Mục tiêu đầu tư là hỗ trợ phát triển kết cấu hạ tầng vùng nguyên liệu nông lâm nghiệp, tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp và hợp tác xã, nâng cao thu nhập cho người sản xuất và cộng đồng vùng dự án.
Theo đó, dự án sẽ ưu tiên đầu tư hệ thống đường giao thông, thủy lợi phục vụ vận chuyển nguyên liệu nông lâm nghiệp từ nơi sản xuất đến doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm; xây dựng sân phơi, nhà kho, nhà sơ chế, chế biến sản phẩm, kho lạnh, silo, bãi tập kết gỗ và một số công trình khác.
Thời gian thực hiện dự án là từ năm 2022 -2025. Dự án gồm 5 hợp phần tại các địa phương: Hòa Bình, Sơn La, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Gia Lai, Đắk Lắk, Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang, Kiên Giang và An Giang.
Cụ thể, hợp phần 1 là đầu tư kết cấu hạ tầng hỗ trợ hợp tác xã phát triển vùng nguyên liệu cây ăn quả vùng miền núi phía Bắc tại Sơn La, Hòa Bình. Theo đó, hợp phần nâng cấp khoảng 15 km các tuyến đường nối khu sản xuất với trục giao thông chính; 2 kho lạnh bảo quản sản phẩm với quy mô 500 m2/kho, 1 nhà xưởng sơ chế và bảo quản nông sản với quy mô 1.000 m2.
Hợp phần 2 là đầu tư kết cấu hạ tầng hỗ trợ hợp tác xã phát triển vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng có chứng chỉ FSC vùng Duyên hải miền Trung tại Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. Hợp phần sẽ nâng cấp tuyến đường lâm sinh liên quan đến vùng sản xuất lâm nghiệp với khoảng 29 km; xây dựng 6 sân bãi tập kết gỗ tập trung với tổng diện tích 3.000 m2.
Hợp phần 3 là đầu tư kết cấu hạ tầng hỗ trợ hợp tác xã phát triển vùng nguyên liệu gạo vùng Tứ Giác Long Xuyên tại An Giang, Kiên Giang. Theo đó sẽ nâng cấp các tuyến đường giao khoảng 34 km; 8 trạm bơm điện.
Hợp phần 4 là đầu tư kết cấu hạ tầng hỗ trợ hợp tác xã phát triển vùng nguyên liệu cây ăn quả vùng Đồng Tháp Mười tại Đồng Tháp, Long An và Tiền Giang. Theo đó sẽ nâng cấp 28 km đường giao thông; nâng cấp và sửa chữa hệ thống kênh tưới, cống điều kết tưới cho khoảng 838 ha; xây dựng 2 nhà sơ chế mít với tổng diện tích khoảng 5.250m2.
Hợp phần 5 là đầu tư kết cấu hạ tầng hỗ trợ hợp tác xã phát triển vùng nguyên liệu cà phê chất lượng cao vùng Tây Nguyên tại Gia Lai, Đắk Lắk. Theo đó sẽ nâng cấp 26 km đường giao thông; xây dựng, nâng cấp 9 sân phơi, nhà kho chứa cà phê với tổng diện tích 17.500 m2; 3 silo để bảo quản cà phê chất lượng cao với quy mô khoảng 1.300 tấn.
Ban Quản lý các dự án nông nghiệp sẽ tổ chức lập dự án trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt theo quy định của Luật Đầu tư công và pháp luật khác có liên quan.