Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Lê Quốc Thanh đề nghị, thời gian tới ngành khuyến nông Nam Định cần đổi mới nội dung, phương pháp triển khai các hoạt động khuyến nông, bám sát các mục tiêu của kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng hiệu quả, hiện đại và bền vững. Đồng thời, xây dựng các chương trình, dự án, mô hình khuyến nông tích hợp đa giá trị theo tư duy kinh tế nông nghiệp, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm.
Trong 30 năm qua, thực hiện Đề án "Tái cơ cấu ngành nông nghiệp Nam Định theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững", tỉnh đã đẩy mạnh cơ giới hoá trong sản xuất, các công việc nặng nhọc như làm đất, thu hoạch lúa bằng máy đạt gần 100% diện tích, đặc biệt phát triển đồng bộ các khâu trong sản xuất lúa từ khâu gieo cấy đến khâu thu hoạch và bảo quản, chế biến đã tiết kiệm thời gian, chi phí sản xuất cho người dân.
Nam Định là tỉnh đầu tiên trong cả nước ứng dụng sản xuất thành công hạt giống lúa lai F1, áp dụng vào sản xuất đại trà các giống lúa lai, áp dụng các biện pháp kỹ thuật thâm canh mới làm giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất. Những năm gần đây xuất hiện ngày càng nhiều mô hình cánh đồng mẫu lớn quy mô hàng trăm ha tại các huyện Giao Thủy, Hải Hậu, Nam Trực với năng suất lúa cao hơn so với sản xuất đại trà khoảng 20 tạ/ha, lợi nhuận tăng thêm bình quân khoảng 7 triệu đồng/ha.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, tỉnh Nam Định đã tập trung mở rộng quy mô sản xuất hàng hóa gắn với tiêu thụ sản phẩm, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống, chế phẩm sinh học, quy trình chăn nuôi, liên kết tiêu thụ sản phẩm, xử lý môi trường... Nhiều mô hình khuyến nông đã mang lại hiệu quả kinh tế như mô hình chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cỏ chăn nuôi dê sinh sản; mô hình chăn nuôi thỏ sinh sản an toàn sinh học; mô hình chăn nuôi lợn thịt theo hướng hữu cơ…
Trong lĩnh vực thủy sản, tỉnh Nam Định đẩy mạnh các đối tượng con nuôi trong môi trường biển, chú trọng phát triển các đối tượng có giá trị kinh tế cao có khả năng xuất khẩu nhằm tăng sản lượng hàng hoá thuỷ sản. Hệ thống khuyến nông tập trung xây dựng các mô hình nuôi trồng thủy sản mặn lợ như mô hình nuôi cá song, nuôi tôm thẻ chân trắng, nuôi sò huyết, nuôi cá bống bớp. Các mô hình này được áp dụng các công nghệ nuôi sạch, sử dụng hoàn toàn bằng thức ăn công nghiệp, sử dụng các chế phẩm vi sinh.
Kết quả các mô hình đều cho hiệu quả kinh tế cao từ 200-300 triệu đồng/ha trở lên. Một số mô hình đạt trên 500 triệu đồng/ha, như mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng, mô hình nuôi cá bống bớp. Ngoài ra, hệ thống khuyến nông cũng xây dựng các mô hình với đối tượng nước ngọt phục vụ tiêu dùng nội địa như chạch đồng, cá lăng, cá chép, cá trắm đen, cá chuối, cá diêu hồng... cho hiệu quả kinh tế cao từ 150-350 triệu đồng/ha.
Đến nay, giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản tại Nam Định tăng bình quân 3,0%/năm; tốc độ tăng năng suất lao động bình quân đạt 3,6%/năm; giá trị gia tăng hàng năm của các mặt hàng nông sản chủ lực đạt từ 10 - 15%. Dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt trên 99,9%. Trong xây dựng nông thôn mới, Nam Định là 1 trong 2 tỉnh đầu tiên của cả nước về đích nông thôn mới; toàn tỉnh hiện có 92,6% số xã, thị trấn đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; có 330 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Nam Định Hoàng Thị Tố Nga đề nghị, thời gian tới ngành khuyến nông tỉnh cần tiếp tục nghiên cứu, tiếp nhận, chuyển giao các công nghệ tiên tiến, công nghệ cao trong nước và quốc tế về sản xuất giống nông, thủy sản theo quy định; xây dựng các mô hình khuyến nông, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp công nghệ cao để đáp ứng nhu cầu thực tiễn sản xuất trong giai đoạn hiện nay.