Cần Thơ: Chủ động 2 phương án phòng, chống COVID-19 cho cộng đồng

Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, Sở Y tế đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các đơn vị trong ngành, cũng như phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.

Chú thích ảnh
Lực lượng y tế tiêm vaccine tại CDC Cần Thơ. Ảnh tư liệu: Ánh Tuyết/TTXVN

Cụ thể, Sở Y tế đề xuất hai phương án ứng phó dịch trong tình hình mới để chủ động khống chế, kiểm soát tình hình dịch bệnh, hạn chế đến mức thấp nhất số mắc và tử vong.

Với tình huống xuất hiện biến thể mới nhưng ít nghiêm trọng, thành phố sẽ kích hoạt các biện pháp phòng, chống dịch tương tự như đối với các bệnh truyền nhiễm nhóm B; tạo điều kiện cho người dân thích ứng an toàn, linh hoạt với trạng thái bình thường mới.

Theo đó, các đơn vị, địa phương phát huy vai trò nòng cốt tuyến đầu trong phòng, chống dịch và bám sát tình hình diễn biến dịch bệnh trên thế giới và trong nước; giám sát phát hiện các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh tại các cửa khẩu và cộng đồng, giám sát các trường hợp nhập viện, điều trị tích cực và các trường hợp tử vong...

Về công tác điều trị, Sở Y tế thành phố Cần Thơ và các cơ sở khám, chữa bệnh chủ động chuẩn bị và sẵn sàng ứng phó về trang thiết bị, vật tư tiêu hao, thuốc thiết yếu, phương tiện phòng hộ cá nhân, oxy y tế.

Tất cả các cơ sở điều trị luôn phải trong tâm thế sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân COVID-19, các bệnh viện đảm bảo thực hiện 2 chức năng vừa sẵn sàng thu dung, điều trị người mắc COVID-19, vừa đảm bảo chức năng khám bệnh, chữa bệnh thông thường, củng cố các khoa Truyền nhiễm tại bệnh viện công lập và ngoài công lập tuyến thành phố và quận, huyện để thu dung, điều trị ca mắc.

Tình huống xuất hiện biến thể mới nguy hiểm, nguy cơ bùng phát mạnh trên diện rộng, vượt quá năng lực của hệ thống y tế. Lúc này, các biện pháp phòng, chống dịch sẽ được củng cố và thực hiện nghiêm đối với bệnh truyền nhiễm nhóm A nhằm nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh, hạn chế số lượng mắc bệnh và tử vong.

Sở Y tế thành phố Cần Thơ tăng cường giám sát phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh tại cộng đồng, tập trung giám sát các trường hợp nhập viện, điều trị tích cực và các trường hợp tử vong; tái kích hoạt mô hình bệnh viện dã chiến. Đồng thời, thực hiện linh hoạt nguyên tắc “ngăn chặn - phát hiện - quản lý - dập dịch" theo quy mô và phạm vi hẹp nhất, phù hợp với diễn biến dịch bệnh, áp dụng linh hoạt công thức chống dịch "2K + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân + các biện pháp khác" phù hợp với tình hình thực tế.

Ngành Y tế thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 đối với các trường hợp người đến khám tại các bệnh viện, người bệnh nội trú, nhân viên y tế có dấu hiệu nghi ngờ mắc COVID-19 như có các dấu hiệu ho, sốt, chảy mũi, đau rát họng, tức ngực...

Ngành Y tế duy trì hoạt động liên tục của bệnh viện tuyến trung ương, Bệnh viện đa khoa tuyến thành phố, Bệnh viện chuyên khoa tuyến thành phố. Bệnh viện đa khoa tuyến quận, huyện để đảm bảo tiếp tục các dịch vụ y tế thiết yếu bao gồm cả dịch vụ có các nhóm đối tượng dễ bị ảnh hưởng như trẻ em, phụ nữ có thai, người già và người bệnh mạn tính.

Với tâm thế luôn đề cao cảnh giác, không lơ là chủ quan, Sở Y tế thành phố Cần Thơ nêu rõ, trong lúc triển khai các biện pháp đáp ứng, phòng chống trong tình huống 1 vẫn phải chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để triển khai các biện pháp đáp ứng, phòng chống nếu tình huống 2 xảy ra.

Trước lễ 30/4 một tuần, ngành Y tế phối hợp cùng ngành Giáo dục, Công Thương… tổ chức test nhanh có trọng điểm trên tinh thần tự nguyện của người được test.    

Ông Huỳnh Minh Trúc, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC Cần Thơ) cho biết, Trung tâm sẽ xét nghiệm test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2, với 68.000 mẫu để giám sát trọng điểm tại những nơi tập trung đông người dễ phát sinh, lây lan dịch bệnh như các cơ sở y tế, địa bàn dân cư, trường học, chợ, cơ quan xí nghiệp, doanh nghiệp, nhằm đánh giá, dự báo tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố. Tần suất lấy mẫu 2 lần/tuần.

Việc xét nghiệm này nằm trong dự án “Nâng cao hiệu quả sử dụng test nhanh kháng nguyên SARS- CoV-2 (Ag-RDT) để phát hiện COVID-19 trong cộng đồng”, do Tổ chức Clinton Health Access Initiative, Inc (CHAI) viện trợ không hoàn lại, đã được Bộ Y tế phê duyệt.

Thông tin từ Sở Y tế thành phố Cần Thơ, từ đầu năm 2023 đến nay, toàn thành phố ghi nhận 3 trường hợp mắc COVID-19, không có ca tử vong. Hiện cả 83 xã, phường, thị trấn đánh giá dịch ở cấp độ 1. Đến ngày 14/4/2023, trên địa bàn có 3.611.922 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm cho người dân (đạt 104% số liều được phân bổ), cơ bản hoàn thành việc tiêm đủ 2 liều cơ bản cho người từ 12 tuổi trở lên và mũi 1 cho trẻ từ 5-11 tuổi. Tỷ lệ tiêm mũi 3 và 4 cho người dân từ 18 tuổi trở lên lần lượt đạt 77,4% và 87,6%...

Ánh Tuyết (TTXVN)
TP Hồ Chí Minh: Tổ chức 61 điểm tiêm vaccine phòng COVID-19 xuyên lễ
TP Hồ Chí Minh: Tổ chức 61 điểm tiêm vaccine phòng COVID-19 xuyên lễ

Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp cùng với sự xuất hiện của các biến thể phụ, ngày 25/4, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết đơn vị vừa ban hành kế kế hoạch tiêm vaccine phòng COVID-19 xuyên lễ cho người dân thành phố từ 18 tuổi trở lên, với 61 điểm tiêm vaccine tại 22 quận, huyện và thành phố Thủ Đức.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN