Hướng tới mục tiêu số hộ nông thôn được cung cấp nước sạch trong năm 2020 đạt trên 95%, tỉnh Nam Định đang thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch từ các công trình cấp nước tập trung.
Người dân an tâm sử dụng nước sạch
Từ năm 2018 trở về trước, chị Đặng Thị Thanh cùng các hộ dân trong xóm Bắc Phong, xã Yên Ninh, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định phải sử dụng nguồn nước chưa đảm bảo vệ sinh cho sinh hoạt hàng ngày, thi thoảng nước bị đục như nước ruộng, để một lúc lắng xuống thì thấy có rất nhiều cặn, có cả bọ gậy, rêu lẫn trong nước.
Theo chị Thanh, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do Trạm xử lý nước sinh hoạt xã Yên Ninh đã hoạt động từ năm 2004, công nghệ lạc hậu và đặc biệt là nguồn nước đầu vào được lấy từ dòng sông Sắt đang ngày càng bị ô nhiễm do tiếp giáp với các làng nghề truyền thống như đồ gỗ, mây tre đan xuất khẩu, đúc đồng…
Sau khi Công ty cổ phần Nước sạch và Vệ sinh nông thôn tỉnh Nam Định tiếp quản đã đầu tư trang thiết bị hiện đại, cải tạo, nâng cấp, thay thế đường ống và chuyển sang lấy nguồn nước đầu vào từ hệ thống sông ngòi lớn hơn để xử lý nên tình trạng nguồn nước đục, nước bị lẫn bẩn không còn, chất lượng nước được nâng cao, người dân an tâm sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày.
Ông Nguyễn Công Thắng - Phó Chủ tịch UBND xã Yên Ninh cho biết, trước đây Trạm xử lý nước trên địa bàn do Hợp tác xã quản lý, năng lực vận hành yếu, chất lượng nước kém nên tỷ lệ người dân trong xã đấu nối, sử dụng rất hạn chế. Từ khi được chuyển giao cho Công cổ phần Nước sạch và Vệ sinh nông thôn tỉnh Nam Định, chất lượng nước được cải thiện rõ rệt. Hiện 95% dân số trong xã sử dụng nguồn nước sạch để bảo đảm vệ sinh, phòng ngừa nguy cơ phát sinh dịch bệnh.
Theo ông Vũ Văn Dạn - Giám đốc Công ty cổ phần Nước sạch và Vệ sinh nông thôn tỉnh Nam Định, Công ty đang quản lý 15 nhà máy nước sạch, cấp nước cho 78 xã của 8 huyện với trên 136.000 khách hàng, chiếm gần 40% dân số tỉnh Nam Định.
Để nâng cao chất lượng nước, ngay từ khâu quy hoạch, Công ty đã chủ động được nơi cấp nước nguồn từ các con sông lớn; đầu tư các công nghệ xử lý nước hiện đại; xây dựng phòng thí nghiệm, thường xuyên kiểm tra thường kỳ, test nhanh về độ đục, độ màu, độ dư clo... để kịp thời điều chỉnh, đảm bảo nước đầu ra cung cấp tới các hộ dân.
Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, tỉnh Nam Định đã đầu tư và thực hiện chủ trương xã hội hóa xây dựng nhiều công trình cung cấp nước sạch tập trung ở khu vực nông thôn. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 53 công trình nước sạch nông thôn tập trung đã được đầu tư, xây dựng, cung cấp nước sạch cho người dân 147/207 xã, thị trấn; số hộ dân nông thôn được cung cấp nước sạch đạt 76,2%.
Đẩy nhanh tiến độ các dự án cấp nước
Nghị quyết số 19-NQ/TU ngày 25/11/2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nam Định về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 đề ra mục tiêu phải nâng tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt từ 99,9% trở lên (trong đó được sử dụng nước sạch đạt từ 95% trở lên). Tuy nhiên đã hết quý II/2020, trên địa bàn vẫn còn 60 xã, thị trấn chưa có nước sạch từ các công trình cấp nước tập trung chủ yếu tại các huyện ven biển như Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định, hiện có 10 dự án nước sạch nông thôn được đầu tư xây dựng. Theo kế hoạch, các dự án này sẽ cung cấp nước cho dân cư của khoảng 60 xã, thị trấn. Như vậy, cùng với 53 công trình cấp nước sạch tập trung đang vận hành các dự án này hoàn thành sẽ đảm bảo cấp nước cho toàn bộ dân cư nông thôn của tỉnh.
Hiện nay tiến độ thực hiện các dự án cấp nước sạch còn chậm so với kế hoạch đề ra. Nguyên nhân là do năng lực của một số nhà đầu tư yếu; một số dự án trong quá trình triển khai vướng vào đất của các hộ dân, việc giải phóng mặt bằng mất nhiều thời gian; thu nhập của nhiều hộ dân nông thôn một số nơi còn khó khăn dẫn đến việc đấu nối, sử dụng nước sạch hạn chế.
Theo ông Vũ Văn Dạn, hiện nay người dân tại các huyện ven biển như Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng vẫn giữ thói quen sử dụng nước mưa hoặc lấy nước từ các mạch nước ngầm nên nhu cầu sử dụng nước sạch chưa cao. Các doanh nghiệp khi đầu tư công trình nước sạch tại các khu vực này đang gặp nhiều khó khăn trong việc vận động người dân chuyển sang dùng nước sạch.
Ông Trần Đức Việt - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định cho biết, để đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình cấp nước sạch nông thôn, hàng tháng Sở đều có văn bản đôn đốc, nhắc nhở, yêu cầu chủ đầu tư báo cáo tiến độ thực hiện dự án; thường xuyên phối hợp, đề nghị UBND các huyện tạo điều kiện để các doanh nghiệp hoàn thiện các thủ tục về giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, nhanh chóng triển khai thi công nhà máy bảo đảm tiến độ đề ra.