Ninh Thuận: Đẩy mạnh chuyển đổi số, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội

Tỉnh ủy Ninh Thuận vừa ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về chuyển đổi số tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Đây là bước cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, góp phần tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh. 

Chú thích ảnh
 Người dân đến thực hiện các thủ tục hành chính tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Ninh Thuận.

Theo đó, Ninh Thuận sẽ thực hiện chuyển đổi số trên ba trụ cột là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, nhằm đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền số, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân trên môi trường số. 

Một trong những mục tiêu trọng điểm là đến năm 2025, Ninh Thuận phát triển chính quyền số với 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động để phục vụ người dân, doanh nghiệp nhanh chóng, chính xác; 90% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, 80% hồ sơ công việc ở cấp huyện và 60% hồ sơ công việc ở cấp xã được xử lý trên môi trường mạng; tỷ lệ hài lòng của người dân với chính quyền số đạt 95%. Kinh tế số chiếm 20% GRDP của tỉnh, Ninh Thuận phấn đấu thuộc nhóm 15 tỉnh dẫn đầu cả nước về phát triển chính quyền số cấp tỉnh. 

Đến năm 2030, Ninh Thuận phấn đấu đạt 100% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, 95% công việc hồ sơ ở cấp huyện và 80% hồ sơ công việc ở cấp xã được xử lý trên môi trường mạng; tỉnh phổ cập dịch vụ mạng di động 5G; tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử đạt trên 80%; kinh tế số chiếm 30% GRDP của tỉnh; tỷ lệ hài lòng của người dân với chính quyền số đạt 98%. Ninh Thuận xây dựng thành công đô thị thông minh tại thành phố Phan Rang - Tháp Chàm và phấn đấu thuộc nhóm 10 tỉnh dẫn đầu cả nước về phát triển chính quyền số. 

Tỉnh ủy Ninh Thuận cũng xác định 9 lĩnh vực cần ưu tiên thực hiện chuyển đổi số gồm: Y tế, giáo dục, tài chính - ngân hàng, nông nghiệp, giao thông vận tải và logistics, thương mại điện tử - năng lượng, tài nguyên môi trường, doanh nghiệp - công nghiệp và du lịch.

Để đạt mục tiêu đề ra, tỉnh Ninh Thuận tập trung huy động các nguồn lực triển khai thực hiện các nhóm giải pháp chính bao gồm: Tăng cường tuyên truyền về chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ số trong đời sống, sản xuất, thương mại và thực thi công vụ; xây dựng cơ chế, chính sách và phát triển nguồn nhân lực thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của tỉnh; phát triển hạ tầng số, phát triển dữ liệu số, phát triển nền tảng số đảm bảo hạ tầng kỹ thuật an toàn, an ninh thông tin trên không gian mạng. 

Tỉnh tập trung phát triển chính quyền điện tử; thúc đẩy ứng dụng công nghệ số vào tổ chức quản lý, hoạt động của nền kinh tế địa phương; đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi số trong các doanh nghiệp để nâng cao năng lực cạnh tranh; xây dựng và ban hành các chính sách ưu đãi để thúc đẩy phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp ứng dụng công nghệ số, đổi mới sáng tạo; khuyến khích, thu hút thu hút các doanh nghiệp công nghệ số đầu tư phát triển tại tỉnh và thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số trong xã hội. 

Theo Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận Nguyễn Đức Thanh, chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng cả trước mắt và lâu dài; phải kiên quyết, kiên trì trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chuyển đổi số, phát triển kinh tế số và xã hội số. Đây là nhiệm vụ quan trọng cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là người đứng đầu, hành động đồng bộ ở các cấp và sự tích cực tham gia của tổ chức, doanh nghiệp và người dân là yếu tố đảm bảo sự thành công của chuyển đổi số.

Đối với nhiệm vụ này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Thuận đề nghị các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền các cấp quán triệt, triển khai các chủ trương, nghị quyết của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và của Tỉnh ủy về chuyển đổi số; xác định rõ nội dung, nhiệm vụ về chuyển đổi số đối với tổ chức, ngành, lĩnh vực và từng cấp địa phương. UBND tỉnh hoàn thiện và triển khai Đề án chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh và các đề án, chương trình, kế hoạch tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đồng thời, tỉnh xây dựng cơ chế, chính sách tạo môi trường thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số; vận động nhân dân tích cực hưởng ứng công cuộc chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh. 

Thời gian qua, tỉnh Ninh Thuận đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai chính quyền điện tử, kinh tế số và xã hội số. Tỉnh đã kết nối hệ thống và tổ chức hội nghị truyền hình trực tiếp liên thông 4 cấp từ Trung ương, tỉnh, huyện, xã; thành lập và đưa vào hoạt động Trung tâm giám sát an toàn, an ninh mạng (SOC) và điều hành đô thị thông minh (IOC) đảm bảo yêu cầu về bảo mật và an toàn thông tin. Ninh Thuận vận hành hiệu quả Trung tâm phục vụ hành chính công.

Đến nay, tỉnh đã công bố 1.404 thủ tục hành chính cấp tỉnh, trong đó có 1.301 thủ tục hành chính được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, có 862 thủ tục hành chính được tích hợp trên cổng dịch vụ công quốc gia, đạt 100% theo yêu cầu của Chính phủ. Chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (ITC) của Ninh Thuận trong những năm qua luôn ở thứ hạng cao của cả nước (năm 2020 xếp hạng 10/63 tỉnh, thành). Tỉnh Ninh Thuận cũng đã ký kết hợp tác với Tập đoàn FPT về chuyển đổi số của tỉnh giai đoạn 2021-2025, tạo điều kiện để thúc đẩy chuyển đổi số trên địa bàn.

Bài và ảnh: Nguyễn Thành (TTXVN)
Đẩy mạnh chuyển đổi số, liên thông dữ liệu số quốc gia về di sản văn hóa
Đẩy mạnh chuyển đổi số, liên thông dữ liệu số quốc gia về di sản văn hóa

Ngày 2/12, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam ký Quyết định số 2026/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình số hóa Di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2030.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN