tham gia ý kiến tham vấn báo cáo đánh giá tác động môi trường, lập giấy phép môi trường của của 20 dự án tại các khu công nghiệp; phối hợp với Hội đồng thẩm định các cấp tổ chức thẩm định hồ sơ đánh giá tác động môi trường 30 dự án mới đầu tư hoặc điều chỉnh dự án đấu tư.
Ngoài ra, Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh cũng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, kịp thời nắm bắt và kiến nghị xử lý nghiêm đối với các doanh nghiệp vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường trong khu công nghiệp...
Qua tìm hiểu thực tế tại một số khu công nghiệp ở Thái Nguyên cho thấy, công tác bảo vệ môi trường luôn được các chủ đầu tư hạ tầng triển khai thực hiện đúng quy định và được cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát chặt chẽ.
Tại khu công nghiệp Sông Công 1 - KCN đầu tiên của tỉnh Thái Nguyên có tổng diện tích 195 ha với các ngành nghề sản xuất chính như: nấu luyện phôi thép phế bằng lò điện trung tần, may mặc, điện phân kẽm từ quặng, sản xuất linh kiện điện tử... hiện có 66 dự án đang hoạt động; trong đó, có 59 dự án có hồ sơ môi trường. Thông qua kết quả quan trắc thì tất cả các chỉ số quan trắc tại các vị trí trong Khu công nghiệp Sông Công I đều nằm trong giới hạn cho phép về tiếng ồn và chất lượng môi trường không khí xung quanh.
Theo báo cáo của Công ty Cổ phần phát triển hạ tầng khu công nghiệp Thái Nguyên thì hiện trạng môi trường không khí trong Khu công nghiệp Sông Công I chưa có dấu hiệu ô nhiễm song thực tế tại khu công nghiệp Sông Công I, do một số nhà máy luyện kim, sản xuất phôi thép với công nghê lạc hậu dẫn tới đôi khi vẫn xảy ra tình trạng sự cố bục túi vải; các van xả áp bị lỗi nên xả khói, khí thải ra ngoài môi trường, gây ảnh hưởng đến môi trường và đời sống của người dân xung quanh.
Hiện tại, ở khu công nghiệp này, hệ thống thoát nước mưa, nước thải đã được đầu tư, có trạm xử lý nước thải tập trung, xử lý nước thải đạt quy chuẩn với công suất 2000m3/ngày/đêm xử lý triệt để nước thải sinh hoạt và nước thải sản xuất có chứa kim loại. Khu công nghiệp Sông Công 1 cũng hoàn thành công tác lắp đặt thiết bị quan trắc online và truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và môi trường theo quy định và được cấp giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường; tổng lưu lượng phát sinh nước thải của KCN Sông Công I khoảng 1.200m3/ngày đêm.
Còn tại Khu công nghiệp Điềm Thụy phần diện tích 180 ha (Khu A), trong số 88 dự án đã đi vào hoạt động tại khu công nghiệp này thì 85 dự án có hồ sơ môi trường. Hạ tầng bảo vệ môi trường của Khu công nghiệp Điềm Thụy - Khu A đã xây dựng cơ bản hoàn thiện, hệ thống thu gom thoát nước mưa, nươc thải đã cơ bản hoàn thành. Nhà máy xử lý nươc thải tập trung của khu công nghiệp với công suất 3000m3/ngày/đêm đã đưa vào sử dụng, vận hành ổn định. Ban quản lý các KCN Thái Nguyên đã tiến hành quan trắc môi trường Khu A-Khu công nghiệp Điềm Thụy định kỳ 3 tháng/lần đúng theo chương trình giám sát môi trường trong báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt.
Kết quả quan trắc và phân tích môi trường không khí khu vực các phía của Khu công nghiệp Điềm Thuỵ-Khu A đều nằm trong giới hạn cho phép của quy chuẩn so sánh. Nước thải từ các nhà máy và các công trình phụ trợ trong khu công nghiệp đã được xử lý nội bộ trước khi dẫn về trạm xử lý nước thải tập trung của toàn khu công nghiệp phải đảm bảo đạt yêu cầu với tổng lượng nước thải phát sinh khoảng 2600 m3/ngày đêm. Chất thải nguy hại của Khu công nghiệp Điềm Thụy - Khu A (khoảng 9000 tấn/năm) phát sinh từ hoạt động sản xuất của các nhà máy thành viên trong khu công nghiệp được thu gom và lưu trữ tạm thời vào khu vực riêng của từng doanh nghiệp và đánh dấu hiệu nhận biết, mã chất thải nguy hại sau đó được chuyển giao cho các đơn vị có đủ chức năng xử lý....
Ở Khu công nghiệp Yên Bình với tổng diện tích quy hoạch là 400 ha tại xã Đồng Tiến và phường Bãi Bông của thành phố Phổ Yên do Công ty cổ phần Đầu tư và phát triền Yên Bình làm chủ đầu tư hạ tầng, hiện tại, tổng số dự án đang hoạt động là 28 dự án, trong đó nổi bật là dự án sản xuất điện thoại thông minh của Tập đoàn Samsung, Hàn Quốc và các doanh nghiệp phụ trợ. Hiện nay, hạ tầng bảo vệ môi trường KCN Yên Bình đã hoàn thiện đồng bộ về hệ thống thu gom và thoát nước mưa nước thải. Toàn bộ số dự án đi vào hoạt động đã đấu nối tương ứng vào hệ thống xử lý nước thải tập trung. Hiện tại Hệ thống xử lý nước thải khu công nghiệp Yên Bình có công suất 65.000m3/ngày đêm, lượng nước thải phát sinh trung bình của các doanh nghiệp khoảng trên 24.000m3/ngày đêm.
Qua kết quả quan trắc mới nhất, tất các chỉ tiêu quan trắc trong nước thải sau khi được xử lý tại trạm xử lý nước thải tập trung của KCN Yên Bình trước khi thải ra ngoài môi trường đều nằm trong giới hạn cho phép. Chất thải nguy hại phát sinh (khoảng 47.000 tấn/năm) được thu gom vào các thùng phi có nắp đậy để phân biệt với các rác thải rắn thông thường, có dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm tại nơi tạm trữ, không để phát sinh rỉ rác, sau đó được chuyển giao cho các đơn vị được cấp phép về xử lý chất thải nguy hại thu gom, vận chuyển và xử lý...
Theo báo cáo mới đây của Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Thái Nguyên, đối với công tác bảo vệ môi trường, thực tế hiện nay, hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường đã đươc quan tâm đầu tư, ý thức chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường của người dân và doanh nghiệp được nâng lên. Tuy vậy, hạ tầng kỹ thật bảo vệ môi trường ở một số khu công nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu bảo vệ môi trường, số khu công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuản môi trường mới đạt tỷ lệ khoảng 57%. Do đó, trong thời gian tới, tỉnh Thái Nguyên tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án tăng cường quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, trong đó chú trọng việc tăng cường cơ sở vật chất hạ tầng kỹ thuật về môi trường khu, cụm công nghiệp, đặc biệt là việc xử lý nước thải Khu công nghiệp Trung Thành, Khu công nghiệp Sông Công II... Bên cạnh đó, Ban quản lý các Khu công nghiệp Thái Nguyên tiếp tục đôn đốc nhắc nhở, yêu cầu các chủ hạ tầng hoàn thiện theo quy định. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát, khuyến khích các doanh nghiệp tại Khu công nghiệp Sông Công I cải tạo nâng cấp và đầu tư mới thiết bị máy móc hiện đại hạn chế sự cố phát thải ra môi trường; phổ biến và hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện hiện đúng, đầy đủ các quy định mới về bảo vệ môi trường.
Theo quy hoạch của tỉnh Thái Nguyên, đến năm 2025 diện tích các khu công nghiệp mở rộng lên hơn 3.200 ha và đến năm 2030 là 11khu công nghiệp với tổng diện tích trên 4.200 ha.