Cần giải pháp xã hội hóa hoạt động khuyến nông

Chiều 29/12, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Bình tổ chức Hội nghị tổng kết 30 năm hoạt động khuyến nông Ninh Bình nhằm ghi nhận những kết quả, thành tựu hoạt động khuyến nông giai đoạn 1993 - 2023, đồng thời đề ra phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới.

Chú thích ảnh
Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tặng Bằng khen cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động khuyến nông tỉnh Ninh Bình.

Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia đề nghị các trung tâm khuyến nông cần tìm cách xã hội hóa hoạt động khuyến nông cùng nhau xây dựng, thiết lập các chuỗi sản phẩm tăng hiệu quả kinh tế. Trong chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cần đề cao vai trò của khuyến nông nhà nước, tuy nhiên cần nêu cao vai trò của lực lượng khuyến nông của các tổ chức xã hội khác. Những người sản xuất giỏi cũng chính là lực lượng khuyến nông nhằm góp phần tuyên truyền, chia sẻ kinh nghiệm cùng nhau sản xuất tăng năng suất, chất lượng. 

Theo ông Lê Quốc Thanh, các trung tâm khuyến nông địa phương cũng cần thay đổi tư duy khuyến nông, thay đổi đời sống nông thôn, thay đổi nông nghiệp nông thôn đất nước. Những người làm khuyến nông một cách chuyên nghiệp không chỉ là chuyển giao kỹ thuật mà phải đa dạng hơn, biết được kiến thức về thị trường, kinh tế, chuyển đổi số, kỹ thuật công nghệ thông tin. Khuyến nông là cầu nối, là những người tạo ra không gian để đối tác gặp nhau. Lực lượng khuyến nông cần được đào tạo, tăng cường đội ngũ một cách tinh nhuệ hơn nữa.

Ông Bùi Hữu Ngọc, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Ninh Bình cho biết, thời gian tới, trung tâm tiếp tục xây dựng các mô hình ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ cao, công nghệ thông minh vào sản xuất, đảm bảo xuyên suốt từ khâu giống, quy trình sản xuất, bảo quản, chế biến như: mô hình mạ khay cấy máy, sử dụng máy bay, máy cấy không người lái trong sản xuất nông nghiệp; các mô hình tưới nước tiết kiệm cho cây ăn quả tại các vùng đồi; mô hình trồng rau, quả trong nhà lưới, nhà kính; thử nghiệm các chế phẩm có nguồn gốc hữu cơ làm phân bón trong sản xuất nông nghiệp; các mô hình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật thế hệ mới. 

Trung tâm Khuyến nông tỉnh Ninh Bình hình thành liên kết trong sản xuất, xây dựng tổ hợp tác, hợp tác xã ngành hàng trong các lĩnh vực nhằm tăng sức cạnh tranh trên thị trường, nâng cao giá trị gia tăng và hiệu quả kinh tế, như xây dựng các mô hình kinh tế nông nghiệp tuần hoàn, mô hình chuỗi liên kết trong chăn nuôi. Bên cạnh đó, duy trì và nhân rộng các mô hình sản xuất hữu cơ, theo hướng hữu cơ; xây dựng các mô hình phát triển kinh tế trang trại nông nghiệp sinh thái, trải nghiệm gắn với phát triển du lịch, vừa quảng bá, tạo đầu ra tại chỗ cho sản phẩm nông nghiệp, vừa tạo thêm sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, thân thiện môi trường... 

Trong 30 năm qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Ninh Bình luôn đồng hành, sát sao cùng các cấp, ngành hoàn thành tốt nhiệm vụ, trở thành "cầu nối" giữa nhà nước và cơ quan nghiên cứu khoa học với hộ nông dân. Đây là địa chỉ cung cấp thông tin gắn kết thị trường, là hệ thống tư vấn, phổ biến kiến thức, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ, kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh cho nông dân trong nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. 

Trung tâm đã tổ chức được gần 3.600 lớp với gần 180 nghìn lượt người tham dự, tập huấn chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật công nghệ mới, quy trình sản xuất và các hình thức tổ chức sản xuất tiên tiến. Trung tâm đã xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện có hiệu quả các mô hình, đề tài, dự án đẩy mạnh áp dụng tiến bộ kỹ thuật và công nghệ cao vào sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế, hướng đến các vùng sản xuất hàng hóa an toàn phát huy lợi thế của từng địa phương. Từ đó, đưa giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2003 từ 50 triệu đồng/ha lên 86 triệu đồng/ha năm 2011 và 155 triệu đồng/ha năm 2023.

Trung tâm đã khuyến khích, hỗ trợ nông dân đưa cơ giới hóa vào sản xuất góp phần giải phóng sức lao động, giảm áp lực thiếu lao động nông nghiệp trong lúc thời vụ, giảm tổn thất trong và sau thu hoạch, nâng cao hiệu quả sản xuất, góp phần vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. 

Trong chăn nuôi, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Ninh Bình đã thực hiện các chương trình hỗ trợ con giống và hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, cải tạo con giống mang lại hiệu quả rõ rệt hơn; liên kết phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa; khuyến nông đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường. Ngoài ra, dựa trên đặc điểm của từng tiểu vùng sinh thái khác nhau trên địa bàn tỉnh, chương trình khuyến ngư có những mô hình phù hợp để phát huy tối đa lợi thế vùng như vùng đất trũng Nho Quan, Gia Viễn có mô hình nuôi luân canh lúa - cá, nuôi tôm càng xanh, cá chép, cùng ven biển Kim Sơn có mô hình nuôi cua xanh, cá Hồng Mỹ, cá Chẽm,...

Dịp này, đã có 57 Bằng khen và Giấy khen của Chủ tịch UBND tỉnh, Trung tâm Khuyến nông quốc gia và Giám đốc Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Ninh Bình đã được trao cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động khuyến nông.

Tin, ảnh: Hải Yến (TTXVN)
Nam Định xây dựng các mô hình khuyến nông đáp ứng nhu cầu thực tiễn
Nam Định xây dựng các mô hình khuyến nông đáp ứng nhu cầu thực tiễn

Ngày 13/10, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định đã tổ chức Hội nghị tổng kết 30 năm hoạt động khuyến nông Nam Định nhằm ghi nhận những kết quả, thành tựu hoạt động khuyến nông giai đoạn 1993-2023, đề ra phương hướng, nhiệm trong thời gian tới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN