Dự kiến, sau Tết Nguyên đán 2021, trà lúa sẽ bắt đầu thu hoạch rộ và dứt điểm trước khi mùa khô hạn và xâm nhập mặn vào cao điểm. Trong vụ Đông Xuân, Tiền Giang phấn đấu đạt năng suất bình quân từ 66 tạ/ha trở lên và sản lượng cả vụ trên 360.000 tấn lúa hàng hóa.
Để chủ động phòng chống hạn mặn và giảm nhẹ thiên tai, vụ Đông Xuân 2020 – 2021, Tiền Giang xây dựng lịch thời vụ phù hợp cho từng tiểu vùng nhằm đảm bảo thu hoạch ăn chắc, không để tình trạng thiếu nước tưới hoặc xâm nhập mặn gây hại trên trà lúa. Theo đó, đối với vùng dự án ngọt hóa Gò Công phía Đông của tỉnh sẽ xuống giống dứt điểm vào tháng 10/2020 để cho thu hoạch trước và sau Tết Nguyên đán, trước khi nguồn nước bơm tát bổ cấp nội đồng bị cắt đứt do hạn hán và xâm nhập mặn, tránh thiệt hai. Đối với vùng kiểm soát lũ phía Tây, do khả năng xâm nhập mặn muộn hơn đồng thời nguồn nước sản xuất đảm bảo nên sẽ xuống giống dứt điểm trong tháng 11/2020.
Cùng với xây dựng lịch thời vụ sản xuất tập trung một cách hợp lý, ngay từ đầu vụ sản xuất, Tiền Giang cũng triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống hạn mặn, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất, tưới tiêu.
Theo đó, đối với vùng dự án ngọt hóa Gò Công, Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Tiền Giang kiện toàn mạng lưới đê bao ngăn mặn, sửa chữa và nâng cấp những chỗ hư hỏng; xây dựng lịch vận hành các cống lấy nước, ngăn mặn hợp lý bảo đảm trữ nhiều nước trong nội đồng phục vụ tưới tiêu trước khi mặn xâm nhập sâu vào thượng lưu sông Tiền làm đứt nguồn cung cấp nước. Công ty thường xuyên theo dõi và cập nhật diễn biến hạn mặn để nhân dân có biện pháp chủ động đối phó, giữ vệ sinh nguồn nước, khai thông dòng chảy và sử dụng tiết kiệm, tránh ô nhiễm môi trường…
Đối với vùng kiểm soát lũ phía Tây sẽ tích cực đầu tư thi công các công trình kênh mương thủy lợi lấy nước tưới tiêu, vận động nhân dân ra quân làm thủy lợi nội đồng phục vụ sản xuất cũng như áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật thâm canh để dành những vụ mùa mới bội thu, bù đắp phần nào thiệt hại do thiên tai trong mùa khô 2019 – 2020 vửa qua.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn cho biết, để bảo đảm sản xuất vụ Đông Xuân thắng lợi trước tình hình thời tiết, thủy văn diễn biến khó lường, ngay trước Tết Nguyên đán, UBND tỉnh Tiền Giang đã đắp 8 đập ngăn mặn, trữ ngọt trên các tuyến kênh rạch trọng yếu phía bờ Bắc sông Tiền. Các đập này đảm bảo ngăn mặn; đồng thời dẫn ngọt từ thượng lưu sông Tiền về tưới cho vùng lúa năng suất cao, vùng trồng cây ăn trái đặc sản và các vùng sản xuất trọng điểm trên Đồng Tháp Mười (Tiền Giang).
Theo lãnh đạo Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Tiền Giang, do trong những ngày tới, trà lúa vùng ngọt hóa Gò Công phía Đông tỉnh đang bắt đầu vào giai đoạn trổ và chín rộ, không còn nhu cầu tưới tiêu bức bách nữa nên giảm bớt áp lực nguồn nước phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, để chủ động ứng phó diễn biến phức tạp của hạn hán và xâm nhập mặn trong mùa khô, bảo vệ trà lúa Đông Xuân trên địa bàn tỉnh, Tiền Giang tiếp tục tăng cường quan trắc tình hình xâm nhập mặn và cập nhật trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân biết, phối hợp ứng phó hiệu quả. Công ty củng cố hệ thống đê bao ngăn lũ và triều cường, hoàn thiện các đập ngăn mặn, trữ ngọt cũng như vận động bà con tiếp tục bơm trữ ngọt trong nội đồng, trong ao mương để có nước tưới cho cây trồng trong mùa khô 2021.