Góp phần thay đổi nếp nghĩ, cách làm kinh tế trong đồng bào dân tộc thiểu số

Ông Phạm Văn Xây, 64 tuổi, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Đăk Rong, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai là một trong những gương điển hình phát triển kinh tế từ mô hình vườn - ao - chuồng (VAC) tại địa phương. Ông đang giúp rất nhiều người dân trong xã phát triển kinh tế bằng nhiều hình thức như hỗ trợ cây, con giống, phân bón...

Chú thích ảnh
 Ông Phạm Văn Xây luôn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên mô hình VAC luôn đạt năng suất cao.

Mô hình VAC được ông Xây thực hiện với ý tưởng liên kết hỗ trợ tạo vòng khép kín trong sản xuất. Hiện gia đình ông có 4.000 m2 ao hồ, vừa để lấy nước tưới cho 10 ha cây cà phê xen canh mắc ca của gia đình và các hộ lân cận, vừa phục vụ chăn nuôi, thả cá. Gia đình ông còn nuôi bò, 50 con lợn, khoảng 200 - 300 con ngan, gà, vịt trên diện tích chuồng trại gần 100 m2. Đây cũng là nguồn phân bón để chăm sóc các loại cây trong vườn rẫy.

Thành công từ mô hình VAC là do ông Xây không ngừng học hỏi nâng cao kiến thức và triệt để áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng vật nuôi. Ông đã tự mình cắt, ghép, cải tạo 8 ha cà phê già cỗi thành vườn cà phê xanh tốt, cho năng suất từ 8-10 tấn nhân/ha. Ông trồng xen canh 800 cây mắc ca trong vườn cà phê, hiện mắc ca đã bước vào thu hoạch, trồng 1.000 trụ tiêu cho năng suất 4 - 5kg nhân khô/trụ. Ông còn xây dựng vườn ươm, ươm các loại cây ăn trái để cung cấp cho nhân dân quanh vùng. Với mô hình trang trại VAC khép kín, sau khi trừ chi phí, năm 2020 gia đình ông thu gần 1 tỷ đồng.

Là Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã, ông Xây thường xuyên vận động hội viên thực hiện tốt các cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”,“Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh". Giai đoạn 2016-2021, ông Xây đã giúp gần 20 hộ gia đình 800 bao phân chuồng, 500 cây cà phê và 100 con gà giống cùng cùng nhiều giống cây cà phê, cây ăn trái các loại. Mô hình VAC của gia đình ông giải quyết việc làm thường xuyên cho 4 hội viên Hội cựu chiến binh xã Đăk Rong và khoảng 50 nhân công thời vụ thu hái cà phê, mắc ca vào mùa thu hoạch.

Chú thích ảnh
 Nhiều đoàn cựu chiến binh trong vùng đến thăm quan, học hỏi mô hình VAC của ông Xây.

Phát huy phẩm chất bộ đội Cụ Hồ, luôn muốn hỗ trợ, giúp đỡ người khó khăn, đầu năm 2021 gia đình ông Xây đã chủ động kết nghĩa với một số hộ gia đình nghèo tại làng Kon Lanh để hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi. Ông Xây đã chủ động trình bày với chính quyền địa phương việc xây dựng mô hình kết nghĩa hộ gia đình để nhân rộng mô hình với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, xã Đăk Rong không còn hộ nghèo.

Không chỉ tiên phong trong phát triển kinh tế, trong cuộc vận động "Toàn dân xây dựng nông thôn mới" ông Xây vận động người dân trong xã đóng góp ngày công, tiền của, hiến đất làm các công trình phúc lợi xã hội. Gia đình ông đã hiến 400 m2 đất làm đường giao thông nông thôn của xã.

Ông Đỗ Khắc Vũ, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Kbang cho biết, ông Phạm Văn Xây là một cán bộ hội gương mẫu, đi đầu trong công tác hội, được người dân tin yêu, nể phục. Ông Xây cũng là một trong những nhân tố tích cực hỗ trợ bà con phát triển kinh tế. Với nhiều thành tích đóng góp cho sự phát triển của địa phương, ông Phạm Văn Xây đã nhận được nhiều Bằng khen, Giấy khen của các cấp hội tỉnh Gia Lai.

Tin, ảnh: Hồng Điệp (TTXVN)
Người cựu chiến binh đi đầu trong phong trào làm kinh tế giỏi của tỉnh Sơn La
Người cựu chiến binh đi đầu trong phong trào làm kinh tế giỏi của tỉnh Sơn La

Phát huy truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” cần cù lao động, cựu chiến binh Hoàng Ngọc Tư (sinh năm 1957, ở bản Lìn, xã Gia Phù, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La) đã lựa chọn mô hình chăn nuôi trâu, bò vỗ béo để phát triển kinh tế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN