Công văn nêu rõ, UBND tỉnh ghi nhận sự nỗ lực, cố gắng trong thời gian qua của các sở, ngành, địa phương trong thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch và đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, qua thực tế, có tình trạng một số cơ quan, đơn vị, địa phương và một bộ phận người dân chủ quan, lơ là trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Đây chính là nguyên nhân làm phát sinh nhiều ca F0, các ổ dịch mới trong cộng đồng.
Trong điều kiện năng lực y tế của tỉnh ở mức trung bình, tỷ lệ tiêm vaccine còn thấp, mầm bệnh trong cộng đồng vẫn còn và một số lượng lớn người dân di chuyển từ các địa phương có số mắc cao trở về tỉnh đã làm dịch bệnh bùng phát trở lại. Với mục tiêu phải kiểm soát cơ bản được dịch bệnh, không để số ca mắc mới gia tăng nhanh, lây lan trên diện rộng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tuấn Phong yêu cầu các địa phương căn cứ Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ, Quyết định số 2780/QĐ-UBND ngày 18/10/2021 của UBND tỉnh chủ động xây dựng, điều chỉnh phương án phòng, chống dịch; rà soát, tính toán cụ thể các cơ sở cách ly tập trung, cơ sở thu dung, điều trị, mua sắm trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế, tổ lấy mẫu xét nghiệm, trạm y tế lưu động, nhân lực phòng, chống dịch...
Các địa phương trong tỉnh tăng cường giám sát, xét nghiệm toàn bộ người về từ các địa bàn dịch cấp độ 3, 4; các trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh để phát hiện sớm, tổ chức cách ly, theo dõi sức khỏe phù hợp và xử lý kịp thời các ổ dịch COVID-19.
Đối với "vùng đỏ", các địa phương thực hiện phong tỏa hẹp khu vực có ca mắc, cần thiết thì phong tỏa tạm thời theo quy mô rộng hơn để thực hiện thần tốc xét nghiệm sàng lọc cộng đồng; tổ chức các chốt kiểm soát, giám sát chặt chẽ người/phương tiện ra vào vùng đỏ. Đối với "vùng cam", ngoài việc phong tỏa khu vực có ca mắc, những người có nguy cơ cao phải được giám sát chặt chẽ, thực hiện xét nghiệm theo quy định. Người từ vùng cam đến các vùng khác để giao dịch, làm việc bắt buộc phải cung cấp giấy xét nghiệm có kết quả âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ và khai báo y tế theo quy định.
Các cơ sở sản xuất, kinh doanh phải xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh đảm bảo an toàn phòng, chống dịch. Theo phân cấp, UBND các địa phương phải phê duyệt phương án sản xuất, kinh doanh; kiểm tra, giám sát, có phương án xét nghiệm định kỳ phù hợp theo từng cấp độ, báo cáo kết quả xét nghiệm về cơ sở y tế địa phương.
Ông Lê Tuấn Phong yêu cầu Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai việc xây dựng kế hoạch chuẩn bị nhân sự, cơ sở vật chất, tập huấn chuyên môn, kích hoạt và đưa vào hoạt động toàn bộ các điểm tiêm tại các trạm y tế xã, phường, để đẩy nhanh hơn nữa tốc độ tiêm vaccine. Sở Y tế rà soát, tiến hành kiểm tra việc nhập khẩu, mua bán, sử dụng các trang thiết bị, vật tư, phương tiện phòng, chống dịch, đặc biệt là các loại xét nghiệm chẩn đoán nhanh và xét nghiệm sinh học phân tử RT-PCR xác định COVID-19…
Những ngày gần đây, dịch COVID-19 tại Bình Thuận đang diễn biến phức tạp, số ca mắc mới đang có chiều hướng gia tăng. Ngày 29/10, Bình Thuận ghi nhận 68 ca mắc, trong đó có 45 ca trong cộng đồng. Tính từ 27/4 đến 29/10, toàn tỉnh có 5.135 ca mắc COVID-19. Một số địa phương có ca mắc cao như: thị xã La Gi (1.984 ca), thành phố Phan Thiết (1.801 ca), Hàm Thuận Bắc (419 ca)…