Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Mạnh Tú, Ủy viên Hội đồng quản trị, Trưởng Ban Kiểm soát Ngân hàng Chính sách xã hội, Trưởng đoàn công tác, khẳng định: Việc kiểm tra, giám sát hoạt động tín dụng chính sách nhằm góp phần nâng cao hiệu quả mục đích sử dụng nguồn vốn vay, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các chính sách tín dụng tại địa phương.
Qua kiểm tra, giám sát cho thấy, cấp ủy, chính quyền địa phương ở Trà Vinh rất quan tâm, chú trọng các hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn; chỉ đạo và triển khai đầy đủ, kịp thời các chương trình, chính sách tín dụng.
Chi nhánh Ngân hành Chính sách xã hội tỉnh Trà Vinh và các huyện chấp hành nghiêm túc quy trình, thủ tục nghiệp vụ về tín dụng.
Các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác từ huyện đến cơ sở đều nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy cao vai trò trong việc đưa nguồn vốn vay đến đúng đối tượng, giúp hộ nghèo, các đối tượng chính sách được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để tạo sinh kế bền vững, vươn lên ổn định cuộc sống.
Đối với những kiến nghị của tỉnh Trà Vinh, Đoàn công tác sẽ tổng hợp báo cáo cấp thẩm quyền xem xét, giải quyết.
Ông Lê Văn Hẳn, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, Trưởng Ban Đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Trà Vinh cho biết: Thời gian qua, nguồn tín dụng chính sách đã giúp tỉnh Trà Vinh an sinh xã hội, giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Năm 2023, Trà Vinh giảm gần 2.000 hộ nghèo; trong đó có hơn 1.400 hộ nghèo dân tộc Khmer. Toàn tỉnh hiện còn 3.416 hộ nghèo và 6.773 hộ cận nghèo chiếm tỷ lệ lần lượt 1,19% và 2,35% so với hộ dân cư toàn tỉnh.
Để nguồn vốn tín dụng tiếp tục phát huy hiệu quả, tỉnh Trà Vinh kiến nghị cấp thẩm quyền xem xét, trình Chính phủ bổ sung thêm chương trình tín dụng đối với hộ gia đình có mức sống trung bình được vay vốn để mở rộng đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh; nâng mức cho vay chương trình tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn từ 10 triệu đồng/công trình lên 20 triệu đồng/công trình.
Hiện nay, nhu cầu nguồn vốn cho vay để giải quyết việc làm của tỉnh Trà Vinh rất lớn, vì vậy, tỉnh kiến nghị Ngân hàng Chính sách xã hội xem xét bố trí, bổ sung nguồn vốn 177 tỷ đồng chương trình hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo sang chương trình Hỗ trợ việc làm và duy trì mở rộng việc làm (Tổng Giám đốc đã có Quyết định số 1779/QĐ-NHCS ngày 22/3/2024 điều chỉnh giảm 177 tỷ đồng chương trình hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo).
Báo cáo tại buổi kiểm tra, ông Dương Huy Phong, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Trà Vinh cho biết: Yính đến cuối tháng 3/2024, tổng dư nợ toàn tỉnh hơn 4.491 tỷ đồng, với gần 130.000 khách hàng còn dư nợ.
Thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình, đến cuối năm 2023, dư nợ đạt trên 428 tỷ đồng; trong đó, cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm 360 tỷ đồng, cho vay nhà ở xã hội hơn 19,4 tỷ đồng, cho vay theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ về tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi hơn 48,4 tỷ đồng…
Từ năm 2023 đến nay, toàn tỉnh có trên 34.700 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, phục vụ an sinh xã hội; hơn 1.000 hộ nghèo được hỗ trợ xây nhà; từ nguồn vốn tín dụng chính sách, tỉnh thực hiện 13.034 công trình nước sạch; tạo việc làm cho 11.271 lao động; gần 1.700 học sinh, sinh viên được vay vốn; 869 lao động được vay vốn đi làm việc ở nước ngoài…