Các thiết chế văn hóa cơ sở được đầu tư hoàn thiện. Những nét văn hóa truyền thống được giữ gìn và phát huy. Qua đó, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, động viên nhân dân thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.
Gìn giữ bản sắc văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới
Mường Giàng là một xã thuộc huyện Quỳnh Nhai, có ba dân tộc Thái, La Ha, Kinh cùng sinh sống. Nhân dân ở đây luôn đoàn kết, thực hiện đúng quy ước của bản, xóm; sống văn minh trong việc cưới, việc tang. Đặc biệt, với sự hưởng ứng mạnh mẽ, nhiệt tình của các tầng lớp nhân dân, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở Mường Giàng ngày càng đi vào chiều sâu. Đặc biệt là phong trào xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa, hoàn thiện các tiêu chí văn hóa trong xây dựng nông thôn mới. Tỷ lệ gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa đã tăng dần qua các năm. Năm 2021, toàn xã có 2705/2705 hộ đăng ký gia đình văn hóa; 23/23 xóm, bản, cơ quan, đơn vị đăng ký đạt tiêu chuẩn văn hóa.
Ông Điêu Văn Én, xóm 5, xã Mường Giàng chia sẻ: Nhiều năm liền, gia đình ông được công nhận là gia đình văn hóa. Ông cảm thấy rất vinh dự và sẽ tích cực tuyên truyền đến các hộ về nếp sống văn hóa mới, ăn ở hợp vệ sinh, giữ gìn các bản sắc văn hóa gắn với việc xây dựng nông thôn mới để bản sắc văn hóa dân tộc mình không bị mai một.
Cũng như Mường Giàng, xã Chiềng Ơn những năm qua được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền huyện Quỳnh Nhai, nhiều phong trào thi đua xây dựng đời sống văn hóa đã được triển khai, nổi bật là phong trào văn nghệ. Hiện nay, Chiềng Ơn có 8 đội văn nghệ thường xuyên hoạt động, thu hút trên 100 diễn viên quần chúng tham gia, qua đó, góp phần giữ gìn bản sắc từng dân tộc, đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân và nâng cao ý thức trách nhiệm trong cộng đồng, tạo động lực cho nhân dân thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế, đấu tranh bài trừ các tệ nạn xã hội, xây dựng môi trường xã hội lành mạnh.
Là một trong những thành viên tích cực tham gia đội văn nghệ, chị Lò Thị Ơn, bản Đán Đăm, xã Chiềng Ơn cho biết: Các thành viên trong đội văn nghệ đều làm nông nên rất bận rộn, nhưng luôn nhiệt tình, sắp xếp công việc, thường xuyên tham gia luyện tập các bài múa mới để phục vụ nhân dân trong bản và xã.
Xác định rõ vai trò của việc nâng cao đời sống văn hóa cho nhân dân, hằng năm, Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” của huyện Quỳnh Nhai đã xây dựng kế hoạch, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tháo gỡ khó khăn trong phong trào tại cơ sở; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, xây dựng, phát triển văn hóa dân tộc trong giai đoạn mới. Cùng với đó, huyện Quỳnh Nhai tích cực triển khai nhiều nội dung sinh hoạt văn hóa văn nghệ, qua đó, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc trong toàn huyện.
Nâng cao đời sống văn hóa tinh thần
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Nhai Lò Thanh Thủy: UBND huyện đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt chính sách nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn. Huyện làm tốt công tác bảo tồn các lễ hội truyền thống đang có nguy cơ bị mai một, phục dựng nghề thủ công truyền thống, mở các lớp truyền dạy dân ca, dân vũ cho đồng bào với trọng tâm là phát huy vai trò chủ thể văn hóa trong phát triển văn hóa truyền thống của dân tộc, nâng cao nhận thức lòng tự hào cho thế hệ kế tiếp để duy trì phát huy giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc.
Với sự quan tâm của chính quyền và các tổ chức, đoàn thể, huyện Quỳnh Nhai đã thực hiện tốt các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất, vốn vay phát triển sản xuất, kinh doanh từ các ngân hàng đã giải quyết việc làm cho người dân, nhất là các gia đình chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa. Qua đó, nhiều hộ gia đình làm kinh tế giỏi mang lại thu nhập cao, đời sống vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt.
Bên cạnh đó, huyện Quỳnh Nhai luôn quan tâm, đầu tư cơ sở vật chất văn hóa trên địa bàn. Hiện huyện có một nhà văn hóa cấp huyện, 142 nhà văn hóa cấp xã, bản và xóm, đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hóa cộng đồng của nhân dân. Huyện luôn quan tâm tổ chức và phục dựng các lễ hội truyền thống, duy trì các hoạt động văn hóa văn nghệ của đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Nhiều lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc được phục dựng và phát huy như: Lễ hội đua thuyền, gội đầu, Kin Pang Then, rượu cần… Những người am hiểu về văn hóa truyền thống, người có uy tín, nghệ nhân người dân tộc thiểu số được tôn vinh, khuyến khích, tạo điều kiện để họ truyền dạy lại cho các thế hệ trẻ.
Những nỗ lực trong công tác bảo tồn và phát huy của cấp ủy, chính quyền, đồng bào các dân tộc huyện Quỳnh Nhai đã có 3 nghi lễ được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia gồm: Lễ Kin Pang then; lễ hội gội đầu của dân tộc Thái trắng; lễ cầu an của dân tộc La Ha. Đặc biệt, gắn với các di sản đó là các mô hình câu lạc bộ "Giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc", "Văn hóa ẩm thực", cùng với 254 đội văn nghệ trên địa bàn toàn huyện đã góp phần rất lớn trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc ở địa phương.
Để nâng cao hơn nữa chất lượng của phong trào xây dựng đời sống văn hóa, tinh thần cho đồng bào các dân tộc, huyện Quỳnh Nhai đang tiếp tục tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, tăng cường sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể trong công tác triển khai, thực hiện phong trào, xây dựng thêm mô hình điểm và nhân rộng các điển hình tiên tiến trong phong trào xây dựng gia đình văn hóa. Năm 2021, huyện Quỳnh Nhai phấn đấu số hộ gia đình văn hóa đạt 76%; bản, xóm văn hóa đạt 70%; 98% cơ quan, đơn vị, trường học đạt tiêu chuẩn văn hóa...
Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Nhai Lò Thanh Thủy cho biết: Thời gian tới, huyện tiếp tục lập nhu cầu và phân kỳ vốn bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số giai đoạn 2021- 2025; đề xuất nhu cầu về kinh phí để thực hiện các chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số và dân tộc thiểu số ít người theo chỉ đạo của tỉnh Sơn La và Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Với việc đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào các dân tộc ngày càng được nâng cao, những truyền thống tốt đẹp trong gia đình và cộng đồng được bảo tồn, phát huy giá trị, đã từng bước đưa văn hóa trở thành nền tảng trong phát triển kinh tế - xã hội ở vùng cao Quỳnh Nhai.