Đà Nẵng nỗ lực phục hồi kinh tế - xã hội

Sáng 12/10, Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Đà Nẵng đã được tổ chức để đánh giá tình hình các mặt công tác 9 tháng đầu năm, bàn phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm quý IV/2021 và quán triệt một số văn bản mới của Trung ương.

Chú thích ảnh
 Quang cảnh Hội nghị. 

Hội nghị tổ chức theo hình thức trực tuyến, diễn ra trong một ngày. Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng chủ trì Hội nghị.

Tại Hội nghị, các đại biểu thảo luận, cho ý kiến về các vấn đề quan trọng như: dự thảo Đề án phân cấp, ủy quyền quản lý nhà nước gắn với mô hình chính quyền đô thị trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2026; Quy chế sửa đổi, bổ sung Quy chế làm việc của Ủy ban Kiểm tra Thành ủy khóa XXII, nhiệm kỳ 2020-2025; Kế hoạch phục hồi kinh tế - xã hội trong điều kiện thích ứng, an toàn, linh hoạt với dịch COVID-19... để đánh giá các hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, đề xuất những giải pháp phù hợp, phấn đấu đạt mức tăng trưởng tốt nhất và thu ngân sách ở mức cao nhất...

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết cho biết: Trong quý IV, thành phố khẩn trương ban hành, triển khai hiệu quả Kế hoạch phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế - xã hội trong điều kiện thích ứng, an toàn, linh hoạt với dịch COVID-19, phấn đấu đạt kết quả tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách năm 2021 ở mức cao nhất. Thành phố tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả chủ đề năm 2021 là Năm khôi phục tăng trưởng và đẩy mạnh phát triển kinh tế; các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động đảm bảo hiệu quả, khả thi; chỉ đạo xử lý các “điểm nghẽn” trong thủ tục đầu tư, quy hoạch, đất đai, xây dựng, công tác giải tỏa đền bù; chuẩn bị điều kiện sẵn sàng để khôi phục hoạt động du lịch, trước mắt là du lịch nội địa. Đồng thời,  thành phố tiếp tục triển khai có hiệu quả Kế hoạch số 111/KH-UBND về triển khai Quyết định số 359/QĐ-TTg về điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tập trung xây dựng, đảm bảo chất lượng Quy hoạch thành phố giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050...

Chỉ đạo tại Hội nghị, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng nhấn mạnh: Tình hình dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến rất phức tạp, khó lường, tác động lớn đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và các mặt kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân, phát sinh nhiều nguy cơ liên quan đến các vấn đề về quốc phòng, an ninh, trật tự xã hội. Do đó, những tháng cuối năm 2021, toàn thể Đảng bộ cần tiếp tục chung sức, chung lòng, nỗ lực cùng nhau vượt qua khó khăn, từng bước chuyển trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, phấn đấu hoàn thành đạt mức cao nhất các chỉ tiêu, mục tiêu đề ra từ đầu năm. 

Bí thư Thành ủy cho rằng, trước mắt, cần lựa chọn các công trình, dự án trọng điểm có khả năng khởi công trong năm 2022 để tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh các trình tự thủ tục, xác định rõ lộ trình thực hiện như: Dự án Cảng Liên Chiểu, Dự án Làng Vân, 3 khu công nghiệp và khu công nghiệp phụ trợ khu công nghệ cao. Sở Du lịch và UBND thành phố cần triển khai nhanh, sớm việc thí điểm tổ chức mô hình “bong bóng du lịch” trên địa bàn thành phố từ đầu tháng 12/2021; chuẩn bị công tác đăng cai sự kiện Diễn đàn phát triển đường bay châu Á (Routes Asia) năm 2022.

Theo báo cáo, trong 9 tháng của năm 2021, thành phố Đà Nẵng đã thực hiện mục tiêu vừa phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, vừa đẩy mạnh thu hút đầu tư, khôi phục tăng trưởng kinh tế. Thành ủy đẩy mạnh thực hiện Đề án cải cách hành chính trong các cơ quan Đảng thành phố giai đoạn 2021-2025; đổi mới phương thức lãnh đạo, điều hành, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, các hình thức trực tuyến trong xử lý công việc, hội họp. Cấp ủy các cấp đã kiểm tra 191 tổ chức Đảng (tăng 107,6% so với cùng kỳ) và 982 đảng viên (tăng 141,8%); giám sát đối với 76 tổ chức Đảng (giảm 40,6%) và 43 đảng viên (tăng 65,3%); cấp ủy và chi bộ đã thi hành kỷ luật 130 đảng viên vi phạm (tăng 62,5%).

Về phát triển kinh tế - xã hội, ảnh hưởng của đợt dịch từ tháng 5/2021 đã kéo nền kinh tế thành phố giảm sút mạnh (GRDP 9 tháng qua tăng trưởng -1,25% so với cùng kỳ năm 2020). Nhiều lĩnh vực, ngành nghề, doanh nghiệp, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng nặng do tác động của đại dịch; các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu đều suy giảm và đạt thấp so với kế hoạch; nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh tạm dừng hoạt động, giải thể (có 542 doanh nghiệp giải thể, 2.297 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động). Thu ngân sách chưa đạt tiến độ theo kế hoạch, trong đó thu tiền sử dụng đất đạt thấp (33,8% dự toán). Tiến độ một số công trình, dự án trọng điểm tuy có chuyển biến nhưng vẫn còn chậm; việc giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu (khoảng 36,7% kế hoạch)...

Tin, ảnh: Quốc Dũng (TTXVN)
Để Việt Nam không lỡ nhịp phục hồi kinh tế 
Để Việt Nam không lỡ nhịp phục hồi kinh tế 

“Có giải pháp bảo vệ các doanh nghiệp trong các lĩnh vực chủ đạo của nền kinh tế, cũng như tránh sự đổ vỡ của các tập đoàn kinh tế lớn, có thể dẫn đến sự đổ vỡ dây chuyền trong nền kinh tế; không để nền kinh tế bị lỡ nhịp trong xu hướng hồi phục kinh tế thế giới cũng như quá trình tái cấu trúc chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN