Báo cáo của Swiss Re cho biết: “Rủi ro khí hậu là rủi ro mang tính hệ thống, có thể được quản lý bằng hành động chính sách phối hợp toàn cầu. Để đạt được mục tiêu này, chúng ta sẽ thấy nhiều hành động chính sách hơn về định giá carbon cùng với các giải pháp bù đắp carbon".
Các đánh giá của báo cáo này được đưa ra trùng với thời điểm "Ngày Trái đất" và các cuộc họp toàn cầu về khí hậu do Tổng thống Mỹ Joe Biden chủ trì, cho thấy các nước nghèo nhất sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Theo đó, các nước trong Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) - một nhóm các nước giàu nhất thế giới - sẽ thấy quy mô nền kinh tế của họ giảm 5%, so với 9% ở Nam Mỹ và gần 17% ở Trung Đông và châu Phi, và 25% ở các nước thuộc Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Các hình thức thiệt hại kinh tế chính sẽ đến thông qua các rủi ro vật chất như thiệt hại tài sản và gián đoạn thương mại do mức độ gia tăng của các sự kiện thời tiết khắc nghiệt, mất năng suất và rủi ro chuyển đổi như các chính phủ sử dụng lại các nguồn lực khan hiếm để điều chỉnh và chống chọi với khí hậu thay đổi.