Chặn dịch COVID-19 ở vùng giáp ranh TP Hồ Chí Minh và Bình Dương

TP Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương - hai địa phương láng giềng ở phía Nam đang nóng lên vì ngày càng xuất hiện nhiều ổ dịch COVID-19 tại các khu công nghiệp, khu dân cư ở các địa bàn giáp ranh.

Nguy cơ dịch bệnh lây lan giữa TP Hồ Chí Minh và Bình Dương là rất cao, vì vậy công tác phòng, chống dịch tại các khu vực giáp ranh đang được hai địa phương tăng cường.

Chú thích ảnh
Người dân ra vào Bình Dương khai báo y tế tại chốt kiểm soát dịch COVID-19. Ảnh: Văn Hướng/TTXVN

Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương đã lập 3 trạm kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 tại Quốc lộ 13 (hướng từ TP Hồ Chí Minh đi Bình Dương), đường Mỹ Phước - Tân Vạn (hướng từ Đồng Nai đi Bình Dương) và Quốc lộ 1K (hướng từ TP Hồ Chí Minh đi Bình Dương). Đây là các tuyến đường huyết mạch kết nối tỉnh Bình Dương với TP Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai. Mỗi trạm kiểm soát sẽ được bố trí ít nhất 8 người gồm công an, quân sự, y tế, quản lý thị trường, thanh tra giao thông để kiểm soát, thực hiện việc kiểm dịch y tế đối với người di chuyển vào tỉnh và phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm các quy định về công tác phòng, chống dịch.

Thượng úy Hà Minh Dũng, cảnh sát giao thông tỉnh Bình Dương trực tại chốt kiểm soát dịch bệnh tại Quốc lộ 13 (hướng từ TP Hồ Chí Minh đi Bình Dương), cho biết, hằng ngày chốt trực hoạt động suốt ngày đêm để kiểm tra các xe ô tô ngoại tỉnh di chuyển về địa bàn tỉnh Bình Dương. Tuy nhiên, những người dân di chuyển bằng xe gắn máy đi qua địa bàn thì khó được kiểm soát...

Thành phố Thuận An là nơi giáp ranh với thành phố Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) và là nơi có đông công nhân lao động nhất tỉnh Bình Dương. Ông Nguyễn Thanh Tâm, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Thuận An, cho biết, ngoài việc tuyên truyền vận động người dân thực hiện tốt việc đeo khẩu trang phòng, chống dịch đặc biệt là ở các doanh nghiệp thì các công nhân của hai địa phương đi làm ở hai bên được yêu cầu khai báo y tế, khai báo lịch trình di chuyển; nhiều đơn vị doanh nghiệp còn hỗ trợ chỗ lưu trú để công nhân hạn chế di chuyển qua lại.

Ngoài ra, Công an tỉnh Bình Dương vừa tiếp nhận các cán bộ, chiến sĩ thuộc Trung đoàn Cảnh sát cơ động Đông Nam bộ (Bộ Công an) hỗ trợ công tác phòng, chống dịch COVID-19 và bảo đảm an ninh - trật tự trên địa bàn tỉnh -  chủ yếu là hỗ trợ công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tuần tra, kiểm soát, kiểm tra hành chính, phòng ngừa đấu tranh tội phạm.

Cùng với việc kiểm soát các cửa ngõ, phòng dịch trong công nhân, doanh nghiệp thì các khu vực dân cư giáp ranh cũng được tăng cường phòng, chống dịch. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Dương cho biết, tỉnh đã yêu cầu các địa phương, Ban quản lý các khu công nghiệp, các sở, ngành liên quan chỉ đạo tất cả công ty, doanh nghiệp phải tự triển khai việc test nhanh kháng nguyên COVID-19.

Đặc biệt, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 huyện, thị xã, thành phố tại Bình Dương đang thí điểm việc cách ly tại nhà đối với các trường hợp F1 ít nguy cơ. Mỗi địa phương thí điểm 1 trường hợp F1 nếu có và xem xét kỹ các điều kiện về an toàn COVID-19 để tránh lây nhiễm ra cộng đồng. Ngoài ra, Trung tâm Y tế các địa phương cũng đang tổ chức tập huấn cho các công ty, doanh nghiệp thực hiện test nhanh kháng nguyên COVID-19 để tiến tới tự thực hiện.

Huyền Trang (TTXVN)
Hàng chục ngàn hộ dân vùng biên giới, biển đảo cam kết tham gia phòng, chống dịch
Hàng chục ngàn hộ dân vùng biên giới, biển đảo cam kết tham gia phòng, chống dịch

Thực hiện phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống dịch COVID-19 và xuất - nhập cảnh trái phép ở khu vực biên giới", Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang phối hợp với các địa phương tổ chức phát động ở 57/57 xã, phường, thị trấn vùng biên, vùng biển đảo. 27.473 hộ dân và 767 chủ phương tiện tàu, xuồng đã ký cam kết tham gia phong trào này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN