Chăm sóc sức khỏe đồng bào dân tộc thiểu số

Trong những năm qua, Ðảng, Nhà nước ta đã ban hành và thực hiện nhiều chủ trương, chính sách về công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Chú thích ảnh
Mô hình “Cô đỡ thôn, bản” đã góp phần hoàn thiện mạng lưới chăm sóc sức khỏe sinh sản của tỉnh Điện Biên. Ảnh tư liệu: Dương Ngọc/TTXVN

Nhờ đó, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), phụ nữ, trẻ em dưới 6 tuổi, người dân vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo ngày càng có nhiều cơ hội được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản, đồng bào nghèo được khám chữa bệnh miễn phí và chính sách Bảo hiểm y tế được thực hiện đúng quy định. Các dịch bệnh sốt rét, bưới cổ cơ bản được khống chế, tuổi thọ trung bình của người dân tăng lên, tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm mạnh qua từng năm.

Mạng lưới y tế cơ sở vùng DTTS và miền núi ngày càng hoàn thiện, cơ sở vật chất và trình độ đội ngũ y, bác sỹ dần được nâng lên. Đến năm 2018, cả nước có 89,4% số xã có trạm y tế hoạt động, 96% số thôn bản có nhân viên y tế thôn bản, 90% số xã có bác sỹ làm việc, hơn 95% số xã có y sĩ sản nhi hoặc nữ hộ sinh. Do đó, công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho đồng bào DTTS cơ bản được triển khai hiệu quả, như tiêm chủng mở rộng, phòng chống suy dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, dân số - kế hoạch hóa gia đình.

Chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) trong những năm qua đã ưu tiên hỗ trợ người DTTS. Nhà nước đóng BHYT và có mức hưởng là 100% chi phí khám chữa bệnh theo BHYT cho đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn. Tỷ lệ người dân tộc thiểu số có thẻ BHYT và thẻ khám chữa bệnh miễn phí tăng từ 8% năm 1998 lên 80% năm 2013, tại các xã đặc biệt khó khăn là 84%. Năm 2018, có hơn 6,6 triệu người nghèo dân tộc thiểu số được cấp thẻ BHYT, chiếm 93,51%. Các tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống thì tỷ lệ người dân có Bảo hiểm y tế cao hơn hẳn.[1]

Mặc dù kết quả cấp thẻ BHYT miễn phí đạt tỷ lệ cao, nhưng số lượng người khám chữa bệnh và chất lượng khám chữa bệnh bằng BHYT ở tuyến y tế cơ sở đạt thấp, nhất là ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Phần lớn kinh phí khám chữa bệnh BHYT tuyến y tế cơ sở không sử dụng hết phải điều tiết cho các vùng phát triển, nơi có điều kiện khám, chữa bệnh tốt hơn.

Kết quả Điều tra 53 DTTS năm 2019 cho thấy, tỷ lệ người DTTS sử dụng thẻ BHYT khi khám bệnh năm 2019 đạt 43,7%, thấp hơn 1,1 điểm % so với năm 2015 (44,8%). Không có sự khác biệt giữa khu vực thành thị và nông thôn về tỷ lệ người DTTS sử dụng thẻ BHYT khi khám bệnh. Trong các DTTS, có 17/53 DTTS có tỷ lệ người sử dụng thẻ BHYT để khám chữa bệnh trên 50%; 19/53 dân tộc từ 40-50%; và 17/53 dân tộc dưới 40%. Dân tộc Lô Lô có tỷ lệ người sử dụng thẻ BHYT để khám chữa bệnh thấp nhất, chỉ đạt mức 28,8%.

Kinh tế phát triển không đồng đều giữa miền ngược với miền xuôi làm tăng sự bất bình đẳng trong tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ xã hội, trong đó có dịch vụ chăm sóc sức khỏe mà đồng bào dân tộc thiểu số có nhu cầu rất lớn. Cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế khu vực này vẫn còn thiếu và chưa đồng bộ; số cán bộ có trình độ chuyên sâu, nhất là cán bộ người địa phương thiếu trầm trọng; việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực y tế gặp nhiều bất cập. Hiện nay, ở các vùng DTTS và miền núi, tỷ lệ xã có trạm y tế xã đạt chuẩn còn thấp (chiếm 45%); chỉ có 69,2% số trạm y tế ở vùng đồng bào DTTS và miền núi có bác sỹ khám chữa bệnh cho người dân[2]. Chỉ 20% trạm y tế xã đạt chuẩn y tế giai đoạn 2011-2020[3].

Ngoài ra, công tác phòng, chống dịch bệnh ở vùng DTTS và miền núi chưa đáp ứng yêu cầu bởi nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, phong tục, tập quán có nơi còn lạc hậu. Công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản vẫn còn những khoảng cách, đòi hỏi phải có giải pháp can thiệp cụ thể để nâng cao chất lượng dân số...

Để làm tốt hơn nữa công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào DTTS, đòi hỏi Nhà nước cũng như các bộ ngành liên quan cần tiếp tục đầu tư nhiều hơn nữa cho hoạt động này. Ðồng thời xây dựng những chính sách đặc thù trong chăm sóc sức khỏe đối với từng nhóm đối tượng, từng khu vực cụ thể.

Ngày 24/6/2021 vừa qua, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu các bộ, ngành và BCĐ phải đề cao tinh thần trách nhiệm, khẩn trương xây dựng và triển khai kế hoạch hành động cụ thể để có thể tổ chức thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 ngay từ quý IV/2021, góp phần đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, khắc phục ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, phục hồi kinh tế, bảo đảm đời sống nhân dân.

Chương trình được triển khai là điều kiện thuận lợi để phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó có lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe đồng bào. Theo tinh thần Dự án 7 "Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em", đối tượng thụ hưởng, đầu tư là người dân tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đặc biệt là phụ nữ mang thai, bà mẹ, trẻ em và người cao tuổi; Trung tâm y tế huyện, trạm y tế xã; Cán bộ y tế, dân số; nhân viên Trung tâm y tế huyện; nhân viên trạm y tế xã, viên chức dân số xã; nhân viên y tế thôn bản, cộng tác viên dân số; cô đỡ thôn bản. Đặc biệt, Dự án sẽ tập trung đầu tư cải tạo, sửa chữa cho các trạm chưa kiên cố, xuống cấp, hư hỏng và đầu tư xây mới y tế xã chưa kiên cố.

Quốc Vượng
Hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin
Hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin

Tỉnh Ninh Thuận tập trung hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số ứng dụng hiệu quả công nghệ - thông tin, giúp đồng bào nhanh chóng nắm bắt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; tiếp cận đầy đủ các nguồn thông tin về y tế, giáo dục, khoa học công nghệ, thị trường, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN