Đây là động thái cứng rắn của tỉnh Quảng Ninh trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, đặc biệt đã xuất hiện nhiều ca lây nhiễm tại các địa phương lân cận.
Quảng Ninh cũng chỉ đạo ngành Giáo dục và Đào tạo khẩn trương hoàn thành việc kiểm tra học kỳ II năm học 2020-2021 sớm hơn so với kế hoạch. Ngay sau khi hoàn thành việc kiểm tra, các cơ sở giáo dục kích hoạt ngay việc dạy học trực tuyến, đảm bảo chương trình năm học cũng như đạt chuẩn yêu cầu về kiến thức cho học sinh.
Riêng học sinh lớp 9 và lớp 12, nhà trường vẫn tổ chức dạy học trực tiếp tại trường nhưng phải đảm bảo thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch. Đối với trẻ mầm non sẽ nghỉ học từ ngày 8/5 cho đến khi có thông báo mới.
Quảng Ninh triển khai lần thứ 4 khai báo y tế toàn dân. Tỉnh khuyến cáo tất cả người dân có yếu tố dịch tễ liên quan ca bệnh và ổ dịch theo công bố của Bộ Y tế kịp thời khai báo y tế bằng các hình thức để được tư vấn từ chính quyền, cơ quan chuyên môn.
Ngành Y tế đẩy nhanh việc nâng công suất và tốc độ xét nghiệm tự nguyện phòng, chống dịch COVID-19.
Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch tỉnh Quảng Ninh vừa phát đi thông báo khẩn yêu cầu tất cả bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, cán bộ, nhân viên các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh từ ngày 10/4 đến nay đã đến, trở về từ các cơ sở y tế: Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Kim Chung, Bệnh viên K tại cả 3 cơ sở, Bệnh viện Quân Y 105 (Hà Nội) cần thực hiện ngay các biện pháp phòng dịch. Cụ thể, thực hiện tự cách ly ở nhà, thông tin ngay đến trạm y tế trên địa bàn hoặc chính quyền địa phương (thông tin bằng điện thoại, không trực tiếp đến liên hệ) để được hỗ trợ, hướng dẫn biện pháp phòng, chống dịch.
*Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Nam, liên quan đến trường hợp tên N.T.M.T, sinh năm 1988, có địa chỉ thị trấn Quế, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam dương tính với SARS-CoV-2, đến nay, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Kim Bảng điều tra, lấy 72 mẫu xét nghiệm những người liên quan thuộc địa bàn thị trấn Quế và huyện Kim Bảng.
Ngành Y tế tỉnh Hà Nam đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng rà soát tất cả những người đã từng điều trị, chăm sóc, đến Bệnh viện K trở về địa phương và trường hợp có tiếp xúc gần với N.T.M.T. Bên cạnh đó, khẩn trương thông báo rộng rãi cho người dân biết để khai báo với y tế địa phương nếu đã đến khám, điều trị, chăm sóc, thăm người thân, giao dịch…tại Bệnh viện K cơ sở Tân Triều.
Trước đó, sáng 7/5, Bệnh viện K cơ sở Tân Triều, có địa chỉ tại quận Hà Đông, thành phố Hà Nội thông báo chính thức 10 người dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có 1 trường hợp sinh năm 1988, địa chỉ ở thị trấn Quế, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Đây là trường hợp chăm sóc người bệnh và ở cùng phòng với 9 người khác có kết quả dương tính với SARS-CoV-2.
*Ngày 7/5, lãnh đạo thành phố, Ban Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ và các đơn vị liên quan đã có buổi khảo sát, làm việc tại Trung tâm y tế huyện Phong Điền về kế hoạch triển khai xây dựng Bệnh viện dã chiến số 4, phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Ông Nguyễn Minh Nghiêm, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, theo chỉ đạo của Bộ Y tế cũng như UBND thành phố Cần Thơ, lãnh đạo bệnh viện đã phối hợp với Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, Trung tâm Y tế huyện Phong Điền xây dựng Kế hoạch số 1489/KH-BVTWCT ngày 20/7/2020 về việc thiết lập Bệnh viện dã chiến số 4 điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Trung tâm Y tế huyện Phong Điền.
Theo đó, bệnh viện dã chiến sẽ có quy mô 800 giường, điều trị cho các bệnh nhân mức độ nhẹ và trung bình, giảm tải cho tuyến trên. Tổng số nhân sự dự kiến khoảng 800 người, được huy động từ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, Đại học Y Dược Cần Thơ, Trung tâm Y tế huyện Phong Điền, Quân y và các cơ sở y tế khác trên địa bàn thành phố.
Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ yêu cầu các sở, ngành liên quan tập trung mọi nguồn lực phối hợp cùng Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ nhanh chóng hoàn thiện đề án, tháo gỡ những khó khăn để Bệnh viện dã chiến số 4 sớm đi vào hoạt động.
Về phía Trung ương, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cần là đầu mối để huy động nhân sự không chỉ từ các cơ sở y tế trên địa bàn mà khi cần thiết phải có sự vào cuộc của cơ sở y tế thuộc các tỉnh, thành lân cận. Việc mở rộng nguồn nhân sự này sẽ giúp giải quyết hai bài toán: Nhân sự đúng/gần đúng chuyên ngành cần huy động (ngành lây nhiễm) và không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các cơ sở y tế có nhân sự được điều động tăng cường cho bệnh viện dã chiến.
"Chúng ta cần chung sức, đồng lòng từ địa phương đến Trung ương để nhanh chóng đưa Bệnh viện dã chiến số 4 đi vào hoạt động để chủ động các phương án ứng phó với diễn tiến khó lường của dịch COVID-19 như hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải tính toán kỹ để tránh tình trạng bệnh viện dã chiến xây dựng xong không được khai thác sử dụng, lãng phí nguồn lực", ông Trần Việt Trường nhấn mạnh.