Tại buổi tiếp xúc, thành viên Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Quảng Nam thông báo đến cử tri tình hình kinh tế - xã hội của cả nước khi tình hình dịch COVID-19 về cơ bản đã được kiểm soát...
Tại tỉnh Quảng Nam, trong quý I/2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế ước tính tăng 11,24% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng trưởng khá cao so với cả nước và là tỉnh có mức tăng trưởng cao nhất trong khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung. Nhờ chủ động chuyển sang trạng thái bình thường mới thích ứng với đại dịch COVID-19, Quảng Nam đẩy mạnh các hoạt động sản xuất, kinh doanh và tạo ra nhiều chuyển biến tích cực trên lĩnh vực phát triển kinh tế ở địa phương.
Nổi bật là chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 17,6% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, Quảng Nam tổ chức thành công Lễ khai mạc Năm Du lịch quốc gia 2020 với chủ đề "Quảng Nam - điểm đến du lịch xanh", tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, góp phần quan trọng thúc đẩy phục hồi, phát triển du lịch sau đại dịch COVID-19... Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam cũng thông báo với cử tri các hoạt động của Đoàn trong quý I/2022.
Cũng tại buổi tiếp xúc, cử tri các địa phương phản ánh nhiều vấn đề nổi bật đang được xã hội quan tâm hiện nay như: Tranh chấp đất đai, các vấn đề về giáo dục, y tế, chế độ cho đối tượng chính sách, xây dựng, giao thông…
Cụ thể, cử tri Brung Yên - già làng thôn Bát Trượt, xã Atiêng huyện Tây Giang đề nghị, Đảng, Nhà nước quan tâm hơn nữa đến cán bộ hưu trí. Hiện nay, lương hưu rất thấp không đủ trang trải cuộc sống hàng ngày nên Quốc hội, Chính phủ và tỉnh cần quan tâm điều chỉnh hợp lý. Việc tranh chấp địa giới hành chính giữa các thôn, xã diễn ra rất gay gắt, đề nghị chính quyền các cấp có hướng giải quyết dứt điểm, không làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân.
Cử tri Rlăh Nhop - Bí thư Đảng ủy xã Ga Ri, huyện Tây Giang cho hay, mức hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người nghèo hiện quá thấp, đề nghị các cấp chính quyền quan tâm nâng mức hỗ trợ lên 50 - 60 triệu đồng/nhà. Các thôn sau khi sáp nhập, chính quyền cần quan tâm hỗ trợ xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng để người dân sinh hoạt, hội họp...
Ông Avô Tô Phương ở huyện Đông Giang kiến nghị Chính phủ tiếp tục có cơ chế, chính sách xây dựng kiên cố trường, nhà công vụ, bởi hiện nay một số trường học và nhà công vụ của các cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện đã xuống cấp, không đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên…
Tại huyện Thăng Bình, cử tri cho rằng, chế độ trợ cấp cho cán bộ không chuyên trách cấp xã còn hạn chế. Thời gian qua ở vùng nông thôn xuất hiện tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng gây bức xúc trong nhân dân.
Cử tri đề nghị, Nhà nước sớm đầu tư nạo vét sông Trường Giang, tạo thuận lợi cho nhân dân phát triển sản xuất, nuôi trồng thủy sản. Hiện nay, khu vực phía Đông huyện Thăng Bình có nhiều dự án đầu tư xây dựng công nghiệp, du lịch, dịch vụ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhưng xuất hiện dự án treo gây lãng phí tài nguyên đất đai và trở ngại lớn đến đời sống nhân dân. Cử tri mong muốn Nhà nước quan tâm, có cơ chế chính sách phù hợp để tách thửa trong hộ gia đình, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tạo thuận lợi cho việc xây dựng nhà ở của người dân.
Tại huyện Hiệp Đức, các cử tri bày tỏ phấn khởi khi thị trấn Tân An và xã Quế Bình hợp nhất thành thị trấn Tân Bình phát triển mạnh thời gian qua, đồng thời kiến nghị, để Tân Bình phát triển, Nhà nước cần đầu tư, hoàn thiện thêm về hạ tầng tạo sức bật hơn nữa trong thời gian tới.
Cử tri mong muốn được đầu tư thêm các công trình nước sạch, giao thông để thuận lợi cho sinh hoạt của người dân; quan tâm hơn đến chế độ cho người có công; hỗ trợ người dân chịu thiệt hại về cây trồng, vật nuôi do thiên tai...
Trước những kiến nghị của cử tri, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu chính quyền các cấp trả lời thấu đáo. Đối với những ý kiến vượt mức thẩm quyền, Đoàn Quốc hội sẽ tập hợp và có ý kiến phản ánh với Quốc hội trong kỳ họp tới.