Những năm qua, Bộ đội Biên phòng Bình Phước đã tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể và các địa phương tham gia xây dựng, củng cố cơ sở chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân ở khu vực biên giới.
Bình Phước đã và đang triển khai quyết liệt, đồng bộ giải pháp công tác, đoàn kết chặt chẽ giữa chính quyền, đồng bào các dân tộc khu vực biên giới trong quản lý, bảo vệ vững chắc vùng biên với phương châm toàn dân, toàn diện, độc lập, tự chủ, tự cường.
Tỉnh đầu tiên hoàn thành phân giới cắm mốc
Bình Phước nằm ở miền Đông Nam Bộ, trong vùng trọng điểm kinh tế phía Nam, là cầu nối của vùng với Tây Nguyên và Campuchia; có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng an ninh. Tuyến biên giới dài gần 259km, có 4 cặp cửa khẩu, 1 lối mở và nhiều đường mòn qua lại biên giới. Khu vực biên giới gồm 15 xã biên giới thuộc 3 huyện (Lộc Ninh, Bù Đốp, Bù Gia Mập) với tổng số dân 34.524 hộ với 131.460 khẩu.
Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Phước, Đại tá Hoàng Văn Thành thông tin: Bộ đội Biên phòng Bình Phước đã đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào. Nổi bật là việc tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo phân giới, cắm mốc của tỉnh hoàn thành tốt nhiệm vụ phân giới, cắm mốc và là tỉnh đầu tiên trên tuyến biên giới Việt Nam – Campuchia hoàn thành nhiệm vụ phân giới, cắm mốc trên đất liền; bảo vệ tuyệt đối an toàn cho các đoàn Trung ương, địa phương tham gia hội đàm, triển khai phân giới, cắm mốc thực địa; hoàn thành đường tuần tra biên giới trên toàn tuyến.
Đơn vị tham mưu củng cố và tăng cường mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị, hợp tác với chính quyền, lực lượng vũ trang 3 tỉnh của Campuchia, đẩy mạnh công tác đối ngoại biên phòng, đối ngoại nhân dân, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Đồng thời phối hợp tốt với lực lượng vũ trang các tỉnh Campuchia trong thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới, đấu tranh phòng, chống tội phạm, phòng, chống dịch bệnh và tuần tra chung…
Với phương châm “mỗi người dân là một cột mốc sống”, những năm qua, Bộ đội Biên phòng Bình Phước đã phối hợp các địa phương phát huy hiệu quả vai trò của nhân dân trong việc cùng tham gia bảo vệ biên giới. Từ năm 2019 đến nay, Bình Phước có 33 tập thể, 208 hộ gia đình ký kết thực hiện phong trào bảo vệ đường biên, mốc giới quốc gia và giữ gìn trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới. Các tập thể, gia đình, cá nhân đã phối hợp Bộ đội Biên phòng, công an, quân sự tuần tra hơn 1.100 lần, cung cấp gần 2.600 tin an ninh trật tự. Tin báo của người dân đã giúp lực lượng chức năng xử lý kịp thời, hiệu quả các vụ việc, góp phần giữ vững tuyến biên giới, ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Mặt khác, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Phước triển khai tổ chức thực hiện xây dựng 3 khu dân cư chỉ đạo điểm về “Khu dân cư tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ an ninh biên giới” tại thôn 10, xã Đắk Ơ (huyện Bù Gia Mập); ấp Tân Bình, xã Tân Tiến (huyện Bù Đốp) và ấp Thạnh Phú, xã Lộc Thạnh (huyện Lộc Ninh).
Các khu dân cư đã thực hiện tốt việc tuần tra bảo vệ an ninh thôn, ấp và đấu tranh phòng, chống tội phạm. Người dân ở các khu dân cư đã thực hiện và chấp hành tốt quy định về quy chế biên giới; nêu cao tinh thần cảnh giác, đấu tranh phòng, chống tội phạm, ma túy, buôn lậu. Nhân dân luôn cảnh giác và đấu tranh với những hành vi xâm phạm biên giới quốc gia, phối hợp ngăn chặn những vụ việc buôn lậu qua biên giới.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền khẳng định, tỉnh xác định việc xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia là một nhiệm vụ trọng tâm, mang tính chiến lược lâu dài, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị.
Những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Phước đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo lực lượng vũ trang tỉnh, các sở, ban, ngành liên quan thực hiện có hiệu quả nghị quyết, chỉ thị, quy định của Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và của Tỉnh ủy về công tác đối ngoại; chỉ đạo các huyện, xã biên giới kết hợp chặt chẽ giữa công tác đối ngoại của cấp ủy, chính quyền địa phương với ngoại giao nhân dân.
Tỉnh thường xuyên tổ chức hội đàm, gặp gỡ trên biên giới, gửi thư trao đổi, liên lạc qua đường dây nóng, phối hợp tổ chức tuần tra song phương bảo vệ đường biên mốc quốc giới, xử lý các mốc quốc giới, các điểm, đoạn biên giới bị hư hỏng, sạt lở và phối hợp kiểm soát xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu qua cửa khẩu, lối mở. Tỉnh tăng cường trao đổi tình hình đấu tranh phòng, chống tội phạm xuyên biên giới, di cư tự do và các vấn đề an ninh phi truyền thống như thiên tai, dịch bệnh; tổ chức các hoạt động giao lưu, chúc mừng nhân các dịp lễ, Tết của mỗi bên và các hoạt động văn hóa, văn nghệ của nhân dân hai nước ở khu vực biên giới…
Nhờ vậy, tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh ở Bình Phước nói chung và khu vực biên giới đã khởi sắc. Các chính sách an sinh xã hội, chính sách dân tộc được thực thi hiệu quả. Hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở được củng cố kiện toàn; đời sống nhân dân từng bước được cải thiện, lòng tin với Đảng, Nhà nước ngày càng được củng cố, tăng cường. Quốc phòng – an ninh, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia được giữ vững.
Lá chắn thép trên vành đai biên giới
Bình Phước có chung biên giới với 7 xã thuộc 4 huyện của Campuchia, gồm huyện Ô Răng, Keo Si Ma (tỉnh Mondulkiri), huyện Snuôl (tỉnh Kratie), huyện Mê Mốt (tỉnh Tbong Khmum). Tình hình chính trị nội bộ của Campuchia ổn định nhưng vẫn phát sinh một số vấn đề đáng chú ý. Một số đảng đối lập với Đảng Nhân dân (CPP) câu kết, móc nối với các tổ chức xã hội dân sự lợi dụng vấn đề chủ quyền lãnh thổ, phân giới cắm mốc, dịch bệnh, người gốc Việt để tuyên truyền, xuyên tạc, kích động vấn đề biên giới, chia rẽ mối quan hệ đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Campuchia; bài xích, đẩy đuổi người Việt Nam, người gốc Việt đang sinh sống, làm việc tại Campuchia về nước.
Các thế lực thù địch, phản động lưu vong, tổ chức phi chính phủ, tổ chức xã hội dân sự tăng cường lợi dụng địa bàn các tỉnh Mondulkiri, Kratie để móc nối, cấu kết với các đối tượng phản động ngầm trong nước và biên giới tiến hành các hoạt động tuyên truyền, chống phá.
Tại khu vực biên giới của tỉnh vẫn tồn tại hoạt động truyền đạo trái pháp luật, khiếu kiện đất đai đông người vượt cấp, các hành vi vi phạm pháp luật; tệ nạn xã hội như: trộm cắp, cờ bạc, mua bán sử dụng ma túy... Bên cạnh đó, nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận nhân dân còn hạn chế, đời sống khó khăn... đã tác động, ảnh hưởng đến kết quả triển khai thực hiện nhiệm vụ quốc phòng – an ninh.
Theo Đại tá Hoàng Văn Thành, đơn vị đã phối hợp với các lực lượng chức năng nắm chắc tình hình, xử lý kịp thời, hiệu quả các vụ việc liên quan đến chủ quyền an ninh biên giới quốc gia. Đơn vị tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm, địa bàn trọng điểm, phức tạp; tổ chức tuần tra bảo vệ đường biên, mốc quốc giới; diễn tập cứu hộ, cứu nạn, diễn tập khu vực phòng thủ huyện, tỉnh; huấn luyện, tập huấn quân sự, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng – an ninh cho trưởng thôn, ấp, người có uy tín...
Sát cánh cùng lực lượng trinh sát trong tuần tra, phòng, chống tội phạm trên biên giới, Thượng úy Điểu Minh Luyến - Đội phó Đội vũ trang Đồn Biên phòng Cửa khẩu Hoàng Diệu luôn bám sát cơ sở, mục tiêu để bảo vệ vững chắc an ninh trật tự trên biên giới, nhất là trong dịp lễ, Tết, sự kiện chính trị quan trọng. Ngoài nhiệm vụ thường xuyên, dịp Tết, Đội vũ trang còn tăng cường tuần tra, kiểm soát bảo vệ đường biên, cột mốc, mật phục truy bắt tội phạm trên tuyến biên giới. Năm 2023, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Hoàng Diệu đã bắt, xử lý 13 vụ với 11 đối tượng, thu giữ trên 420 kg pháo nổ, 3.050 bao thuốc lá ngoại các loại, 7 xe máy...
Giai đoạn 2019 - 2024, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 981 vụ với 1.114 đối tượng; trong đó có nhiều chuyên án, vụ án lớn về ma túy, buôn lậu; phát hiện, xử lý 294 vụ với 433 đối tượng vi phạm quy chế biên giới.
Bộ đội Biên phòng tỉnh đã giới thiệu 100 cán bộ, đảng viên tham gia sinh hoạt tại 85 chi bộ thôn, ấp; lựa chọn, phân công 257 cán bộ, đảng viên phụ trách, giúp đỡ 931 hộ gia đình trên tuyến biên giới.
Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Phước cho biết, trong 5 năm qua, cán bộ, đảng viên Bộ đội Biên phòng tỉnh đã tham mưu bồi dưỡng, kết nạp được 591 đảng viên mới, củng cố 134 tổ chức cơ sở đảng, 223 tổ chức chính trị – xã hội khác ở 15 xã biên giới. Kết quả này khẳng định, đội ngũ cán bộ, đảng viên Bộ đội Biên phòng tỉnh tham gia xây dựng củng cố cơ sở chính trị đã góp phần nâng cao năng lực, sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức cơ sở đảng, góp phần xây dựng tiềm lực chính trị, quốc phòng, củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, quân đội, xây dựng thế trận lòng dân vững chắc.
Bài 2: Đồng hành phát triển kinh tế - xã hội