Cụ thể, trong ngày 28/6, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 32 ca dương tính COVID-19; trong đó có 26 ca ở khu cách ly, 6 ca ở khu vực phong tỏa. Đáng chú ý, các ca này liên quan đến chuỗi lây nhiễm Công ty Việt Nam House Wares (23 ca); Chi nhánh Xử lý chất thải Bình Dương (2 ca); Công ty Hiền Hòa Anh (3 ca) và khu nhà trọ số 36 Đức Tân, khu phố Bình Đường 1, phường An Bình, thành phố Dĩ An (4 ca).
Tính từ đợt dịch thứ 4, tỉnh Bình Dương ghi nhận 294 ca mắc COVID-19 chủ yếu ở thành phố Dĩ An, Thuận An, Thủ Dầu Một và thị xã Tân Uyên. Tỉnh đang cách ly tập trung 4.310 trường hợp F1 và hơn 10.600 trường hợp F2 đang được theo dõi sức khỏe.
Theo Giám đốc Sở Y tế Bình Dương Nguyễn Hồng Chương, riêng chuỗi lây nhiễm ở Công ty Việt Nam House Wares được phát hiện ngày 14/6 từ 2 bệnh nhân ban đầu tại ổ dịch Tân Phước Khánh, thị xã Tân Uyên đến nay đã lây cho 152 trường hợp; trong đó phần đông là công nhân, người lao động. Qua truy vết, xét nghiệm đã xuất hiện thêm các ca bệnh lây nhiễm mới tại 13 công ty và 8 khu nhà trọ khác có liên quan chuỗi lây nhiễm từ Công ty Việt Nam House Wares.
Trong các ổ dịch hiện nay, đáng ngại và có nguy cơ lan rộng là ổ dịch tại phường Tân Phước Khánh, thị xã Tân Uyên và Công ty Việt Nam House Wares (tại phường Bình Chuẩn, thành phố Thuận An). Do đặc điểm của Bình Dương là có rất nhiều nhà trọ đan xen với nhà máy ở trong và ngoài khu công nghiệp. Ca bệnh đã xâm nhập vào nhiều công ty, lây lan ra các khu nhà trọ công nhân và lây sang các công ty khác, rất khó kiểm soát. Các ca bệnh có thể tiếp tục tăng cao trong thời gian tới nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời.
Hiện số ca mắc hiện ở tỉnh Bình Dương tăng rất nhanh, từ cấp độ 2 nhanh chóng chuyển sang cấp độ 4 (trên 100 ca) và sắp chuyển qua cấp độ 5 (300 ca). Do đó, tỉnh đã nâng báo động lên mức cao nhất để tập trung biện pháp và nguồn lực kịp thời chống dịch.
Ngành y tế Bình Dương đang tập trung nguồn lực để khống chế ổ dịch tại Công ty Cổ Việt Nam House Wares và các doanh nghiệp có liên quan; triển khai mở rộng phạm vi lấy mẫu xét nghiệm tầm soát trong cộng đồng với năng lực khoảng 30.000 mẫu/ngày. Theo đó, ngành y tế tập trung nâng cao năng lực lấy mẫu xét nghiệm (từ 200 - 250 tổ lấy mẫu), mua sắm test kit, sinh phẩm xét nghiệm; thành lập 100 tổ kiểm tra giám sát, hướng dẫn công tác phòng, chống dịch tại các công ty, nhà máy, xí nghiệp.
Đồng thời, Bình Dương tăng cường truyền thông, nâng cao ý thức người dân và cộng đồng; xử lý nghiêm, đặc biệt xử lý hình sự các cá nhân, tổ chức vi phạm phòng, chống dịch làm dịch bệnh lây lan trong cộng đồng; triển khai tiêm 20.000 liều vaccine phòng COVID-19 được Bộ Y tế cấp.