Đắk Lắk nỗ lực tháo gỡ khó khăn, hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới

Xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và lâu dài nhằm thực hiện mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” tại khu vực nông thôn.

Chú thích ảnh
Trao bảng công nhận “xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023” cho UBND xã Ea Kao, thành phố Buôn Ma Thuột. 

Sau hơn 13 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tỉnh Đắk Lắk đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, làm thay đổi diện mạo nông thôn và nâng cao đời sống nhân dân. Tuy nhiên, tỉnh đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức để đạt mục tiêu đến hết năm 2025 có 100 xã huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk về thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới tại tỉnh.  

Chú thích ảnh
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Hoài Dương. 

Thưa ông, sau hơn 13 năm triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay tỉnh Đắk Lắk đã đạt được những kết quả nổi bật nào?

Với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, địa phương và bà con nhân dân, chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh Đắk Lắk đến nay đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Ước tính đến hết năm 2024, toàn tỉnh có 81/149 xã đạt chuẩn nông thôn mới, tương ứng tỷ lệ 54,36%; có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 1 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới là thành phố Buôn Ma Thuột. Bình quân toàn tỉnh đạt 16,3 tiêu chí/xã.

Bên cạnh đó, lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 230 sản phẩm OCOP; trong đó, có 3 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 42 sản phẩm đạt 4 sao và 185 sản phẩm đạt 3 sao. Các sản phẩm đạt OCOP 4 sao đều có tiềm năng để hoàn thiện, chuẩn hóa các tiêu chí để nâng cấp chất lượng đạt chuẩn 5 sao (cấp quốc gia) để tham gia vào thị trường quốc tế.

Nhìn chung, các sản phẩm OCOP đã phát huy các điều kiện tự nhiên, văn hóa xã hội, thế mạnh của địa phương để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ có chất lượng, có thương hiệu, góp phần quan trọng trong việc nâng cao giá trị, nâng cao thu nhập cho bà con vùng nông thôn và tạo ra tư duy mới trong sản xuất, đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. 

Có thể nói, sau hơn 13 năm xây dựng nông thôn mới, nhận thức của cán bộ, đảng viên và người dân về chương trình ngày càng được nâng lên, hưởng ứng tích cực phong trào thi đua “Đắk Lắk chung sức xây dựng nông thôn mới”. Đặc biệt, người dân nông thôn đã ý thức cao về lợi ích và vai trò chủ thể của mình, tự giác tham gia bàn bạc, hiến kế và đóng góp vào Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Có thể nói, chương trình xây dựng nông thôn mới mang lại kết quả lớn nhất là thay đổi được ý thức, nhận thức của người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, không chỉ dựa vào sự hỗ trợ của Nhà nước mà chính người dân đã ý thức, nhận thức được ý nghĩa của chương trình để nỗ lực vươn lên, tạo sinh kế ổn định và tích cực hưởng ứng, đóng góp cho chương trình.

Ngoài ra, trong hơn 13 năm thực hiện, các địa phương không để xảy ra nợ đọng xây dựng cơ bản trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Hạ tầng kinh tế - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, bộ mặt nông thôn được đổi mới, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao; hệ thống chính trị được củng cố, kiện toàn; quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững ổn định; bộ mặt nông thôn của tỉnh ngày càng khang trang, sạch, đẹp. 

Chú thích ảnh
Đường vào xã nông thôn mới nâng cao Ea Kao, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Hoài Thu – TTXVN.

Thưa ông, tỉnh Đắk Lắk đặt mục tiêu đến hết năm 2025 có 4 đơn vị cấp huyện và 100 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Tỉnh đang gặp những khó khăn, thách thức gì để đạt được mục tiêu này?

Mục tiêu tỉnh Đắk Lắk đặt ra là vậy, song chặng đường xây dựng nông thôn mới của tỉnh trong thời gian đến còn rất gian nan và thử thách. Đắk Lắk là tỉnh có khu vực nông thôn rất lớn, diện tích tự nhiên đứng thứ 4 cả nước. Diện tích bình quân một xã của tỉnh gấp 3 lần diện tích bình quân một xã của các tỉnh trong cả nước. Điều kiện kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa của tỉnh còn nhiều khó khăn. 

Bên cạnh đó, nguồn lực đầu tư cho chương trình xây dựng nông thôn mới là vấn đề lớn nhất, quyết định hiệu quả của chương trình. Tỉnh Đắk Lắk còn nhận trợ cấp lớn từ Trung ương, nguồn lực đầu tư Trung ương dành cho tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 giảm, bằng 2/3 so với giai đoạn trước. Nguồn lực của tỉnh đã cố gắng nỗ lực song còn hạn chế.

Để bảo đảm đạt chỉ tiêu 100 xã đạt chuẩn nông thôn mới đến hết năm 2025, theo dự toán, tỉnh cần hơn 3.000 tỷ đồng. Tổng nguồn lực đầu tư xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020 - 2025 của trung ương, tỉnh và cấp huyện bố trí được 1.600 tỷ đồng, còn thiếu rất nhiều so với nhu cầu thực tế. Đây là thách thức rất lớn của tỉnh.

Song song với đó, giai đoạn 2021 - 2025, Bộ tiêu chí chương trình nông thôn mới được ban hành mới với yêu cầu cao, các tiêu chí và chất lượng tiêu chí đều cao hơn so với giai đoạn trước. Những xã đã đạt chuẩn nông thôn mới đa phần có nhiều thuận lợi, những xã chưa đạt chuẩn là những xã có xuất phát điểm thấp, khó khăn hơn rất nhiều.

Do đó, với mục tiêu lớn, vấn đề xây dựng nông thôn mới của tỉnh trong thời gian tới rất khó khăn, đòi hỏi sự nỗ lực cao độ của các ngành, các cấp và các địa phương để hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh.

Chú thích ảnh
Diện mạo nông thôn mới nâng cao xã Ea Kao, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. 

Vậy để tháo gỡ khó khăn và đạt mục tiêu đề ra, thời gian tới, tỉnh Đắk Lắk đề ra những giải pháp gì trong xây dựng nông thôn mới, thưa ông?

Để phát triển nông thôn hài hòa, hướng tới chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân ngày càng tốt hơn, trong đó tập trung phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030, giải pháp trọng tâm, quan trọng nhất là cả hệ thống chính trị ý thức cao về vai trò, trách nhiệm của mình trong xây dựng nông thôn mới và cụ thể hóa bằng những chương trình, kế hoạch cụ thể để đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu của cả giai đoạn và mục tiêu hằng năm đề ra.

Cấp ủy, chính quyền, đoàn thể từ tỉnh đến huyện, xã phải quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, linh hoạt, đổi mới, sáng tạo, khắc phục mọi khó khăn và đề ra giải pháp thực hiện cụ thể nhằm phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; phấn đấu đạt chỉ tiêu kinh tế - xã hội về xây dựng nông thôn mới thuộc Nghị quyết số 01 ngày 02/11/2020 của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra.

Bên cạnh đó, tỉnh tăng cường tuyên truyền và phát huy vai trò chủ thể của người dân vùng nông thôn để cùng bàn bạc, thảo luận kỹ các vấn đề lớn của địa phương, vừa tham gia trực tiếp, vừa đóng góp sức người, công của phù hợp vào chương trình xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra, tỉnh cụ thể hóa các bộ tiêu chí nông thôn mới ở từng địa phương, từng nơi.

Ngoài trách nhiệm của địa phương, trong chương trình xây dựng nông thôn mới, các sở, ban, ngành đã được phân công theo dõi từng tiêu chí cần phát huy vai trò, trách nhiệm, không chỉ kiểm tra, giám sát mà phải hướng dẫn, hỗ trợ, tạo điều kiện và cụ thể hóa các cơ chế, chính sách vào thực tiễn ở các địa phương, góp phần thúc đẩy nhanh cho các địa phương xây dựng nông thôn mới.

Một vấn đề, nhiệm vụ hết sức quan trọng khác là đầu tư kết cấu hạ tầng. Do đó, các địa phương phải lựa chọn xây dựng những công trình phù hợp, mang tính lan tỏa. Ngoài nguồn vốn từ ngân sách, phải huy động người dân, thu hút các nguồn lực đầu tư của doanh nghiệp để có thêm nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng vùng nông thôn. Trong đầu tư kết cấu hạ tầng, đòi hỏi là phải làm đúng quy trình, đúng quy định và phải được công khai, minh bạch để các công trình đảm bảo chất lượng, sớm phát huy hiệu quả. 

Vấn đề quan trọng nữa là phát triển kinh tế nông thôn. Đây là vấn đề cốt lõi quyết định đẩy nhanh hoàn thành việc xây dựng nông thôn mới. Tỉnh tổ chức lại các khâu sản xuất của vùng nông thôn, trong đó nông nghiệp vẫn là vấn đề chủ đạo; đồng thời tập trung tái cơ cấu nông nghiệp của vùng theo hướng chuyên canh, tập trung vào những sản phẩm chủ lực, có thế mạnh của địa phương, xây dựng các chuỗi giá trị, đặc biệt phải phát triển mạnh mẽ các hợp tác xã để gắn kết người nông dân, tạo ra sản phẩm đảm bảo chất lượng, có chứng nhận và liên kết hợp tác với các doanh nghiệp, tạo nền tảng phát triển nông nghiệp địa phương vùng nông thôn bền vững, hiệu quả.

Song song với các giải pháp trên, người dân - chủ thể của chương trình xây dựng nông thôn mới cần tham gia tích cực vào quá trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương, phát huy vai trò tự quản trong đảm bảo an ninh trật tự, giảm dần các tệ nạn xã hội. Các ngành, các cấp cùng với người dân phải tăng cường kiểm tra, giám sát, đóng góp ý kiến cho địa phương để chương trình xây dựng nông thôn mới được thực hiện liên tục và mang lại hiệu quả cao nhất. Đồng thời, trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục lan tỏa các mô hình, cách làm hay, cá nhân điển hình và nâng cao chất lượng các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới.

Ngoài ra, tỉnh tiếp tục nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho địa phương, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế để đẩy nhanh tiến độ, hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới; khẩn trương chỉ đạo hoàn thành công tác rà soát, đánh giá, điều chỉnh quy hoạch nông thôn cho phù hợp tiêu chí nông thôn mới và định hướng phát triển của địa phương.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Hoài Thu (thực hiện)
Đồng bộ hạ tầng giao thông, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk
Đồng bộ hạ tầng giao thông, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk

Theo đại diện UBND tỉnh Đắk Lắk, năm 2024, công tác phát triển hạ tầng giao thông được Trung ương và địa phương tập trung đầu tư xây dựng. Nhờ vậy, kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh đạt được những kết quả quan trọng, từng bước đồng bộ với nhiều dự án trọng điểm, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN