Ngoài ra, nông dân trong tỉnh còn trồng, chăm sóc và đưa ra phục vụ thị trường Tết Nguyên đán nhiều sản phẩm hoa kiểng độc đáo vùng miền như: đu đủ vàng, đu đủ bonsai... của miệt vườn vùng kiểm soát lũ đầu nguồn sông Tiền thuộc huyện Cái Bè, dứa son và dứa phụng vùng Đồng Tháp Mười thuộc huyện Tân Phước.
Bên cạnh đó, còn có thanh long kiểng và ngô bonsai của vùng chuyên canh huyện Chợ Gạo, Gò Công Tây,… tạo ra sắc màu đa dạng, hấp dẫn và thêm nhiều lựa chọn cho người tiêu dùng đối với thị trường hoa kiểng tết 2022.
Tuy vậy, theo ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, do ảnh hưởng dịch COVID-19 vừa qua nên số lượng hoa cảnh trồng phục vụ dịp Tết này sụt giảm mạnh.
Ông Nguyễn Quang Thành, Phó Chủ tịch UBND thành phố Mỹ Tho cho biết, tại các làng hoa cảnh truyền thống của thành phố Mỹ Tho như Mỹ Phong, Tân Mỹ Chánh lượng hoa cảnh nông dân trồng trong vụ Tết chỉ bằng khoảng 1/3 so với cùng kỳ năm trước.
Nguyên nhân là do bà con lo ngại việc tiêu thụ khó khăn khi tỉnh trở lại trạng thái bình thường mới “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” theo tinh thần Nghị quyết 128/NQ-CP cũng như đời sống người dân gặp khó do ảnh hưởng dịch bệnh, sức mua thấp.
Đáng mừng là ngoài dự đoán bà con, trà hoa Tết của nông dân Tiền Giang hiện đang phát triển tốt, hứa hẹn một vụ bội thu, đảm bảo thu nhập cho người trồng trong dịp năm hết, Tết đến. Qua đó, bù đắp phần nào những thiệt hại về kinh tế - xã hội và ảnh hưởng đến đời sống nhân dân trong đợt dịch COVID-19 bùng phát lần thứ tư trong năm vừa qua.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Phong (thành phố Mỹ Tho) cho biết, trong vụ hoa năm 2022, nông dân địa phương trồng được 200.000 giỏ hoa các loại, giảm hơn 500.000 giỏ hoa so với cùng kỳ năm 2021.
Tuy vậy, phần lớn hoa tết tại các làng hoa ven thành phố Mỹ Tho, nhất là làng hoa Mỹ Phong đều đã được thương lái trong ngoài tỉnh hợp đồng đặt mua từ đầu vụ nên nông dân rất an tâm chăm bón cho trà hoa Tết phát triển như: ý, chất lượng phục vụ Tết Nhâm Dần.
Ngoài ra, hoa Tết đầu vụ cũng được thương lái đặt mua giá khá cao, cúc giá từ 120.000 đồng-130.000 đồng/cặp tại ruộng tùy theo loại và chất lượng, vạn thọ cũng có giá khoảng 90.000 đồng/cặp, cao hơn từ 20-30% so cùng kỳ năm trước. Theo nhận định của các hộ trồng hoa có kinh nghiệm, giá hoa năm nay tăng khá do lượng cung năm nay sụt giảm mạnh so với năm ngoái.
Chị Trần Thị Mai (xã Mỹ Phong) có thâm niên hàng chục năm trồng hoa ở làng hoa Mỹ Phong cho biết, vụ hoa Tết năm nay, chị chỉ trồng 2.000 chậu hoa cúc, vạn thọ, giảm khoảng 2.500 chậu hoa so Tết năm trước do lo sợ nhu cầu thị trường còn đang chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Tuy nhiên, năm nay thời tiết thuận lợi cộng thêm việc áp dụng đồng bộ khoa học kỹ thuật trong thâm canh, chăm sóc nên trà hoa đang phát triển tốt. Vì vậy, chị Mai lạc quan cho biết, với mặt bằng giá hoa như trên và chất lượng hoa tốt, người trồng hoa có thể đạt lợi nhuận ròng trên 50% tổng thu.
Giành vụ hoa Tết thắng lợi, bội thu cũng là kỳ vọng chung của các hộ nông dân trồng hoa ảnh Tết năm 2022 trong thời điểm mọi người cùng ra sức khôi phục sản xuất, ổn định đời sống và tích cực góp phần phát triển nền nông nghiệp hàng hóa tỉnh Tiền Giang giai đoạn bình thường mới hiện nay.