Theo dự báo, năm 2023, địa bàn thành phố, nguy cơ về cháy rừng rất cao do cường độ nắng nóng gay gắt hơn trung bình các năm, đồng thời nhiều cây bị gãy đổ bởi bão lũ năm 2022 tạo thành vật liệu dễ cháy trong những khu rừng.
Để ứng phó với nguy cơ trên, theo bà Vũ Thị Bích Hậu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đà Nẵng, Sở sẽ bám sát mục tiêu “phát hiện sớm các điểm phát lửa, chữa cháy kịp thời và hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra”. Sở phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai hiệu quả Kế hoạch thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy rừng năm 2023. Đơn vị tiếp tục tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về phòng cháy, chữa cháy rừng đến cộng đồng dân cư sống gần rừng; xử lý nghiêm hành vi vi phạm để răn đe, phòng ngừa cháy rừng…
Để thực hiện Chiến lược phát triển lâm nghiệp năm 2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục bảo vệ và phát triển bền vững đối với diện tích rừng hiện có; hoàn thành điều chỉnh quy hoạch ba loại rừng; phấn đấu giảm 10% diện tích rừng bị thiệt hại, số vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp so với năm 2022. Sở tiếp tục vận động, hỗ trợ trồng và chuyển đổi rừng trồng gỗ lớn; triển khai mục tiêu trồng trên 5 triệu cây xanh trong đề án Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025…
Theo Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm thành phố Đà Nẵng Phan Thế Dũng, tác nhân gây cháy rừng chủ yếu do con người. Nhiều vụ cháy rừng xảy ra do người dân đốt thực bì gây cháy lan. Lực lượng Kiểm lâm thường xuyên khuyến cáo tổ chức, cá nhân không được xử lý thực bì bằng phương pháp đốt. Thời gian tới, Chi cục Kiểm lâm sẽ tham mưu các cấp chính quyền địa phương hỗ trợ kinh phí cho hộ trồng rừng để xử lý thực bì đúng theo quy định; đồng thời xử lý nghiêm trường hợp đốt thực bì sai quy định, gây cháy rừng.
Ông Nguyễn Phú Ban, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Đà Nẵng cho rằng, để phát huy hiệu quả công tác bảo vệ, phát triển rừng, cần xem xét chính sách hỗ trợ đối với lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách địa bàn, đảm bảo để họ an tâm thực hiện nhiệm vụ. Sở kiến nghị UBND thành phố xem xét, bố trí thêm nguồn kinh phí mua sắm trang thiết bị phục vụ bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng.
Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu Trần Công Nguyên cho biết, địa bàn quận có khu vực rừng Nam Hải Vân. Quận phối hợp với lực lượng Kiểm lâm khảo sát, rà soát đối tượng được giao khoán đất rừng trước đây để quản lý hiệu quả diện tích đã giao khoán. Hiện nay, tuyến đường đèo Hải Vân đang thu hút nhiều du khách tới tham quan, ngắm cảnh. Quận đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trồng thêm cây gỗ lớn trên tuyến này để tạo cảnh quan. Qua đợt mưa lũ lớn cuối năm 2022, địa bàn quận xảy ra sạt lở lớn tại các vùng đồi núi, gây lũ quét xuống các tuyến đường. Vì vậy, thành phố cần tích cực chuyển đổi rừng trồng từ gây gỗ nhỏ sang cây gỗ lớn để giữ đất, thích ứng với thiên tai.
Năm 2023, thành phố Đà Nẵng sẽ tăng cường phối hợp liên ngành trong quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng; phối hợp, trao đổi kinh nghiệm với hai địa phương có rừng lớn giáp ranh Đà Nẵng là Quảng Nam, Thừa Thiên Huế. Thành phố sẽ xây dựng ổn định hệ thống rừng đặc dụng của thành phố gồm: Khu Bảo tồn thiên nhiên Bà Nà - Núi Chúa; Khu Bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà; Khu bảo vệ cảnh quan Nam Hải Vân sau khi có kết quả rà soát điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng giai đoạn 2021 - 2025.
Hiện nay, tổng diện tích rừng trên địa bàn thành phố là hơn 63.044 ha; trong đó rừng tự nhiên hơn 43.125 ha, rừng trồng hơn 19.918 ha. Tỷ lệ che phủ rừng tương ứng là 45,5%.
Năm 2022, địa bàn thành phố xảy ra một vụ phát lửa gây cháy rừng (0,074 ha rừng trồng Keo và 0,695 ha thực bì) và 3 vụ cháy thực bì, không gây thiệt hại về rừng. Lực lượng chức năng đã xử phạt vi phạm hành chính một vụ vi phạm công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (phạt tiền 5 triệu đồng) và 9 vụ đốt thực bì không đúng quy định (phạt tiền tổng cộng 15 triệu đồng).