Chuyển đổi số tại khu vực Trung Trung Bộ - Bài 2: Tận dụng những lợi thế sẵn có

Trong số các địa phương thuộc khu vực Trung Trung Bộ, thành phố Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên - Huế có nhiều tiềm năng, điều kiện thuận lợi nhất để thực hiện chuyển đổi số.

Chú thích ảnh
Xử lý phản ánh hiện trường của công dân tại Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên - Huế (HueIOC). Ảnh: Mai Trang/TTXVN

Theo Báo cáo xếp hạng mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng Công nghệ thông tin ở Việt Nam - Vietnam ICT Index 2020 vừa được công bố ngày 27/4/2021, thành phố Đà Nẵng giữ vị trí đầu bảng (giữ vững 12 năm liên tiếp) và tỉnh Thừa Thiên - Huế đứng thứ hai (2 năm liên tiếp) trong số 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Từ chính quyền điện tử đến chính quyền số

Thừa Thiên - Huế là một trong những địa phương tiên phong thực hiện chính quyền điện tử. Cải cách hành chính gắn liền với xây dựng chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số là mục tiêu xuyên suốt của tỉnh Thừa Thiên - Huế. Từ năm 2017, Thừa Thiên - Huế đã đưa vào hoạt động Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, đồng thời đưa 9 Trung tâm Hành chính công cấp huyện vào hoạt động. Đây là nơi duy nhất tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, giúp người dân có thể đăng ký các thủ tục hành chính, thực hiện thanh toán trực tuyến, đồng thời đăng ký tiếp nhận, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua bưu điện.

Ông Lê Văn Nhật, phường Thủy Xuân, thành phố Huế cho biết: "Vừa qua, khi đăng ký thủ tục cấp phép xây dựng nhà ở, tôi lựa chọn hình thức giao dịch trực tuyến thông qua địa chỉ truy cập: dichvucong.thuathienhue.gov.vn. Việc nộp hồ sơ trực tuyến này đơn giản hơn rất nhiều so với trước đây, phải đi lại nhiều lần để nộp và nhận kết quả, nhất là khi hồ sơ chưa đầy đủ theo yêu cầu phải đi lại bổ sung rất mất công. Không chỉ tiết kiệm thời gian, hoàn thành thủ tục hành chính chính xác, mà giao dịch trực tuyến còn đảm bảo an toàn cho người dân, nhất là trong thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp".

Nếu như chính quyền điện tử là đưa các thủ tục hành chính lên mạng internet, chính quyền số là đưa ra các giải pháp để giải quyết toàn bộ hoạt động chính quyền trên môi trường số. Thừa Thiên - Huế đã tích cực triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin nhằm xây dựng nền tảng cơ bản để thực hiện chương trình chuyển đổi số. Một trong những điểm sáng trong ứng dụng công nghệ thông tin của tỉnh là việc xây dựng và đưa vào vận hành Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên - Huế (HueIOC) vào năm 2019.

Khởi đầu chỉ với căn phòng 100 m2 và gần 50 cán bộ, sau hơn 2 năm chính thức hoạt động, HueIOC đã trở thành “mắt thần” giúp theo dõi, giám sát nhiều lĩnh vực, với hàng trăm camera kết nối cùng hệ thống phân tích, xử lý, thống kê tự động. Hiện HueIOC cũng đã triển khai vận hành 11 ứng dụng đô thị thông minh như: Phản ánh hiện trường, thông tin cảnh báo, giám sát đô thị thông qua cảm biến camera, giám sát hành chính công…

Theo ông Nguyễn Dương Anh, Giám đốc Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh Thừa Thiên - Huế (HueIOC), những dịch vụ mà tỉnh đã triển khai trong thời gian qua, đã góp phần tạo ra môi trường sống tốt hơn cho người dân trên địa bàn tỉnh, từ đó cải thiện niềm tin của người dân, doanh nghiệp vào công tác điều hành, chỉ đạo của chính quyền; lòng tin của lãnh đạo cấp trên vào khả năng vận hành hệ thống công nghệ thông tin cấp dưới. Tình hình trật tự an ninh, môi trường, xã hội và kinh tế địa phương đã có nhiều chuyển biến rõ rệt và tích cực hơn. Năm 2020, HueIOC đã phát huy hiệu quả vai trò là đầu mối kết nối giữa công dân, doanh nghiệp và chính quyền trong các dịch vụ đô thị thông minh, nhất là trong thời điểm dịch COVID-19 và các đợt mưa bão, lũ lụt.

Từ nay đến 2025, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế dự ước kinh phí trung hạn phục vụ quá trình chuyển đổi số của tỉnh là 2.732 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách tỉnh là 554,5 tỷ đồng, còn lại 2.177,5 tỷ đồng từ nguồn vốn trung ương, tài trợ, xã hội hóa...

Tận dụng nền tảng thành phố thông minh

Thực tế từ năm 2014, Đà Nẵng đã tiến hành quá trình chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý. Điển hình là nghiên cứu và ban hành “Ðề án xây dựng thành phố thông minh hơn”, làm cơ sở để các cơ quan thành phố phối hợp các doanh nghiệp công nghệ thông tin trong nước và quốc tế triển khai thí điểm các ứng dụng thông minh.

Năm 2018, Đà Nẵng đã ban hành Kiến trúc tổng thể thành phố thông minh, tập trung vào 6 trụ cột chính, gồm: Quản trị thông minh, kinh tế thông minh, môi trường thông minh, đời sống thông minh, giao thông thông minh và công dân thông minh. Đến hết năm 2020, thành phố này hoàn thành sớm 11 trong số 13 nhiệm vụ Chính phủ giao các địa phương đến năm 2025 tại Đề án Phát triển đô thị thông minh Việt Nam.

Theo Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Đà Nẵng Trần Ngọc Thạch, chuyển đổi số không phải đập bỏ, làm mới hoàn toàn mà là thay đổi mô hình, quy trình nghiệp vụ, kết hợp với công nghệ số, dữ liệu số để giải một số bài toán trước đây không làm được, làm chưa tốt, không đem lại giá trị hay lợi nhuận. Đà Nẵng đã triển khai xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh trong một thời gian trước khi tiếp cận Khung tham chiếu Chuyển đổi số, do đó các kết quả đạt được trong quá trình xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, thành phố thông minh đều được kế thừa để triển khai chuyển đổi số.

Trong chuyển đổi số, dữ liệu đóng vai trò rất quan trọng, là tài sản, tài nguyên, điều kiện tiên quyết cho chuyển đổi số. Đà Nẵng đã hoàn thành xây dựng các cơ sở dữ liệu nền như: Cơ sở dữ liệu công dân (hơn 1,3 triệu dữ liệu, đạt 100% so với dân số); Cơ sở dữ liệu doanh nghiệp (44.000 dữ liệu, đạt 100%); Cơ sở dữ liệu thủ tục hành chính (đạt 100% thủ tục hành chính)… Các cơ sở dữ liệu nền đều được kết nối, chia sẻ dùng chung qua Nền tảng Hệ thống eGov.

Bên cạnh đó, Cổng Dịch vụ công trực tuyến tập trung toàn thành phố Đà Nẵng đã kết nối, tích hợp với Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cổng thanh toán trực tuyến quốc gia PayGov. Tính đến nay, toàn thành phố có 95% thủ tục hành chính triển khai trực tuyến; 66% dịch vụ công trực tuyến mức 4 (vượt chỉ tiêu 30% theo Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 7/3/2019 của Chính phủ, cao hơn giá trị bình quân toàn quốc là gần 32%); tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt gần 50%; dẫn đầu cả nước về tích hợp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia (582 dịch vụ).

Đà Nẵng hiện là địa phương có khoảng 88% dân cư sống trong khu vực thành thị, cao nhất nước; gần 92% hộ gia đình có internet; hơn 91% hộ gia đình có sử dụng điện thoại di động thông minh. Với những thuận lợi trên, Đà Nẵng đã triển khai nhiều ứng dụng, tiện ích trên môi trường số, dưới dạng app mobile cho điện thoại di động và được người dân, doanh nghiệp sử dụng, tương tác thường xuyên. 

Trong lĩnh vực Y tế thông minh, Đà Nẵng đã triển khai ứng dụng y tế điện tử tại 100% Trạm y tế xã, phường; ứng dụng quản lý bệnh viện và khám, chữa bệnh điện tử tại 16/16 Trung tâm y tế quận, bệnh viện đa khoa, chuyên khoa; hình thành Hồ sơ Y tế điện tử công dân và quản lý mã (ID) bệnh nhân toàn thành phố; triển khai thí điểm Bệnh viện thông minh bao gồm bệnh án điện tử và hệ thống thiết bị liên quan tại Bệnh viện Ung Bướu và Trung tâm Y tế Liên Chiểu.

Trong lĩnh vực du lịch, Đà Nẵng đã triển khai ứng dụng DanangFantasticity cung cấp thông tin du lịch của thành phố Đà Nẵng; ứng dụng Chatbot hướng dẫn hỗ trợ du khách tự động; hệ thống Scan3D và thực tại ảo ở Bảo tàng Điêu khắc Chăm; hệ thống thuyết minh đa ngữ qua QRCode trên thiết bị di động; ứng dụng lưu trú trực tuyến để đăng ký và quản lý du khách lưu trú trên địa bàn...

Có thể nói, những công nghệ số thai nghén trong hàng chục năm qua đã phát triển đột phá và sẵn sàng thúc đẩy quá trình chuyển đổi số nhanh hơn. Qua việc triển khai hiệu quả các mô hình Chính quyền điện tử, thành phố thông minh, thành phố Đà Nẵng hiện đã có những nền tảng vững chắc trong quá trình chuyển đổi số. Nối tiếp những thành tựu đã có được, từ nay đến 2025, chính quyền thành phố Đà Nẵng dự kiến chi kinh phí tối thiểu 2% ngân sách hàng năm cho công cuộc chuyển đổi số, phát triển chính quyền điện tử, thành phố thông minh.

Chú thích ảnh

Bài 3: Đi tắt đón đầu

Nhóm PV Trung Trung Bộ (TTXVN)
Chuyển đổi số tại khu vực Trung Trung Bộ - Bài 1: Người dân và chính quyền cùng hưởng lợi
Chuyển đổi số tại khu vực Trung Trung Bộ - Bài 1: Người dân và chính quyền cùng hưởng lợi

Tại các tỉnh, thành phố khu vực Trung Trung Bộ, chuyển đổi số đang được khẩn trương thực hiện để nâng cao năng lực quản lý nhà nước và cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN