Chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số. Ứng dụng công nghệ thông tin là tối ưu hóa quy trình đã có, theo mô hình hoạt động đã có, để cung cấp dịch vụ đã có. Chuyển đổi số là thay đổi quy trình mới, thay đổi mô hình hoạt động mới, để cung cấp dịch vụ mới hoặc cung cấp dịch vụ đã có theo cách mới. Đô thị thông minh là mô hình đô thị trong đó lồng ghép các công nghệ mới như ICT, big data… trong đô thị để giải quyết các vấn đề đô thị, cải thiện chất lượng cuộc sống. Đô thị thông minh còn được hiểu là “nền tảng đô thị” với không gian được kết hợp giữa hạ tầng đô thị và các công nghệ đổi mới đa dạng.
Xây dựng đô thị thông minh gắn với chuyển đổi số thành phố Tam Kỳ - Xu hướng tất yếu
Chúng ta đang sống trong sự hội tụ của hai hiện tượng quan trọng trong lịch sử nhân loại: Sự gia tăng đô thị hóa toàn cầu và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Sự tập trung dân số, tốc độ gia tăng của đô thị đã mang lại cho thành phố nhiều cơ hội phát triển và một số thách thức như chất lượng đô thị chưa bảo đảm, hạ tầng kỹ thuật chưa theo kịp đà phát triển của đô thị, xuống cấp nhanh dẫn đến những hậu quả về ngập nước mưa, tai nạn giao thông, ô nhiễm không khí, các vấn đề sức khỏe cũng như việc đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người dân; bắt đầu với các hạng mục cơ bản như cơ sở hạ tầng, môi trường, giao thông và ứng phó với thiên tai; các yêu cầu về nhà ở, năng lượng, an ninh, y tế và giáo dục, cũng như các vấn đề như truyền thông và giải trí. Bên cạnh đó, sự đột phá lớn về công nghệ dẫn đến các thay đổi sâu sắc trong mọi mặt đời sống xã hội. Do đó, việc định hướng Xây dựng đô thị thông minh gắn với chuyển đổi số thành phố Tam Kỳ là cấp thiết, góp phần tối ưu hóa nguồn lực, đảm bảo cho thành phố phát triển bền vững về kinh tế, xã hội, môi trường, đem lại sự an toàn, tiện ích hơn cho người dân và mở ra cơ hội cho thành phố bứt phá sớm trở thành đô thị loại 1 trong tương lai.
Nền tảng vững chắc của mục tiêu xây dựng đô thị thông minh gắn với chuyển đổi số thành phố Tam Kỳ
Trong thời gian qua, thành phố Tam Kỳ đã đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, hợp tác quốc tế góp phần tăng vốn đầu tư tạo điều kiện đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế – xã hội địa phương. Thu hút FDI ngày càng tăng và đạt 133% so với một số đô thị trong khu vực…. Dự án phát triển hạ tầng đô thị thông minh thành phố Tam Kỳ bằng nguồn vốn ODA không hoàn lại từ USTDA sẽ giúp UBND Thành phố Tam Kỳ nghiên cứu, đánh giá và xác định các giai đoạn, định hướng phù hợp để đưa ra các quyết định đầu tư hiệu quả nhất đối với thành phố trong những năm tiếp theo. Đồng thời qua đó thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao và hạ tầng nghiên cứu từ các quốc gia phát triển, tạo bức tranh chung cho công tác xây dựng đô thị phức hợp thông minh phù hợp với thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ 4, trong đó tập hợp tất cả các lĩnh vực như nhà ở, công nghiệp, giáo dục, y tế… Đặc biệt, với dự án xây dựng thành phố thông minh tỉnh Quảng Nam, thành phố Tam Kỳ được Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc tại Việt Nam tài trợ, sẽ giúp thành phố Tam Kỳ định hướng chiến lược về phát triển đô thị thông minh sớm nhất của cả nước.
Dự án gồm 7 hợp phần: Tổng quan chiến lược tổng thể thành phố thông minh tỉnh Quảng Nam và Kế hoạch tổng thể phát triển thành phố thông minh Tam Kỳ; Tổng quan về đô thị và định hướng chiến lược đô thị thông minh cho tỉnh Quảng Nam (4 đô thị: Tam Kỳ, Hội An, Điện Bàn, Núi Thành); Xây dựng cơ sở dữ liệu nền tảng của đô thị thông minh Tam Kỳ; Phát triển nền tảng dữ liệu đô thị thông minh (hệ thống thí điểm cho Tam Kỳ); Dịch vụ thí điểm đô thị thông minh (địa bàn thí điểm tại các phường nội thị thành phố Tam Kỳ); Xây dựng và vận hành Trung tâm điều hành đô thị thông minh; Đào tạo, nâng cao năng lực và Quản lý và xúc tiến dự án. Theo đó, về thiết bị dự án sẽ lắp đặt 03 vị trí cảm biến cảnh báo ngập lụt sông ngòi; 50 vị trí Camera giao thông và 6 vị trí camera giám sát tốc độ và 12 điểm thu phát wifi công cộng tại 2 vị trí. Về dữ liệu nền tảng của đô thị thông minh, chú trọng việc thu thập dữ liệu tự động và phát triển các nguồn dữ liệu có người dân tham gia và có sự tương tác với người dân như dịch vụ công trực tuyến, cổng thông tin y tế, cổng thông tin du lịch. Tất cả đều được kết nối về Trung tâm điều hành đô thị thông minh thành phố.
Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, công nghệ số không phải vấn đề quan trọng nhất mà sự tham gia của toàn dân mới là yếu tố đảm bảo sự thành công của chuyển đổi số. Người dân giữ vai trò chủ đạo, là người tạo ra dữ liệu và cung cấp dữ liệu. Việc quản lý hạ tầng đô thị sẽ dễ dàng hơn với ứng dụng phản ánh hiện trường, ví dụ người dân chụp ảnh công trình đô thị đang hư hỏng, xuống cấp và đăng lên ứng dụng, khi đó hệ thống sẽ tiếp nhận, xử lý phản ánh của người dân kịp thời góp phần giảm tối đa các thiệt hại…. Việc lấp đầy các dữ liệu trên bản đồ số phục vụ sinh hoạt của người dân chỉ có người dân mới cập nhật đúng, đủ theo thời gian thực. Các cơ quan nhà nước cùng tham gia, tạo động lực tăng trưởng mới khai thác sự sáng tạo của người dân, tạo nền tảng đổi mới đô thị qua sự tham gia của người dân. Các ứng dụng hệ thống dạng mở để người dân cùng tham gia. Ngoài các dịch vụ chung còn cung cấp dịch vụ phù hợp với người yếu thế góp phần đảm bảo an sinh xã hội, chung tay xây dựng một xã hội tốt đẹp, văn minh.
Định hướng xây dựng đô thị thông minh gắn với chuyển đổi số thành phố Tam Kỳ
Chuyển đổi số là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và là yêu cầu tất yếu khách quan của xã hội, tuy nhiên, chuyển đổi số là một quá trình lâu dài và cần có lộ trình cụ thể. Để bảo đảm việc triển khai hoạt động chuyển đổi số trên địa bàn thành phố được đồng bộ, hiệu quả, đảm bảo kết nối liên thông, thành phố cần có định hướng xây dựng đô thị thông minh gắn với chuyển đổi số thành phố Tam Kỳ với mục tiêu: “Nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, quản lý đô thị tinh gọn, bảo vệ môi trường hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh; Cung cấp dịch vụ công nhanh chóng, thuận tiện; Bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, phòng, chống tội phạm…”.
Thành phố Tam Kỳ đã và đang tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số và triển khai đô thị thông minh để cung cấp các dịch vụ thông minh cho người dân, doanh nghiệp dựa trên hạ tầng số và dữ liệu số. Định hướng chiến lược dịch vụ đô thị thông minh với khả năng triển khai linh hoạt các lĩnh vực như quản lý giao thông, quản lý phòng chống thiên tai, quản lý năng lượng, quản lý tài nguyên, xử lý rác thải, y tế, giáo dục… Quá trình đô thị hóa ở thành phố Tam Kỳ được dự đoán sẽ liên tục diễn ra mạnh mẽ. Do đó, cần nghiên cứu khả năng mở rộng dịch vụ thí điểm, cơ sở dữ liệu và trung tâm điều hành trong tương lai để xây dựng nền tảng dữ liệu, tạo nền móng cho sự phát triển đô thị bền vững. Định hướng xây dựng nền tảng vận hành đô thị hiệu quả, có thể ứng phó trước với các vấn đề đô thị dự đoán sẽ xảy ra trong tương lai, từ đó đưa ra tầm nhìn và dịch vụ đô thị thông minh phù hợp với đặc trưng thành phố để đảm bảo khả năng triển khai, nâng cao năng lực cạnh tranh đô thị trong thời gian đến.
Việc xây dựng và vận hành bộ máy tổ chức chuyên trách với các nghiệp vụ được xác định chi tiết theo từng lĩnh vực trong đô thị thông minh để điều hành, quản lý các giải pháp đô thị thông minh trong vùng thông minh với chi phí thấp và đem lại hiệu quả cao cần khai thác tối đa cơ sở hạ tầng đô thị có sẵn, dùng chung và liên thông tài nguyên giữa các đô thị, đầu tư cơ sở hạ tầng thông minh có tính đến tính kinh tế và hiệu quả. Quá trình chuyển đổi số kế thừa từ triển khai chính quyền điện tử, đô thị thông minh lấy dữ liệu làm trung tâm.
Trong thời gian qua, thành phố Tam Kỳ đã tập trung phát triển đồng bộ hạ tầng số để làm nền tảng thúc đẩy phát triển chuyển đổi số nhờ đó cơ sở hạ tầng phục vụ cho đô thị thông minh hiện nay cơ bản đáp ứng nhu cầu, thành phố có 296 trạm BTS; sóng thông tin di động 3G, 4G đã phủ sóng đến 100% các xã, phường.
Thành phố triển khai đồng bộ các ứng dụng dùng chung, các CSDL chuyên ngành và dịch vụ thí điểm đô thị thông minh như hệ thống quản lý văn bản và điều hành công việc Q-Office, hệ thống một cửa điện tử, cổng dịch vụ công, hệ thống email công vụ, hệ thống thông tin báo cáo (LRIS)… nên hiệu quả sử dụng ngày càng nâng cao.
Bên cạnh đó, thành phố cũng chú trọng xây dựng các cơ sở dữ liệu thiết yếu như cơ sở dữ liệu đất đai vừa phục vụ quản lý nhà nước vừa phục vụ nhu cầu thông tin của người dân. Cơ sở dữ liệu đất đai được hình thành trên nền bản đồ địa chính với các thông tin hiện trạng sử dụng đất, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thông tin giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…
Đồng thời xây dựng đô thị thông minh gắn với chuyển đổi số thành phố Tam Kỳ cần theo đuổi các giá trị cốt lõi của tăng trưởng đổi mới của đô thị thông minh, chính quyền số, kinh tế số, xã hội số để phát triển bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống và tạo dựng môi trường sống an toàn cho người dân. Việc thành lập và thường xuyên tổ chức đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng về chuyển đổi số cho Tổ công nghệ số cộng đồng cấp thôn, khối phố tại các xã, phường để thông tin tuyên truyền về công tác chuyển đổi số đến người dân; trực tiếp hỗ trợ, hướng dẫn người dân sử dụng các ứng dụng công nghệ thông minh, thương mại điện tử, dịch vụ hành chính công; tham gia thực hiện chuyển đổi số trong từng lĩnh vực của đời sống góp phần nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, phát triển toàn diện nguồn nhân lực số.
Như vậy, để phát triển và hình thành đô thị thông minh thành phố Tam Kỳ trước hết phải thực hiện chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện trong các lĩnh vực, trong đó cần chú trọng hàng đầu đến chuyển đổi số trong quản lý đô thị. Đặc biệt, đối với thành phố trẻ, định hướng xanh thì việc hình thành đô thị thông minh kiểu mẫu đảm bảo các chỉ tiêu hạ tầng sẽ thu hút các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghệ vào đầu tư góp phần phát triển nền kinh tế đồng thời tạo nên sức mạnh tổng hợp phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa của thành phố.