Nội dung này được ghi nhận tại Kế hoạch “Phát triển các vùng sản xuất rau an toàn, tập trung, bảo đảm truy xuất nguồn gốc gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh” do UBND tỉnh Đắk Lắk vừa ban hành. Mục tiêu nhằm phát triển các vùng sản xuất rau an toàn, tập trung, bảo đảm truy xuất nguồn gốc, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng rau trong nước và một phần xuất khẩu, góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao sức khỏe cộng đồng, phát triển bền vững ngành hàng rau.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Hoài Dương, người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến các thực phẩm chất lượng, bảo vệ sức khỏe, bảo vệ môi trường.
“Để triển khai kế hoạch, trước hết, tỉnh Đắk Lắk cần quyết liệt giáo dục, nâng cao nhận thức của người sản xuất và người tiêu dùng về tầm quan trọng của thực phẩm an toàn, chất lượng; đồng thời phải ban hành cơ chế hỗ trợ sản xuất rau an toàn; ban hành quy định về các tiêu chuẩn khi đưa thực phẩm nói chung, rau, củ, quả nói riêng ra thị trường. Bên cạnh đó, tỉnh cần có chế tài xử lý nghiêm minh đối với những trường hợp sử dụng quá liều lượng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, chất gây hại trong quá trình sản xuất và tiêu thụ rau nhằm hướng đến sản phẩm an toàn, chất lượng, tích cực bảo vệ môi trường”, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk nhấn mạnh.
Tới đây, tỉnh Đắk Lắk sẽ hỗ trợ thành lập mới và nâng cao năng lực cho các thành viên hợp tác xã sản xuất rau an toàn; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất rau, ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số, truy xuất nguồn gốc trong sản xuất rau an toàn; đa dạng hóa các kênh phân phối rau an toàn. Song song với đó, tỉnh tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, vi sinh và thuốc bảo vệ thực vật sinh học, chuyển giao quy trình sản xuất rau an toàn vào thực tiễn sản xuất.
Để phát triển các vùng sản xuất rau an toàn, tập trung, UBND tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật vào sản xuất, sơ chế, chế biến rau; xây dựng vùng trồng bảo đảm truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Sở xây dựng các mô hình trình diễn chuyển giao nhanh đến người sản xuất các kỹ thuật tiến bộ áp dụng vào sản xuất, sơ chế, chế biến rau an toàn; thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong sản xuất, buôn bán, sử dụng giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh rau.
UBND tỉnh Đắk Lắk cũng chỉ đạo Sở Công Thương đẩy mạnh xúc tiến thương mại, thu hút doanh nghiệp ký kết thu mua nông sản; thực hiện hoạt động khuyến công nông thôn trong chuyển giao công nghệ, hỗ trợ trang thiết bị, dây chuyền cho các mô hình sơ chế, chế biến, bảo quản sản phẩm rau. UBND cấp huyện xác định quy mô vùng sản xuất rau tập trung, định hướng quy mô vùng trồng rau; thu hút đầu tư, thúc đẩy hình thành các chuỗi liên kết sản xuất rau từ xây dựng vùng trồng đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Pắc Y Niêm Êban cho biết, địa phương có diện tích trồng rau lớn nhất của tỉnh với 2.227 ha. Người dân các xã Ea Phê, Ea Kuăng, Ea Kênh trồng rau từ nhiều đời nay. Tuy nhiên, các hộ sản xuất chủ yếu manh mún với nhiều loại rau khác nhau. Việc vận động, tập hợp thành hợp tác xã, tổ hợp tác rau còn nhiều khó khăn. Giá cả đầu ra cũng chưa ổn định, chủ yếu bán ở chợ, chưa liên kết được với các doanh nghiệp, siêu thị.
Thời gian tới, ngành nông nghiệp huyện nghiên cứu, tham mưu xây dựng chuyên đề về rau an toàn; kết nối nông dân với doanh nghiệp để tạo liên kết chuỗi trong sản xuất rau, tìm kiếm đầu ra ổn định cho nông dân.