Bão số 3: Bắc Ninh triển khai khẩn cấp phương án ứng phó

Bắc Ninh là địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp từ cơn bão số 3, tỉnh yêu cầu các địa phương, đơn vị triển khai khẩn cấp phương án ứng phó, tập trung cao độ phòng chống mưa lớn, ngập úng, lũ quét và sạt lở, bảo đảm an toàn cho người dân và cơ sở hạ tầng.

Chú thích ảnh
Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Văn Gấu kiểm tra công tác ứng phó với bão số 3 tại một số địa bàn trọng điểm. Ảnh: Đồng Thúy/TTXVN

Các địa phương chủ động ứng phó với bão

Ông Nguyễn Mạnh Hiếu, Chủ tịch UBND phường Kinh Bắc, tỉnh Bắc Ninh cho biết, phường Kinh Bắc có 13,5 km đê; trong đó, có 9,5 km đê cấp II hữu Sông Cầu và 4 km đê bối Đẩu Hàn, Quả Cảm. Nhằm chủ động ứng phó với bão số 3, Chủ tịch UBND phường phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, chuẩn bị vật tư, UBND phường triển khai phương án huy động các lực lượng xung kích, cơ động, kè cừ, hỏa tốc.

Cụ thể, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn phường đã chuẩn bị, tập kết đầy đủ các loại vật tư, phương tiện dự phòng tại các điếm canh, điểm xung yếu bao gồm: 700 m3 đá hộc, cát, sỏi; 10.000 bao tải; 200 cuốc, xẻng; 300 cây tre; 500 m2 bạt, dây thừng… Đồng thời, hợp đồng với các chủ phương tiện, xe cơ giới, tàu thuyền để huy động khi có tình huống.

Bên cạnh đó, nhằm xử lý các điểm ngập, úng, UBND phường chỉ đạo Công ty cổ phần Thoát nước và Xử lý nước thải Bắc Ninh tăng cường công nhân ứng trực tại các trạm bơm thoát nước đô thị, tổ chức khơi thông cống rãnh, cửa cống thu nước mặt, nâng cao khả năng tiêu thoát, phòng, chống ngập úng cục bộ đối với khu vực đô thị. Đòng thời yêu cầu Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi Bắc Ninh chủ động bơm tiêu nước đệm, khơi thông kênh mương nội đồng, vận hành kịp thời khi có mưa lớn gây ngập úng sản xuất nông nghiệp trên địa bàn phường.

Tại xã Hợp Thịnh, tỉnh Bắc Ninh nơi có nhiều thôn trải dài ven đê tả Cầu với nhiều điểm xung yếu, thời gian gần đây đã ghi nhận hàng loạt sự cố nghiêm trọng như: sạt lở bờ bãi sông tại thôn Bảo Tân, nứt đê bao tại thôn Xuân Giang và sạt lở núi Y Sơn ở thôn Thù Sơn. Trước những diễn biến phức tạp của thời tiết, chính quyền địa phương đang huy động tối đa nhân lực và phương tiện để tập trung cho công tác phòng, chống mưa bão nhằm bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của người dân.

Theo ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch UBND xã Hợp Thịnh, với phương châm bảo đảm tính mạng người dân là trên hết, trước hết, địa phương đã tổ chức rà soát, sẵn sàng phương án sơ tán những hộ dân ở khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, ngập sâu đến nơi an toàn; có phương án hỗ trợ chỗ ở tạm, lương thực, nhu yếu phẩm cho người dân phải sơ tán, bảo đảm ổn định đời sống cho người dân.

Ngay trong ngày 21/7, UBND xã đã hỗ trợ di dời toàn bộ con người, tài sản, vật nuôi… của 3 hộ gia đình ra khỏi khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn. Ngoài ra, xã cũng thông báo danh sách 9 hộ khác ở thôn Thù Sơn cần phải di dời do nằm trong khu vực bị ảnh hưởng bởi sự cố sạt trượt núi Y Sơn.

Sẵn sàng các phương án chống bão

Chú thích ảnh
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn kiểm tra công tác ứng phó với bão số 3 tại một số địa bàn trọng điểm. Ảnh: Đồng Thúy/TTXVN

Nhận định bão số 3 là cơn bão lớn, hoàn lưu mưa sau bão tác động rất mạnh, tỉnh Bắc Ninh sớm chủ động xây dựng, triển khai các phương án phòng, chống bão. Theo đó, trong 2 ngày 20-21/7, tỉnh Bắc Ninh đã tổ chức nhiều đoàn công tác do các đồng chí lãnh đạo tỉnh làm trưởng đoàn đi thăm, kiểm tra, giám sát, chỉ đạo công tác phòng chống lụt bão tại các địa phương trong tỉnh; trong đó có các điểm xung yếu nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản nhân dân.

Trực tiếp kiểm tra công tác triển khai ứng phó với bão số 3 tại các dự án trạm bơm tại một số địa bàn trọng điểm trong tỉnh ngày 21/7, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Văn Gấu đánh giá cao sự nỗ lực của các địa phương, đơn vị quản lý đã chủ động sửa chữa, nâng cấp, khắc phục kịp thời sự cố, bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, góp phần nâng cao khả năng phòng, chống thiên tai trong mùa mưa bão.

Đồng thời, yêu cầu các đơn vị cử người trực 24/24 giờ, sẵn sàng các phương án với tinh thần chủ động; đẩy mạnh tuyên truyền về tình hình mưa bão trên các phương tiện thông tin để cán bộ và nhân dân nắm được. Mặt khác, tích cực phối hợp với ngành điện bảo đảm cung ứng điện giúp trạm bơm hoạt động liên tục, không gián đoạn trong mùa mưa bão.

Nhấn mạnh, thời tiết, thiên tai tiếp tục có những diễn biến phức tạp, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương cần bám sát tình hình mưa bão, mực nước sông để tham mưu lãnh đạo tỉnh có chỉ đạo kịp thời. Cùng đó, chủ động triển khai các biện pháp bảo vệ hệ thống đê điều, trạm bơm trên địa bàn. Đồng thời tiếp tục rà soát, bổ sung phương án huy động lực lượng, phương tiện, sẵn sàng ứng phó với các tình huống, sự cố bất thường.

Kiểm tra các trạm bơm Cẩm Bào (xã Xuân Cẩm), Trúc Tay và Quang Biểu (phường Nếnh), Cống Bún (phường Bắc Giang), Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn cho biết: Qua kiểm tra, tại trạm bơm Cẩm Bào, khu vực đùn sủi đã được xử lý kịp thời, ổn định. Tuy nhiên, các máy móc, thiết bị qua nhiều năm vận hành đã xuống cấp. Về lâu dài, để bảo đảm công tác tưới, tiêu phục vụ cho công nghiệp, nông nghiệp và dân sinh cần nâng cấp, xây dựng trạm bơm mới thay thế trạm bơm cũ và làm lại cống qua đê.

Đối với các trạm bơm Cống Bún, Quang Biểu, Trúc Tay, trước đây nhiệm vụ thiết kế cho hệ thống các công trình đầu mối trạm bơm là tiêu thoát nước phục vụ cho phát triển nông nghiệp, tuy nhiên, hiện tại chưa đáp ứng được yêu cầu tiêu thoát nước cho lưu vực do lưu lượng thiết kế của trạm bơm hiện trạng thấp.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn yêu cầu các địa phương và đơn vị quản lý vận hành các công trình thủy lợi cần chủ động bơm tiêu thoát nước phòng, chống ngập úng trong các khu, cụm công nghiệp, đô thị trên địa bàn tỉnh và trong sản xuất nông nghiệp.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh yêu cầu các địa phương trong tỉnh Bắc Ninh thực hiện rà soát toàn bộ hệ thống các bến đò ngang trên địa bàn, kịp thời cắm biển dừng hoạt động khi cần thiết; tuyên truyền bà con nông dân rà soát các lồng bè nuôi trồng thủy hải sản, đảm bảo gia cố an toàn, tránh những rủi ro thất thoát không đáng có xảy ra…

Trước đó, trước diễn biến phức tạp của bão số 3 (bão Wipha), Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh vừa có văn bản yêu cầu Đảng ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh tập trung cao lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện kịp thời, hiệu quả trong công tác phòng, chống và ứng phó với cơn bão. Đồng thời, yêu cầu các đồng chí Bí thư Đảng ủy, phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường chịu trách nhiệm trước Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy nếu để xảy ra thiệt hại lớn về người và tài sản trên địa bàn do chủ quan, lơ là, chậm trễ trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai ứng phó với bão, lũ.

Thái Hùng (TTXVN)
Bão số 3: Người dân cần làm gì để phòng bệnh hiệu quả trong mùa mưa lũ?
Bão số 3: Người dân cần làm gì để phòng bệnh hiệu quả trong mùa mưa lũ?

Hằng năm, vào mùa mưa bão, bên cạnh những thiệt hại thấy rõ do bão lũ, sạt lở đất, thì một mối nguy âm thầm nhưng không kém phần nguy hiểm chính là nguy cơ bùng phát các dịch bệnh truyền nhiễm trong và sau mưa lũ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN