Xây dựng vùng nguyên liệu dựa trên liên kết vùng

Chiều 5/3, Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do Thứ trưởng Lê Minh Hoan làm trưởng đoàn có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Hậu Giang về tình hình tái cơ cấu nông nghiệp; phát triển hợp tác xã gắn với liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản; phát triển thủy lợi, phòng chống thiên tai trên địa bàn tỉnh, định hướng đến năm 2025.

Chú thích ảnh
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan (trái) phát biểu. 

Tại buổi làm việc, ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang cho biết, trong năm 2020, sản xuất nông nghiệp của tỉnh phát triển đúng hướng và tăng trưởng khá; việc áp dụng cơ giới hóa, tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất được đẩy mạnh; các mô hình hợp tác, liên kết và tham gia chuỗi giá trị ngày càng chặt chẽ và đạt hiệu quả cao.

Tuy giàu tiềm năng, nhưng nông nghiệp của tỉnh đến nay chủ yếu vẫn phát triển theo chiều rộng dựa trên thâm canh tăng vụ, sử dụng tài nguyên, lao động và nhiều vật tư đầu vào; các mô hình sản xuất nông nghiệp bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu đã dần hình thành nhưng còn tự phát, nhỏ lẻ; hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp thiếu và yếu.

Ông Trương Cảnh Tuyên đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham gia ý kiến với Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm phê duyệt Quy hoạch phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long; có cơ chế, chính sách đầu tư riêng cho vùng thực hiện liên kết.

Cùng với đó, Ủy ban nhân dân tỉnh cũng yêu cầu hỗ trợ tỉnh nguồn lực đầu tư các công trình kiểm soát mặn từ triều Biển Đông; có chủ trương xây dựng xây dựng lộ trình giảm dần sản xuất lúa 3 vụ, tiến đến chỉ sản xuất lúa 2 vụ và lúa 2 vụ kết hợp hình thức sản xuất khác. Đồng thời, tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ giải quyết một số khó khăn tại Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng; hỗ trợ đầu tư dự án hồ dự trữ nước ngọt quy mô khoảng 5 ha với tổng mức đầu tư khoảng 50 tỷ đồng.

Ông Lê Tiến Châu, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang cho rằng, hiện Hậu Giang vẫn còn nhiều điểm nghẽn trong phát triển nông nghiệp, do đó, địa phương rất cần sự quan tâm ủng hộ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Do đó, Bí thư Tỉnh ủy đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục giới thiệu các doanh nghiệp đến hợp tác với tỉnh trong việc đầu tư, chế biến và tiêu thụ nông sản cho tỉnh; giới thiệu các chuyên gia, nhà khoa học đến Hậu Giang để nghiên cứu và định hướng cho tỉnh trong việc chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp trong thời gian tới.

Chú thích ảnh
Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Lê Tiến Châu phát biểu.

Trao đổi với tỉnh Hậu Giang, ông Lê Minh Hoan, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các đơn vị liên quan của bộ xem xét hỗ trợ cho tỉnh theo thứ tự ưu tiên từng vấn đề trên tinh thần trách nhiệm cao.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lưu ý, tỉnh khi triển khai các chương trình, đề án nông nghiệp cần hướng đến mục tiêu nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân thông minh; chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, chuyển từ việc tạo ra giá trị gia tăng sang tạo ra giá trị gia tăng cùng với giảm chi phí sản xuất, chi phí môi trường để đảm bảo phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, tỉnh cần xác định xây dựng vùng nguyên liệu dựa trên liên kết vùng, tránh manh mún, nhỏ lẻ, loại bỏ tư duy cục bộ từng địa phương; xác định rõ nơi tiêu thụ khi xây dựng ngành hàng; có tư duy năng động theo tình hình thực tế và đóng góp cho Trung ương trong quá trình phát triển thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh.

Toàn tỉnh Hậu Giang có 140.270 ha đất nông nghiệp, chiếm 87,5% diện tích tự nhiên. Trong năm 2020, GRDP khu vực nông - lâm - ngư nghiệp tăng 3,09%. Hiện nay, tỉnh đã công nhận 46 sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) cấp tỉnh cho 21 chủ thể tham gia; tổng số hợp tác xã liên kết với doanh nghiệp tính đến hết năm 2020 đạt 57 hợp tác xã.

Chú thích ảnh
Đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đến thăm mô hình nông nghiệp tại phường 5, thành phố Vị Thanh (Hậu Giang). 

Sáng cùng ngày, Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có buổi tham quan thực tế tại Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng (xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp), thăm Hợp tác xã khóm Thạnh Thắng, điểm du lịch cộng đồng khóm Cầu Đúc mô hình nuôi cá thát lát theo hình thức liên kết chuỗi trên địa bàn thành phố Vị Thanh.

Tin, ảnh: Hồng Thái (TTXVN)
Tạo ra vùng nguyên liệu lớn từ chuỗi liên kết
Tạo ra vùng nguyên liệu lớn từ chuỗi liên kết

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Hà Nam đã xuất hiện nhiều mô hình liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn mang lại hiệu quả kinh tế cao, ổn định cho người sản xuất. Đây cũng là tiền đề quan trọng giúp doanh nghiệp tạo ra vùng nguyên liệu lớn, mở rộng sản xuất, đưa nông sản ra thị trường thế giới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN