Xây dựng hạ tầng ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi - Bài cuối: Đã thiếu vốn, lại chậm giải ngân

Khi thi công các công trình ở vùng miền núi đã gặp khó khăn về vốn, song đến khi giải ngân, doanh nghiệp lại “vấp” phải nhiều rào cản.

Thiếu vốn

Ông Trần Thanh Lâm, Giám đốc Công ty Xây dựng Bình Lâm, một trong những doanh nghiệp tích cực tham gia thi công các công trình ở địa bàn vùng đặc biệt khó khăn, cho biết: Chính quyền địa phương có chính sách kêu gọi đầu tư, nhưng doanh nghiệp vẫn còn e dè khi tham gia công trình có vốn đầu tư từ ngân sách. Nguyên nhân chính là do thủ tục hành chính rườm rà, nhất là trong khâu thẩm định chất lượng công trình để giải ngân vốn. Trung bình mỗi công trình khi giải ngân phải mất từ 1 tháng trở lên, trong khi đó chủ đầu tư không thể ngừng công trình, nên muốn có tiền trả vật tư phải vay bên ngoài với lãi suất cao.


 

Nhiều công trình thi công phải cầm chừng để chờ vốn.

 

Thêm nữa, hiện nay công trình muốn được giải ngân thì khối lượng xây dựng phải đạt từ 30%, nên gây khó khăn cho doanh nghiệp khi xoay vòng vốn. Vì thế, các doanh nghiệp rất hy vọng Đảng, Nhà nước sẽ quan tâm hơn đến việc rút ngắn thời gian giải ngân vốn, cũng như hạ khối lượng công trình xuống còn khoảng 10% thì ứng vốn sẽ hợp lý hơn.


Còn ông Phan Văn Thông, Giám đốc Công ty Xây dựng Miền Tây (Nghệ An), cho rằng: Doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn do chủ trương đầu tư của Nhà nước thay đổi, trong lúc nguồn vốn vay từ ngân hàng lại nhỏ giọt. Không những vậy, ở một số công trình đã hoàn thiện, chủ đầu tư lại chậm giải ngân vốn cho đơn vị thi công. Ông Thông cho biết: “Công ty tôi thi công trường mầm non của xã Tân An, huyện Tân Kỳ (Nghệ An), đã bàn giao cho chủ đầu tư gần 10 năm nay. Nhưng hiện công ty vẫn chưa được thanh quyết toán. Chúng tôi đem vấn đề này hỏi huyện thì huyện đẩy về xã, gặp xã thì lại được đề nghị lên làm việc với huyện”.


Cũng liên quan đến vấn đề vốn, các doanh nghiệp đều thống nhất ý kiến khi nhận định, nguồn vốn đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng ở vùng miền núi, dân tộc còn quá nhỏ lẻ (dao động từ 200 triệu đồng đến 1,4 tỷ đồng/công trình - PV). Trong khi đó, để thi công ở những địa bàn này, chi phí vận chuyển nguyên vật liệu đã chiếm tỷ lệ khá cao.


Điều đáng nói là từ trước tới nay, hầu hết doanh nghiệp tham gia thi công các công trình hạ tầng ở vùng khó khăn, vùng dân tộc, miền núi chủ yếu là những doanh nghiệp vừa và nhỏ, rất ít xuất hiện các “ông lớn”. Do “nội lực” yếu nên khi công trình bị cắt, giảm nguồn vốn, hầu hết các doanh nghiệp này đều điêu đứng vì vốn ứng, vốn vay đã đầu tư vào nguyên vật liệu, thiết bị để xây dựng công trình nên cho “đắp chiếu”.


Nới lỏng để doanh nghiệp “dễ thở”


Ông Phạm Thành Tươi, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, nhìn nhận: Do những khó khăn chung nên 6 tháng đầu năm 2013, địa phương mới giải ngân đạt 29,1% tổng kế hoạch vốn cho các công trình hạ tầng trên toàn địa bàn. Để gỡ khó cho doanh nghiệp, vừa qua, lãnh đạo tỉnh đã có buổi làm việc với Tổng giám đốc Ngân hàng Phát triển Việt Nam, kiến nghị tăng cường nguồn vốn tín dụng nhà nước hỗ trợ các doanh nghiệp đang và sẽ đầu tư vào vùng khó khăn, vùng DTTS.


Theo nhận định của các doanh nghiệp và lãnh đạo chính quyền địa phương thì khó khăn chung nhất hiện nay trong việc đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng ở vùng dân tộc và miền núi, vùng ĐBKK là vốn. Trong khi đó, hầu hết những doanh nghiệp nhận thi công các công trình này đều là doanh nghiệp vừa và nhỏ, không có nguồn lưu động. Câu hỏi đặt ra ở đây là, ngoài cơ chế hỗ trợ về vốn thì làm thế nào để thu hút những doanh nghiệp có tiềm lực “nhập cuộc” trong việc tham gia xây dựng hạ tầng cơ sở ở vùng dân tộc và miền núi, vùng ĐBKK?


Về vấn đề này, ông Hồ Phước Thành, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Gia Lai, cho rằng, cần “nới lỏng” các điều kiện bắt buộc để doanh nghiệp “dễ thở” hơn khi đầu tư, xây dựng ở những vùng ĐBKK. Riêng tại tỉnh Gia Lai, để thu hút các doanh nghiệp lớn, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các sở, ngành và các huyện tập trung cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động cấp giấy chứng nhận đầu tư, giải phóng mặt bằng, tạo mọi điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư, doanh nghiệp triển khai thực hiện dự án nhanh chóng, hiệu quả.


Thu hút các doanh nghiệp có tiềm lực đầu tư vào vùng dân tộc và miền núi, vùng ĐBKK vốn là vấn đề không mới. Những công trình hạ tầng vùng miền núi, dân tộc, vùng ĐBKK, hiện vẫn mới chỉ là “đất diễn” của các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Chính vì điều này nên tình trạng thiếu vốn, công trình “đắp chiếu” sẽ vẫn luôn là “bài ca” muôn thuở.

 

Nhóm PV

Xây dựng hạ tầng ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi
Xây dựng hạ tầng ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Xây dựng các công trình hạ tầng cơ sở làm nền tảng để phát triển kinh tế - xã hội là nội dung trọng tâm trong nhiều chính sách đầu tư, hỗ trợ vùng dân tộc, miền núi. Tuy nhiên, nhiều yếu tố khách quan cũng như chủ quan đang cản trở việc thi công các công trình ở khu vực này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN