Ông Bùi Minh Châu, Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ cho biết, giai đoạn 2019 - 2021, việc sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã được Phú Thọ đã triển khai đồng bộ, nhận được sự đồng thuận, thống nhất cao của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Các đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp, sáp nhập đã hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của nhân dân. Đây là tiền đề quan trọng góp phần cải cách thủ tục hành chính, tinh gọn bộ máy, tinh giảm biên chế, giảm chi ngân sách nhà nước, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức.
Để thực hiện hiệu quả việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2023 - 2025, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các đơn vị, địa phương, khi xây dựng phương án sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính trong giai đoạn tiếp theo, phải đảm bảo việc kế thừa, phát huy những kết quả đạt được, đồng thời khắc phục những vấn đề chưa phù hợp của giai đoạn trước, quan trọng nhất là phải nhận được sự đồng thuận, ủng hộ cao của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Các cấp, ngành, địa phương phải có bước đi, lộ trình phù hợp nhất với thực tế của địa phương, giảm thiểu những tác hại.
Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ cũng đề nghị Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh tiếp tục đánh giá lại việc sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn trước, chỉ ra những tồn tại, bất cập, từ đó có giải pháp để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các đơn vị hành chính sau sáp nhập; đồng thời có văn bản đề nghị Bộ Nội vụ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có hướng giải quyết triệt để, đảm bảo quyền lợi cho những cán bộ chịu tác động của việc sắp xếp.
Các đơn vị, địa phương trong thời gian tới cũng tăng cường tuyên truyền, quán triệt, vận động, làm tốt công tác tư tưởng cho đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và người dân nhận thức rõ nhiệm vụ chính trị, lợi ích của việc sắp xếp, sáp nhập, tạo sự đồng thuận cao trong quá trình thực hiện; lắng nghe, tiếp thu tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân để đưa ra phương án sắp xếp, sáp nhập phù hợp.
Ông Bùi Văn Quang, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ cho biết, ngay sau khi Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ ban hành Nghị quyết về việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025, UBND tỉnh Phú Thọ ban hành kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025.
Theo kế hoạch, năm 2023, UBND tỉnh đảm bảo hoàn thành Phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 trình Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy; năm 2024, hoàn thiện Đề án hồ sơ sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2023 - 2025, báo cáo Bộ Nội vụ thẩm định trình Chính phủ xem xét, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định. Đến năm 2025, tỉnh đảm bảo sắp xếp, kiện toàn xong tổ chức bộ máy tại các đơn vị hành chính mới hình thành sau sắp xếp; đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã mới chính thức đi vào hoạt động theo Nghị quyết của Ủy Ban Thường vụ Quốc hội.
Đến nay, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh đã hoàn thành xây dựng và ban hành Phương án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2023 - 2025. Theo phương án, thời gian này, tỉnh chưa thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện mà chỉ thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã. Phú Thọ vẫn giữ nguyên 13 huyện, thành phố, thị xã; tiến hành sắp xếp, điều chỉnh đối với 80 đơn vị hành chính cấp xã để hình thành sau sắp xếp 32 đơn vị hành chính, giảm 48 xã. Sau khi sắp xếp, số lượng đơn vị hành chính cấp xã tỉnh Phú Thọ là 177 đơn vị; trong đó có 15 phường, 11 thị trấn, 151 xã. Phương án sắp xếp này cũng đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết thống nhất. Nội dung phương án được Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.
Để đảm bảo triển khai hiệu quả việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 - 2025, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp cấp ủy, chính quyền cấp huyện rà soát các phương án để lựa chọn, thống nhất phương án sắp xếp đảm bảo vừa thuận lợi, phù hợp về địa hình, vừa đồng nhất về tập quán sản xuất, kinh doanh và tập quán văn hóa giữa các địa phương sắp xếp; đồng thời đảm bảo sự định hướng đồng bộ, thống nhất với việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2026 - 2030.
Theo UBND tỉnh, do đặc thù của tỉnh trung du, tỉnh Phú Thọ có nhiều đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã chưa đảm bảo về diện tích tự nhiên, quy mô dân số và thuộc diện sắp xếp theo quy định. Ngoài việc dự kiến phương án thực hiện sắp xếp 80 đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 - 2025, giai đoạn 2026 - 2030 tỉnh Phú Thọ có 6 huyện và trên 20 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện sắp xếp. Theo phương án này, Phú Thọ là địa phương có số lượng đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện sáp nhập lớn thứ 4 của cả nước, chiếm hơn 30% số xã.