Tại cuộc họp, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận Trần Ngọc Hiếu cho biết, tính đến cuối tháng 3/2021, cấp dự báo cháy rừng trên địa bàn tỉnh đã tăng lên cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm).
Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra 6 điểm cháy; trong đó, tại huyện Ninh Sơn xảy ra 4 điểm cháy với diện tích 1,32 ha tại các tiểu khu 103a, 103b (xã Hòa Sơn) và tiểu khu 88b (xã Mỹ Sơn) thuộc lâm phần quản lý của Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Ninh Sơn.
Tại huyện Bác Ái xảy ra 2 điểm cháy với diện tích 0,44 ha tại tiểu khu 59b (xã Phước Đại) thuộc lâm phần quản lý của Ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn liên hồ Sông Sắt - Sông Trâu.
Ông Trần Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận cho biết, phòng chống cháy rừng thời gian qua được các lực lượng kiểm lâm, chính quyền địa phương, các đơn vị chủ rừng trong tỉnh tập trung thực hiện rất quyết liệt, nhất là quản lý đốt rừng làm nương rẫy. Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận là quản lý phòng cháy, chữa cháy rừng vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Nguyên nhân cơ bản dẫn đến xảy ra cháy rừng là do sự bất cẩn của người dân khi phát đốt nương rẫy dẫn đến cháy lan. Một số đối tượng khác khi vào rừng sử dụng lửa không dập tắt, gây ra tình trạng cháy rừng. Đây là vấn đề nhức nhối hiện nay, bởi đa phần đối tượng gây cháy rừng đều là đồng bào dân tộc thiểu số, sinh sống chủ yếu trên rừng và vùng ven rừng, thực hiện đốt rừng vào ban đêm.
Ông Trần Công Minh, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Ninh Sơn cho biết, tổng diện tích lâm phần của đơn vị quản lý trên 29.000 ha. Từ đầu mùa khô, đơn vị đã cử lực lượng và trang thiết bị, công cụ hỗ trợ xuống các khu vực có nguy cơ xảy ra cháy để thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng. Đơn vị đã triển khai phát dọt, xử lý thực bì trước khi bắt đầu vào mùa khô.
Hiện đơn vị đã bố trị lực lượng túc trực 24/24 giờ tại những tiểu khu điểm nóng thường xuyên xảy ra cháy; đồng thời yêu cầu các tổ cộng đồng có lâm phần nhận giao khoán nghiêm túc thực hiện cam kết quản lý bảo vệ rừng, kịp thời báo cháy khi phát hiện để lực lượng ứng cứu kịp thời.
Ông Hoàng Lộc, Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn liên hồ Sông Sắt - Sông Trâu cho biết thêm, mùa khô thì thường lá cây rừng rụng nhiều, dày đặc thực bì. Nếu sơ suất thì rất dễ xảy ra cháy và cháy lớn, cháy lan, khó kiểm soát và xử lý nhanh gọn. Do đó, đơn vị luôn chú trọng tăng cường bố trí thêm lực lượng để tuần tra, kiểm soát tại những tiểu khu có nguy cơ xảy ra cháy cao. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật để người dân hiểu và cùng tham gia vào phòng chống cháy rừng.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, phòng cháy, chữa cháy rừng luôn được tỉnh cũng như các đơn vị thuộc sở quan tâm và triển khai quyết liệt. Năm 2021, UBND tỉnh cũng đã trích kinh phí hơn 5,7 tỷ đồng để thực hiện phương án phòng cháy, chữa cháy rừng; đồng thời các huyện cũng đã chủ động phân bổ kinh phí hỗ trợ cho 35 xã có rừng để thực hiện nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy rừng.
Ông Lê Huyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận nhấn mạnh, phương án phòng cháy, chữa cháy rừng đã được tỉnh phê duyệt; đồng thời kinh phí thực hiện phương án trên cũng đã được UBND tỉnh cấp; nhiệm vụ còn lại đó là các đơn vị có liên quan, các chủ rừng cần tăng cường trách nhiệm quản lý và bảo vệ rừng; đẩy mạnh tuyên truyền gắn với biện pháp xử lý để thấy được sự răn đe; thực hiện nghiêm túc phương châm 4 tại chỗ “Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ” và phải lấy hoạt động phòng ngừa là chính.
Hiện nay, cấp xảy ra cháy rừng đã được dự báo cấp V và khả năng kéo dài, do đó UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các đơn vị có liên quan, các chủ rừng, UBND cấp xã có rừng và lực lượng chức năng phải tổ chức lực lượng ứng trực 24/24 giờ tại các vùng trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy; thường xuyên tuần tra, canh gác phát hiện lửa rừng khi mới phát sinh, không để xảy ra cháy lan, cháy lớn; đồng thời nghiêm cấm mọi hành vi sử dụng lửa trong rừng, gần rừng và đốt rừng làm nương rẫy.