Người Cờ Lao giữ gìn bản sắc văn hóa

Dưới chân đỉnh Tây Côn Lĩnh, người Cờ Lao ở xã Túng Sán, huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang), dù cuộc sống nhiều thay đổi, vẫn giữ được bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

Nét riêng không phai mờ

Đến các làng bản người Cờ Lao ở Túng Sán, điều chúng tôi cảm nhận được đầu tiên là kiến trúc nhà ở. Toàn bản làng Cờ Lao không có một ngôi nhà xây hoặc làm theo các kiến trúc khác mà là những ngôi nhà bằng gỗ. Đó là kiểu nhà gỗ ba gian. Hai gian hai bên thường có gác xép dùng để cất giữ lương thực. Vách tường làm bằng gỗ. Trước đây, mái nhà của người Cờ Lao lợp bằng những máng nứa theo kiểu lợp ngói âm dương. Nay họ lợp bằng ngói hoặc prôximăng.

Người Cờ Lao vẫn giữ được những nếp nhà truyền thống.

Nhà ông Min Phà Dù (thôn Phìn Sư) nằm bên bờ suối, giữa bốn bề là ruộng bậc thang. Ngôi nhà mới vừa được hoàn thành cạnh ngôi nhà cũ. Giới thiệu ngôi nhà mới, ông Dù bảo: “Khi làm nhà mới gia đình được nhà nước hỗ trợ 8,4 triệu, nếu vay mượn thêm tôi vẫn có thể xây được nhà kiên cố. Tuy nhiên, tôi vẫn dựng ngôi nhà gỗ với nét truyền thống đặc trưng của đồng bào mình”.


Theo chân ông Min Sử Sảng, Bí thư Chi bộ thôn Phìn Sư, đi thăm bản làng Cờ Lao, có thể thấy, cuộc sống hiện đại nhưng người Cờ Lao vẫn giữ được kiến trúc nhà ở đặc trưng. Bên cạnh đó, mặc dù trang phục đã ít nhiều mai một, nhưng phụ nữ Cờ Lao vẫn coi trọng trang phục dân tộc mình. Ngày thường phụ nữ Cờ Lao ít khi mặc trang phục truyền thống bởi, trang phục của phụ nữ Cờ Lao hơi rườm rà mà đặc trưng trong lao động sản xuất của họ là làm nương rẫy và trồng chè, thu hoạch chè cổ thụ trên sườn núi nên không tiện mặc.


Đang mặc bộ trang phục quần âu, áo sơ mi, thấy chúng tôi đến chơi, chị Tráng Thị Hạnh, thôn Phìn Sư đi thay ngay bộ trang phục truyền thống. Chị Hạnh bảo, đó là trang phục của phụ nữ Cờ Lao. “Những ngày trọng đại, dịp lễ tết hay đi chơi thì tôi mới mặc trang phục dân tộc. Tôi thấy trang phục dân tộc mình là đẹp nhất”. Theo chị Hạnh, trước đây, phụ nữ Cờ Lao mặc váy nhưng hiện nay  đa số phụ nữ Cờ Lao mặc quần, kết hợp với áo dài. Áo của phụ nữ Cờ Lao là loại áo dài xẻ tà, cổ đứng, cài cúc bên nách phải. Áo may dài quá đầu gối, trang trí những khoanh vải nhiều màu ở ống tay và phần trên của ngực áo. Phụ nữ Cờ Lao đội khăn vuông rộng khoảng 40cm, khi đội khăn được gấp đôi quấn quanh đầu.

Phụ nữ Cờ Lao trong trang phục truyền thống.

Theo ông Đàm Đức Phương, Chủ tịch UBND xã Túng Sán, người Cờ Lao vẫn luôn ý thức giữ gìn nét văn hóa riêng. “Tuy nhiên điều chúng tôi trăn trở là hiện nay, ngôn ngữ của người Cờ Lao đã bị mai một nhiều. Mặc dù vẫn có ngôn ngữ riêng nhưng ít nhiều đã bị Hán hóa. Trang phục của phụ nữ Cờ Lao cũng ít nhiều pha trộn theo người Hán. Trang phục, ngôn ngữ của dân tộc Cờ Lao cần được các nhà nghiên cứu quan tâm, tìm hiểu một cách bài bản, hệ thống”…


Chúng tôi đến Túng Sán đúng vào ngày xã đang chuẩn bị tổ chức Đại hội thể thao. Anh Đinh Văn Trình, cán bộ văn hóa xã đang tất bật lo toan cho Đại hội. “Xã Túng Sán tổ chức Đại hội thể thao hai năm một lần nhằm giữ gìn nhưng môn thể thao truyền thống của dân tộc. Năm nào, người Cờ Lao cũng đăng ký tham gia rất đông. Trên các bản làng Cờ Lao, họ vẫn giữ gìn các môn thể thao truyền thống như: Đánh yến, đánh cù, đẩy gậy, đu quay… Bên cạnh đó, nếp sống văn hóa, văn minh đang khởi sắc trên các bản làng Cờ Lao”, anh Trình chia sẻ.


Hương ước cho cuộc sống mới


Ông Phàn Văn Củi, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Túng Sán cho biết, Hiện nay, việc thực hiện nếp sống văn hóa mới được người Cờ Lao tuân thủ theo quy định chung của xã và tại các thôn họ cũng đưa vào hương ước bản làng với việc nêu tên, phê bình trước thôn, bản và xử phạt rất nghiêm như: Nếu thách cưới quá lớn phạt 2 triệu đồng và phải thu lại toàn bộ đồ thách cưới, đồng thời, đề nghị cấp trên giải quyết. Cưới cận huyết hay anh em họ hàng lấy nhau chưa quá 5 đời bị phạt 1,5 triệu đồng. Nếu tảo hôn, khi đó người giúp xem ngày cưới, người làm chủ hôn đều bị xử phạt, bố mẹ hai bên gia đình bị phạt 2 triệu đồng…


Bên cạnh đó, việc sinh con thứ 4 đối với người Cờ Lao sẽ bị phạt 1,5 triệu đồng, sinh con thứ 5 phạt gấp đôi… Hay quy định nếu buộc gia súc dưới gầm sàn, sát vách nhà từ 5 ngày trở lên không xét gia đình văn hóa đồng thời cũng bị phạt tiền… Bên cạnh đó, hương ước còn quy định rất rõ việc bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường giữ gìn các công trình công cộng…

Đồng bào Cờ Lao thu hái chè cổ thụ dưới chân đỉnh Tây Côn Lĩnh.

Tại thôn Phìn Sư, thôn có gần 100% là đồng bào Cờ Lao sinh sống, hương ước của thôn còn quy định việc làm ô nhiễm nước đầu nguồn nhà khác; không có nhà vệ sinh; đổ, vứt rác không đúng nơi quy định cũng bị phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng. Còn đối với thôn Tả Chải (cũng 100% là đồng bào Cờ Lao), hương ước còn quy định: trộm cắp vặt từ gà, vịt, dê, lợn.. thì phạt tiền từ 1 - 3 triệu đồng/lần và phải trả gấp đôi số tài sản bị trộm cho chủ nhà, người phát hiện được hưởng 50% số tiền bị phạt…


Chị Cáo Díu Chợ - người Cờ Lao duy nhất tham gia vào cấp chính quyền ở Túng Sán cho biết: “Đồng bào Cờ Lao ở Túng Sán vẫn giữ được phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc mình. Hương ước bản làng đã giúp đồng bào Cờ Lao ngày càng có cuộc sống văn hóa mới”.


Bài và ảnh: Minh Phúc (Báo Tin tức)
Con chữ soi sáng bản làng chân núi Tây Côn Lĩnh
Con chữ soi sáng bản làng chân núi Tây Côn Lĩnh

Trẻ em người dân tộc Cờ Lao đến tuổi đi học đều được đến trường. Con chữ đang sáng lối đi trên những bản làng dân tộc Cờ Lao ở chân núi Tây Côn Lĩnh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN