Hợp tác xã Nông sản an toàn Liên Hiệp, xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng là một trong những cơ sở tiên phong triển khai hiệu quả mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản an toàn tại tỉnh Hà Nam. Trên diện tích gần 5 ha đất bãi ven sông, hợp tác xã xây dựng 1.000 m2 nhà lưới trồng các loại rau ăn lá. Bên ngoài nhà lưới, đơn vị trồng các loại rau củ, quả theo quy trình sản xuất rau an toàn.
Nông sản của hợp tác xã được ký kết tiêu thụ cho các bếp ăn tập thể, cửa hàng rau sạch trên địa bàn tỉnh và hệ thống siêu thị Vinmart với giá cao và ổn định nên không có tình trạng được mùa mất giá. Đặc biệt, vụ Đông năm 2019 - 2020, hợp tác xã thực hiện liên kết với Công ty TNHH đầu tư sản xuất phát triển nông nghiệp VinEco sản xuất 4 ha bắp cải theo tiêu chuẩn Toàn cầu về thực hành nông nghiệp tốt (GlobalGAP) để xuất khẩu sang thị trường khó tính là Nhật Bản. Đến nay, hơn 100 tấn bắp cải đạt tiêu chuẩn GlobalGAP của hợp tác xã đã được xuất sang Nhật Bản.
Anh Phạm Hoàng Hiệp - Giám đốc Hợp tác xã Nông sản an toàn Liên Hiệp cho biết, đối với các cơ sở sản xuất rau với quy mô lớn thì vấn đề tiêu thụ sản phẩm là một khâu vô cùng quan trọng. Chính vì vậy, việc tìm kiếm, ký kết hợp đồng tiêu thụ là bước đầu tiên hợp tác xã thực hiện trước mỗi vụ sản xuất. Bên cạnh đó, đơn vị cũng luôn tuân thủ nghiêm quy trình sản xuất rau an toàn theo đúng cam kết với các đơn vị tiêu thụ. Đặc biệt, việc liên kết thành công với Công ty TNHH đầu tư sản xuất phát triển nông nghiệp VinEco sản xuất bắp cải xuất khẩu trong vụ Đông năm nay là hướng đi mới giúp hợp tác xã nâng cao giá trị sản xuất.
Cũng là cơ sở sản xuất áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP), Hợp tác xã rau sạch Đức Huy, xã Nhân Nghĩa, huyện Lý Nhân luôn tuân thủ nghiêm các điều kiện về an toàn thực phẩm, các điều kiện sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật chặt chẽ đúng quy trình. Hợp tác xã chỉ sử dụng phân bón hữu cơ, phân chuồng ủ mục nên không ảnh hưởng tới nguồn đất, nước tưới. Sản phẩm của hợp tác xã cũng đã được liên kết tiêu thụ tại các bếp ăn trong khu công nghiệp và hệ thống cửa hàng thực phẩm sạch trong và ngoài tỉnh. Với việc thực hiện liên kết sản xuất – tiêu thụ, Hợp tác xã rau sạch Đức Huy đã trở thành một trong những hợp tác xã kiểu mới hoạt động hiệu quả của tỉnh Hà Nam.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nam, đến nay, toàn tỉnh Hà Nam đã xây dựng được hơn 160 mô hình sản xuất lúa, rau củ quả và dược liệu tham gia chuỗi liên kết sản xuất nông sản sạch; trong đó có 33 mô hình có quy mô từ 3 ha/mô hình trở lên; thành lập mới 15 hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới ít thành viên chuyên sản xuất rau, củ, quả an toàn.
Toàn tỉnh hiện có 24 cửa hàng giới thiệu, bán nông sản sạch. Giá trị sản xuất các mô hình liên kết sản xuất nông sản sạch cao hơn từ 10 - 20% so với sản xuất truyền thống và có tính ổn định cao, hạn chế được tình trạng được mùa mất giá. Các hợp tác xã, các doanh nghiệp, tổ chức và các cá nhân đã chủ động hơn trong việc xác định đối tác để liên kết; tổ chức bàn bạc, thống nhất cơ chế, ký kết hợp đồng chuyển giao, cung ứng vật tư đầu và giá cả để đảm bảo quyền lợi cho cả 2 bên.
Tuy nhiên, vấn đề liên kết theo chuỗi giá trị từ tổ chức sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Nam theo hợp đồng ký kết ngay từ đầu vụ sản xuất còn gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt là việc thay đổi tập quán canh tác cũ của nông dân, cách thức triển khai của chính quyền địa phương chưa hiệu quả; chưa có nhiều công ty, doanh nghiệp tham gia đầu tư liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho người dân. Việc liên kết sản xuất còn lỏng lẻo, thiếu chặt chẽ, chưa đem lại lòng tin giữa người sản xuất và doanh nghiệp tiêu thụ; sản phẩm không đồng đều về chất lượng, mẫu mã sản phẩm chưa đáp ứng được yêu cầu thị trường nên giá bán thấp, chưa khuyến khích được người dân sản xuất.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nam, chủ trương của tỉnh Hà Nam là xây dựng nền nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, bền vững. Bên cạnh các giải pháp về cơ chế chính sách hỗ trợ, giải pháp về bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn, tỉnh Hà Nam đề cao giải pháp về đổi mới phương thức tổ chức sản xuất, xây dựng, nhân rộng mô hình “liên kết 4 nhà” trong sản xuất nông nghiệp, hình thành chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng.