Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, việc phát triển các vùng nguyên liệu nông, lâm sản hiện vẫn bộc lộ nhiều hạn chế như sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thiếu sự hợp tác, liên kết giữa các hộ nông dân và liên kết với các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ.
Nhiều vùng nguyên liệu tuy đã dần hình thành nhưng chưa được tổ chức và quản trị tốt, hạ tầng yếu kém, thiếu cơ sở thông tin dữ liệu sản xuất để thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm, xây dựng mã vùng trồng, nhất là ở các vùng nguyên liệu lớn hàng hóa liên vùng phục vụ chế biến và xuất khẩu.
Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, do chưa hình thành được các vùng nguyên liệu gắn với liên kết phục vụ chế biến, tiêu thụ với các doanh nghiệp nên việc triển khai các chính sách của Nhà nước chưa được thực hiện đồng bộ, nhất là các chính sách tín dụng, bảo hiểm nông nghiệp, quản lý chất lượng vùng trồng gắn với liên kết theo chuỗi giá trị. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến chất lượng và tính cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp bị hạn chế; hiệu quả sản xuất chưa cao, trong khi rủi ro, lãng phí sản xuất còn cao; tổn thất sau thu hoạch cao thu nhập của người nông dân còn thấp.
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong việc phát triển các vùng nguyên liệu; đồng thời đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập kinh tế và những thách thức của biến đổi khí hậu ngày càng lớn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với UBND 14 tỉnh xây dựng “Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2012-2025”.
Mục tiêu của đề án là hình thành 5 vùng sản xuất nguyên liệu sản phẩm nông, lâm nghiệp quy mô hàng hóa tập trung, hiện đại, ứng dụng công nghệ tiên tiến trên cơ sở liên kết bền vững giữa các hợp tác xã nông nghiệp với các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ thúc đẩy nhanh, hiệu quả và bền vững quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.
"Trong quá trình triển khai xây dựng đề án thí điểm, yêu cầu đặt ra là phải đảm bảo đúng quy hoạch, đủ lớn, rõ về tiêu chí chất lượng, có liên kết, đầu vào đầu ra, quản trị được để định hướng thị trường, tránh rủi ro; huy động được các bên tham gia, xã hội hóa. Đồng thời, đề nghị các cơ quan tham mưu, các tỉnh thành tham gia đề án, các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân nắm rõ nội dung và trách nhiệm của mình trong việc tổ chức thực hiện đề án; đánh giá, dự báo được những khó khăn, thách thức, bàn các giải pháp triển khai các nội dung đề án đạt hiệu quả phù hợp với tình hình thực tế", Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.
Ông Lê Viết Bình, Phó Chánh văn phòng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản được chia thành hai giai đoạn. Theo đó, giai đoạn 1 (từ 2022 - 2023) hình thành 5 vùng nguyên liệu tập trung có tổng diện tích khoảng 166.800 ha gồm cây ăn quả vùng miền núi phía Bắc 14.000 ha, gỗ rừng trồng chứng chỉ bền vững vùng duyên hải miền Trung 22.900 ha, cà phê vùng Tây Nguyên 19.700 ha, lúa gạo vùng tứ giác Long Xuyên 50.000ha và trái cây vùng Đồng Tháp Mười 60.200 ha.
Giai đoạn 2 (từ 2024 - 2025) mở rộng xây dựng 5 trung tâm sơ chế, chế biến, bảo quản nguyên liệu (logistic) hỗ trợ hợp tác xã, gồm Trung tâm logistics chuỗi lúa gạo (huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang); Trung tâm logistics lúa-tôm hữu cơ (huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang); Trung tâm logistics chế biến tôm (huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng); Trung tâm logistics trái cây Mỹ Hiệp (tỉnh Đồng Tháp) và Trung tâm logistics chuỗi cà phê (tỉnh Gia Lai).
Ngoài việc hình thành các vùng nguyên liệu, đề án cũng tập trung phát triển và nâng cao vai trò, hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp trong chuỗi giá trị nông nghiệp, đáp ứng yêu cầu về chất lượng và giảm giá thành nguyên liệu đầu vào phục vụ chế biến và tiêu thụ. Đồng thời, tăng thu nhập, góp phần cải thiện đời sống của người nông dân địa phương.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng phê duyệt Đề án khuyến nông cộng đồng giai đoạn 2022 - 2025, theo đó, thí điểm hình thành 136 tổ khuyến nông cộng đồng và tổ chức 770 lớp tập huấn tư vấn phát triển hợp tác xã, kết nối thị trường.
Chia sẻ tại hội nghị, ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An, một trong những doanh nghiệp tham gia xây dựng vùng nguyên liệu lúa gạo khu vực tứ giác Long Xuyên cho rằng, trước đây đã có mô hình cánh đồng lớn, mục tiêu cũng là nâng cao chất lượng nông sản, nhưng nhiều năm trầy trật làm chưa được.
Việc triển khai Đề án thí điểm xây dựng các vùng nguyên liệu và khuyến nông cộng đồng cho thấy, ngành nông nghiệp đã có thay đổi tư duy về liên kết sản xuất - tiêu thụ - chế biến. Nếu thực hiện thành công hai đề án trên, các ngành hàng sẽ hoàn toàn chủ động ổn định trên toàn bộ chuỗi, từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, không còn cảnh vừa thừa sản lượng vừa thiếu sản phẩm đủ tiêu chuẩn chất lượng để đáp ứng nhu cầu khách hàng như thời gian vừa qua.
Cũng đánh giá cao việc triển khai các đề án trên, ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An chia sẻ, xu thế chung của thị trường đòi hỏi sản lượng hàng hóa phải cung cấp đều trong năm, chất lượng được đảm bảo. Trong khi đó, phần lớn nông dân vẫn đang sản xuất nhỏ lẻ mang mún, không được định hướng thị trường. Các doanh nghiệp cũng đã ý thức việc liên kết nông dân để sản xuất nhưng để thay đổi được tư duy từ tự làm sang hợp tác làm theo tiêu chuẩn thì rất khó.
Việc triển khai các đề án xây dựng vùng nguyên liệu và khuyến nông cộng đồng sẽ giải quyết được các điểm “vênh” của chuỗi cung - cầu. Đồng thời, phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ khuyến nông vào thay đổi tư duy cách làm của người nông dân theo hướng thích nghi với xu hướng và nhu cầu người tiêu dùng.