Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe chuyên gia chia sẻ và cùng trao đổi, thảo luận nội dung liên quan đến việc nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm chuyển đổi số của lãnh đạo, phổ biến kiến thức về công nghệ số, nền tảng số, dữ liệu số cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động...
Phát biểu tại buổi tập huấn, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Đà Nẵng Nguyễn Quang Thanh cho biết, từ năm 2010, thành phố đã xác định công nghệ thông tin tập trung là một trong ba đột phá chiến lược phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Thành phố đã ban hành các chủ trương, chính sách quan trọng làm nền tảng để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh và bước đầu chuyển dịch theo hướng chuyển đổi số.
Đặc biệt, UBND thành phố có Quyết định số 2870/QĐ-UBND ngày 28/8/2021 về việc ban hành “Đề án Chuyển đổi số trên địa bàn thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Đề án này đặt ra cách tiếp cận chuyển đổi số của thành phố cũng như các hiện trạng liên quan đến chuyển đổi số tại Đà Nẵng.
Theo ông Thanh, chuyển đổi số mang lại cơ hội, đồng thời đặt ra nhiều thách thức, tác động làm thay đổi hoạt động chỉ đạo, điều hành quản lý của cấp ủy, chính quyền các cấp, của doanh nghiệp.
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Quang Thanh cho rằng, chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, làm việc, phương thức sản xuất dựa trên công nghệ số. Chuyển đổi số bắt đầu từ những đột phá công nghệ số nhưng chuyển đổi số không chỉ là công nghệ số mà quan trọng hơn đó là việc chấp nhận cái mới. Do đó, chuyển đổi số là cuộc cách mạng về tư duy, nhận thức thể chế, chính sách nhiều hơn là một cuộc cách mạng mạnh về công nghệ.
Thừa hưởng những nền tảng có sẵn như thành phố thông minh, chính quyền điện tử…Đà Nẵng có nhiều thế mạnh để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số được bứt tốc.
Đợt dịch vừa qua, thành phố đã đưa vào sử dụng ứng dụng bản đồ COVID-19, biểu đồ số liệu COVID-19; thẻ đi chợ; khai báo y tế điện tử, quét mã QRcode… những ứng dụng này có ý nghĩa thiết thực, góp phần rất lớn trong việc đẩy lùi dịch bệnh.
Ngoài ra, thành phố nhanh chóng ứng dụng chuyển đổi số trong các lĩnh vực: Triển khai hoạt động trực tuyến (như dạy và học); sử dụng phần mềm quản lý bệnh viện điện tử và công nghệ để hỗ trợ công tác quản lý khám, chữa bệnh, điều trị nội trú, ngoại trú, thanh toán viện phí, bảo hiểm y tế...
Theo báo cáo của Sở Thông tin và Truyền thông, Đà Nẵng có tỷ lệ người sử dụng điện thoại di động đứng đầu cả nước (276 máy/100 dân), 99,8% hộ gia đình có kết nối Internet, 99,4% người dân tiếp cận, sử dụng Internet, 100% trường học các cấp đã kết nối Internet băng rộng và sử dụng phần mềm quản lý trường học.
Đà Nẵng cũng là địa phương có hạ tầng kỹ thuật số hiện đại, có trạm cáp quang cập bờ là trạm truyền dẫn quốc tế quan trọng của mạng viễn thông quốc gia, bao gồm 2 tuyến cáp SMW3 và APG, với tổng dung lượng rất lớn. Hạ tầng viễn thông công cộng có kết nối nội mạng tốc độ cao.
Thành phố đã hoàn thành phủ sóng mạng 3G, 4G, Internet băng rộng cố định; đầu tư xây dựng mạng viễn thông dùng riêng (mạng MAN) với tổng chiều dài 350km cáp quang ngầm, kết nối 145 cơ quan, đơn vị băng thông kết nối mạng trục lên đến 40Gbps. Hệ thống wifi công cộng có 430 trạm thu phát sóng (AP) chuyên dụng của thành phố, khoảng 1.000 trạm của doanh nghiệp phủ sóng tại tất cả sở, ban, ngành, quận, huyện, xã, phường, khu vực trung tâm, địa điểm du lịch, khu vực công cộng tạo điều kiện cho tổ chức, công dân, du khách có thể kết nối, sử dụng dịch vụ của cơ quan nhà nước và kết nối ra mạng Internet.
Trung tâm dữ liệu thành phố có dung lượng bảo đảm năng lực tính toán và dung lượng lưu trữ phục vụ xây dựng chính quyền đô thị và đang được nâng cấp, mở rộng để triển khai các ứng dụng thành phố thông minh…
Mới đây, Đà Nẵng được xếp hạng nhất về chuyển đổi số năm 2020 cấp tỉnh, thành phố; giữ vị trí dẫn đầu ở cả 3 trụ cột chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, với giá trị 0,4874.
Những điểm nổi bật của thành phố trong chuyển đổi số gồm: Đề án chuyển đổi số thành phố Đà Nẵng đứng nhất 12 năm liên tiếp về chỉ số ICT trong các tỉnh, thành phố, đoạt Giải thưởng ASOCIO smart city 2019; triển khai cổng dữ liệu mở để cung cấp dữ liệu, công khai thông tin cho người dân, doanh nghiệp; thành lập trung tâm giám sát với 200 camera giao thông thông minh, 1.800 camera an ninh chuyên dụng, 34.500 camera giám sát huy động từ người dân, doanh nghiệp... 100% đơn vị y tế triển khai ứng dụng y tế điện tử trên nền tảng chung; 98% người dân, doanh nghiệp hài lòng khi sử dụng ứng dụng và tiện ích trên môi trường số.