Tại buổi lễ, Chủ tịch UND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam đã ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực của chính quyền thành phố trong việc xây dựng thành công đô thị thông minh. Với những kết quả đạt được, đây là bước đi đúng đắn của chính quyền thành phố trong quá trình phát triển đô thị nhằm áp dụng khoa học - kỹ thuật hiện đại, tri thức để thay đổi cách thức quản lý đô thị; đồng thời mang đến hiệu quả, môi trường sống ổn định, lành mạnh, tiện ích hơn cho người dân và doanh nghiệp.
Chủ tịch UND tỉnh Ninh Thuận nêu rõ, việc hình thành Trung tâm Điều hành đô thị thông minh là bước khởi đầu để hướng tới đô thị thông minh; đồng thời là bước đi đúng đắn cho quá trình phát triển đô thị của thành phố, phù hợp với quan điểm, chủ trương, định hướng của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 cũng như Quy hoạch phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. UBND thành phố Phan Rang - Tháp Chàm cần phát huy tối đa hiệu quả của Trung tâm Điều hành đô thị thông minh. Từ đó, hỗ trợ chính quyền trong chỉ đạo, điều hành; hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số.
Ông Nguyễn Thành Phú, Chủ tịch UBND thành phố Phan Rang - Tháp Chàm cho biết, đây là bước đi đầu tiên của chính quyền thành phố trong xu thế chuyển đổi số của cả tỉnh và cả nước. Việc đưa Trung tâm vào hoạt động sẽ giúp lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức của thành phố hoạt động năng động, sâu sát và toàn diện hơn; đồng thời, giúp thay đổi tư duy, cách thức giải quyết công việc được nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả dưới sự giám sát của nhân dân. Qua đó, hướng đến mục tiêu qua trọng nhất là phục vụ, nâng cao chất lượng cuộc sống cho các tầng lớp nhân dân.
Theo lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (đơn vị thi công), khi đưa vào sử dụng, phần mềm lõi Trung tâm điều hành đô thị thông minh sẽ tự động tổng hợp số liệu và trình chiếu thông qua các biểu đồ trực quan với 6 phân hệ gồm: Hệ thống quản lý văn bản; hệ thống dịch vụ công; hệ thống phản ánh hiện trường; hệ thống thông tin dữ liệu ngành Giáo dục; hệ thống thông tin dữ liệu ngành Y tế; hệ thống giám sát thông tin trên môi trường mạng. Trung tâm còn thực hiện điều hành, giám sát 8 phân hệ gồm: Hệ thống báo cáo kinh tế - xã hội; hệ thống camera an ninh trật tự đô thị; hệ thống camera giám sát vi phạm giao thông; hệ thống quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị; hệ thống thông tin quy hoạch sử dụng đất; hệ thống quan trắc môi trường; hệ thống du lịch thông minh; hệ thống quản lý cơ sở bán thuốc, quầy thuốc.
Với 14 phân hệ được triển khai tại Trung tâm, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm đang tiến tới một chính quyền năng động, chính quyền số, hướng tới một chính phủ điện tử như mục tiêu đã đề ra trong Nghị quyết của Tỉnh ủy về chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025.
Đặc biệt, Trung tâm sẽ giám sát toàn bộ các hoạt động của thành phố qua hệ thống camera giao thông, an ninh của Công an tỉnh, Ban An toàn giao thông tỉnh và của UBND 16 phường/xã trên địa bàn để phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của chính quyền thành phố. Đối với hệ thống phản ánh hiện trường, ngoài các kênh tiếp nhận phản ánh của tỉnh, Trung tâm còn thực hiện tiếp nhận các phản ánh, kiến nghị của người dân, tổ chức, doanh nghiệp về mọi mặt đời sống xã hội đến chính quyền thành phố thông qua đầu số 19009113, zalo, fanpage.
Với thành quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, UBND thành phố Phan Rang - Tháp Chàm được Chính phủ tặng Cờ thi đua là đơn vị dẫn đầu khối trong các phong trào thi đua của tỉnh Ninh Thuận.
Thành phố Phan Rang - Tháp Chàm là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, xã hội và khoa học - công nghệ của tỉnh Ninh Thuận; có diện tích tự nhiên trên 79 km2; gồm 16 đơn vị hành chính (15 phường và 1 xã). Năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã công nhận thành phố Phan Rang -Tháp Chàm là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Ninh Thuận.