Đó là ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên bế mạc Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII diễn ra vào ngày 7/10 ở Hà Nội.
Dịch COVID-19 ảnh hưởng thế nào tới Việt Nam?
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết: Tại Việt Nam đợt bùng phát dịch lần thứ tư do biến thể Delta lây lan nhanh, gây tác động lớn đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân khi lan rộng ra hầu hết các tỉnh, thành phố, đặc biệt là tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Bình Dương, Đồng Nai…, nơi tập trung đông dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất và các doanh nghiệp lớn.
Năm 2020, Việt Nam là một trong những nền kinh tế trên thế giới duy trì được đà tăng trưởng, nhưng mức tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 2,91%, thấp nhất trong giai đoạn 2011 - 2020; tốc độ tăng trưởng GDP trong 6 tháng đầu năm 2021 chỉ đạt 5,64%, thấp hơn mục tiêu đề ra.
Mặc dù được cải thiện đáng kể so với cùng kỳ năm 2020 (tăng 1,82%), nhưng vẫn chưa hồi phục được tốc độ tăng như cùng kỳ các năm 2018 và 2019 (7,05% và 6,77%). Thu hút vốn đầu tư phát triển của khu vực ngoài nhà nước và khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt thấp. Đầu tư của khu vực ngoài nhà nước năm 2020 chỉ tăng 3,1%, trong 6 tháng đầu năm 2021 tăng 7,4% so với cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam năm 2020 giảm 25% so với năm 2019, trong 6 tháng đầu năm 2021 giảm 2,6%.
Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm tăng. Năm 2020, tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi là 2,48% (năm 2019 là 2,17%), tỷ lệ thiếu việc làm là 2,51% (năm 2019 là 1,5%). Trong quý II/2021, tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ thiếu việc làm của lao động lần lượt là 2,4% và 2,6%, đều tăng so với quý I/2021 (2,19% và 2,2%).
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: Những con số trên phản ánh rõ tình hình hoạt động rất khó khăn của các doanh nghiệp. Năm 2020, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới giảm 2,3% so với năm 2019; số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể tăng 13,9%.
Phần lớn các doanh nghiệp phải tạm ngừng kinh doanh và đã giải thể hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ; những doanh nghiệp quy mô lớn rút lui khỏi thị trường nhiều hơn. Trong 8 tháng đầu năm 2021, so với cùng kỳ số doanh nghiệp thành lập mới giảm 8% về số doanh nghiệp, giảm 7,5% về vốn đăng ký và giảm 13,8% về số lao động so với cùng kỳ năm trước; tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế giảm 17%; số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động giảm 0,6%.
Doanh nghiệp bị ảnh hưởng trên diện rộng, đáng kể nhất là với các doanh nghiệp siêu nhỏ và doanh nghiệp nhỏ. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hơn 90% số hợp tác xã giảm doanh thu và lợi nhuận; lao động bị cắt giảm, số người nghỉ việc không lương chiếm hơn 50% tổng số lao động.
Đà phục hồi kinh tế trên thế giới
Trong khi đó, vào quý III/2021 tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu đã có sự khởi đầu tích cực. Trang web Bloomberg Economics cho biết, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu trong quý tăng 1,8% so với 3 tháng trước đó.
Theo Trung tâm dữ liệu ZEW, kinh tế Đức có mức tăng trưởng cao hơn hẳn so với mức trung bình ở châu Âu là 1,5% vào cuối năm 2021 và khoảng 2,8% vào cuối năm 2022.
Văn phòng Thống kê quốc gia Anh thông báo, nền kinh tế của nước này đạt mức tăng trưởng 1% nhờ các biện pháp nới lỏng giãn cách xã hội. Ngân hàng Trung ương Anh dự báo, kinh tế nước này sẽ trở về mức tăng trước đại dịch vào quý IV/2021 và GDP của Anh sẽ tăng 5,75% trong năm tới.
Ủy ban châu Âu (EC) nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế của khối Liên minh châu Âu (EU) trong các năm 2021, 2022 do các nền kinh tế trong khu vực EU bắt đầu mở cửa trở lại, theo đó, tăng trưởng kinh tế ở các quốc gia trong Eurozone có thể đạt 4,2% trong năm 2021.
Ngay trong quý II/2021 mức tăng GDP của Mỹ so với cùng kỳ năm 2020 đạt 6,5%. Kinh tế Mỹ phục hồi mạnh mẽ, kéo theo sự trỗi dậy trở lại của đồng USD.
Tại châu Á, nền kinh tế Trung Quốc giữ xu thế tăng trưởng tốt trong những tháng qua của năm 2021. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo, GDP của Trung Quốc có thể tăng tới 8,4% và 8,5% trong năm 2021 thay vì mục tiêu 6% do Chính phủ Trung Quốc đặt ra.
Tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ của Trung Quốc cùng với Mỹ là động lực hàng đầu cho sự khởi sắc của kinh tế toàn cầu sau đại dịch.
Để khống chế dịch và phục hồi kinh tế, 20 nước (trong đó có Mỹ, Trung Quốc) dành nguồn lực ngân sách rất lớn được tăng cường từ nguồn nợ công để chi cho an sinh xã hội và hỗ trợ doanh nghiệp.
Khi dịch COVID-19 nổ ra vào tháng 1/2020, Chính phủ Trung Quốc đã có ngay hàng loạt giải pháp tiền tệ và tài chính công để hỗ trợ việc phòng, chống dịch. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc lập tức cắt giảm lãi suất cho vay 1 năm và 5 năm, sau đó giữa tháng 4 lại cắt lãi suất lần thứ hai. Thông qua các hợp đồng mua tài sản có kỳ hạn của doanh nghiệp và các hỗ trợ vay trung hạn đến tháng 6, ngân hàng này đã bơm khoảng 650 tỉ USD để tăng thanh khoản cho nền kinh tế. Đến tháng 6/2020, ngân hàng cũng hỗ trợ cho vay lại và chiết khấu lại với quy mô 254 tỉ USD để doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa và doanh nghiệp ở lĩnh vực nông nghiệp vay. Tổng giá trị của sự hỗ trợ qua giải pháp tiền tệ và tài chính công của Trung Quốc chỉ từ tháng 1 đến tháng 6/2020 lên tới 2.255 tỉ USD, tương đương hơn 15% GDP.
Còn Mỹ chỉ trong một năm đã thông qua 3 đạo luật để tăng cường năng lực phòng, chống COVID-19, chi cho an sinh xã hội và hỗ trợ doanh nghiệp, y tế, giáo dục, giao thông vận tải với tổng giá trị 4.810 tỉ USD, tương đương 23% GDP năm 2020.
Để Việt Nam không “lỡ nhịp”
Do tiềm lực hạn chế, Việt Nam không thể theo đuổi chính sách phục hồi kinh tế vĩ mô theo cách của các nước lớn trên thế giới.
Theo nhóm chuyên gia ở Trường Đại học Kinh tế quốc dân (Hà Nội), để chiến thắng đại dịch COVID-19 trên cả hai mặt trận y tế và kinh tế, bên cạnh việc kiềm chế dịch bệnh thì cần có những chính sách hợp lý nhằm tăng cường sức đề kháng (khả năng chịu đựng) của nền kinh tế; chuẩn bị đủ năng lực ứng phó khi dịch bệnh kéo dài; từ đó tăng cường tiềm lực để phục hồi kinh tế nhanh chóng ngay khi dịch bệnh được khống chế, không để nền kinh tế rơi vào suy thoái.
Nhằm tạo ra nguồn lực trong thời gian tới để hỗ trợ doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, Chính phủ có thể thực hiện các biện pháp huy động nguồn lực tài chính theo thứ tự ưu tiên như sau:
Thứ nhất, cắt giảm chi thường xuyên tối thiểu 10%, đặc biệt là các chi phí chưa thực sự cần thiết như hội thảo, hội nghị, đi công tác trong và ngoài nước…
Thứ hai, tranh thủ các nguồn vốn vay ưu đãi (không lãi suất hoặc lãi suất rất thấp) nếu có từ các tổ chức quốc tế với mục tiêu phòng, chống và khắc phục hậu quả của dịch bệnh, thiên tai.
Thứ ba, phát hành trái phiếu chính phủ với lãi suất thấp trong điều kiện hệ thống tài chính dư thừa thanh khoản hiện nay. Biện pháp huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu chính phủ nên được sử dụng ở mức vừa phải để đảm bảo khu vực tư nhân có thể tiếp cận vốn dễ dàng, đặc biệt là giai đoạn sau bệnh dịch.
Nguyên tắc mấu chốt là phải luôn giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô. Bất kể bệnh dịch kéo dài và nhiều doanh nghiệp có thể sẽ bị phá sản thì Chính phủ vẫn cần đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô. Cần giữ lạm phát và lãi suất ở mức thấp, tỷ giá ổn định, đầu tư công được thực hiện đúng mục đích và giám sát tốt, môi trường đầu tư được cải thiện. Phải như vậy để sau khi dịch thoái lui thì nền kinh tế mới được hồi phục nhanh chóng. Ngược lại, chúng ta sẽ mất nhiều năm tiếp theo để giải quyết các vấn đề không phải do dịch bệnh, nền kinh tế sẽ bị đình trệ trong thời gian dài như giai đoạn hậu khủng hoảng tài chính 2007 – 2008.
Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cần tiếp tục được thực hiện theo hướng tập trung hơn, đúng đối tượng và thực chất hơn, theo sát nhu cầu của doanh nghiệp. Cần có chọn lọc, phân loại ngành, nghề để hỗ trợ, trên cơ sở đánh giá, khảo sát nhanh tác động của dịch COVID-19 đến các ngành, nghề cụ thể và có điều kiện, tiêu chí rõ ràng.
Trước hết, nên ưu tiên các ngành du lịch, vận tải, dệt may - da giày, bán lẻ, giáo dục – đào tạo. Trong khi đó, một số ngành trong khi có dịch vẫn phát triển tốt (công nghệ thông tin, thương mại điện tử...).
Với tư cách là một chuyên gia kinh tế, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phân tích: Cần áp dụng các biện pháp nhất quán, đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến địa phương để duy trì cả cung và cầu trên thị trường, duy trì sản xuất, cung ứng, lưu thông, vận chuyển hàng hóa, ổn định thị trường tiêu dùng trong nước. Kiên trì mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô; duy trì ổn định thị trường tài chính, tiền tệ. Phối hợp chặt chẽ, điều hành linh hoạt giữa chính sách tiền tệ, chính sách tín dụng với chính sách tài khóa và chính sách an sinh xã hội trên tinh thần tận dụng tối đa và hiệu quả các nguồn lực.
Trên phương diện kinh tế, quan điểm chung là hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh nhằm phục vụ trực tiếp cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế, ổn định đời sống xã hội. Chính vì vậy, sự hỗ trợ phải quyết liệt, mạnh mẽ, liên tục, thông suốt, công khai, minh bạch, đúng đối tượng, kịp thời, dễ tiếp cận; quy mô hỗ trợ phải tương xứng với ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh; điều kiện, tiêu chuẩn các gói hỗ trợ phải khả thi; các quy trình, thủ tục để hưởng hỗ trợ phải được đơn giản hóa tối đa; đồng thời, có cơ chế giám sát, kiểm tra sát sao việc thực hiện và chế tài xử lý để tránh lợi dụng, trục lợi chính sách.
Trường hợp nào vượt thẩm quyền thì cần kịp thời báo cáo và trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội để ban hành các chính sách cần thiết nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện duy trì sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế theo quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15, ngày 28/7/2021.
Chuyên gia Cao Viết Sinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đưa ra Đề án gồm 5 chương trình. Trong đó, chương trình thứ hai là phục hồi doanh nghiệp và thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế dựa trên các trụ cột về kinh tế, bao gồm xử lý vướng mắc, giảm lãi suất khoản cho vay, phục hồi chuỗi giá trị, khoanh nợ cho doanh nghiệp có tiềm năng, lợi thế.
Đối với doanh nghiệp không có tiềm năng thì phải tính đến việc dứt khoát tái cơ cấu hoặc giải thể. Cùng với đó là xem xét lại một loạt các điều kiện cho vay vì nếu cho vay tín dụng mà cứ căn cứ vào điều kiện như hiện nay thì rất khó nên cần đổi mới cách tiếp cận. Đồng thời, tất cả những vấn đề liên quan đến doanh nghiệp như chuyển đổi số cho doanh nghiệp, giảm chi phí logistics… nên gom vào một chương trình để tái cơ cấu gắn với tự chủ kinh tế.
Chương trình tiếp theo là phục hồi du lịch, kích cầu tiêu dùng trong nước. Đây là vấn đề hết sức quan trọng, liên quan đến nhiều nội dung như: cho vay tiêu dùng, lưu thông dòng tiền trong dân, hỗ trợ cho người dân, qua đó kích cầu tiêu dùng.
Và dù áp dụng chương trình, chính sách nào thì cũng cần có sự đồng thuận của doanh nghiệp, người dân theo tinh thần Nghị quyết số 84/NQ-CP của Chính phủ: "Vận động sự vào cuộc của hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân chung sức, đồng lòng, phối hợp chặt chẽ vượt qua các khó khăn do đại dịch gây ra, quyết liệt thực hiện và nỗ lực phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã được đề ra theo Kết luận của Trung ương và các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ".
Chống dịch và phục hồi sản xuất – hai mặt của một vấn đề
Phát biểu tại Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII trong phiên bế mạc (ngày 7/10), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ:
“Trong những tháng cuối năm 2021 cần phải khẩn trương xây dựng và tổ chức thực hiện các phương án, kịch bản cụ thể, sát hợp hơn với thực tế tình hình hiện nay; tuyệt đối bình tĩnh, tỉnh táo, không quá hốt hoảng, nhưng cũng không được lơ là, chủ quan, nóng vội, phấn đấu kiểm soát về cơ bản được dịch bệnh trên phạm vi toàn quốc trong thời gian sớm nhất có thể để khôi phục, phát triển kinh tế-xã hội”.
Dựa vào thực tiễn ở nước ta trong gần hai năm qua thì việc thực hiện mục tiêu kép từ nay đến cuối năm và vào đầu năm sau - kiểm soát về cơ bản dịch bệnh trên phạm vi toàn quốc và khôi phục, phát triển kinh tế-xã hội không phải là câu khẩu hiệu, không chỉ là mục tiêu phấn đấu mà còn là đòi hỏi cấp thiết của cuộc sống.
Không kiểm soát được dịch ở mức độ nhất định thì khôi phục sản xuất là điều gần như không khả thi.
Kinh tế thế giới đang tăng trưởng trở lại và lĩnh vực thương mại hàng hóa toàn cầu hồi phục nhanh. Việt Nam có tận dụng cơ hội này để nhận các đơn hàng lớn nhằm phục hồi sản xuất trong nước, bắt nhịp với đà phục hồi của các nền kinh tế hay không là điều hết sức quan trọng.
Trên tinh thần đó, bên cạnh việc phải tránh thái độ chủ quan, lơ là, nóng vội thì chúng ta cũng cần tránh sa vào tình trạng hốt hoảng, e dè, thận trọng quá mức để lỡ mất chuyến hành trình chung với nền kinh tế thế giới.
Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, dù chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, song vào năm 2020 và trong những tháng qua của năm 2021 các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may, da giày, điện tử… vẫn nhận được nhiều đơn hàng quốc tế mới nhờ sự dịch chuyển chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị và sự thay đổi về nhu cầu tiêu dùng của các thị trường lớn.
Tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp đang gặp khó khăn ở cả phía cung và cầu.
Về phía cung, vật cản lớn nhất đối với các doanh nghiệp là quá trình lưu thông, vận chuyển hàng hóa thông suốt phục vụ sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ hàng hóa không được đảm bảo. Lý do là những quy định về phòng dịch rất phức tạp và không thống nhất giữa các địa phương.
Ngành công nghiệp có đặc tính là sự kết nối sản xuất theo chuỗi mà không phân biệt địa giới hành chính. Bởi vậy, rào cản lưu thông, vận chuyển hàng hóa do yêu cầu phòng dịch sẽ dẫn đến nguy cơ làm đứt gãy chuỗi cung ứng, trong đó đặc biệt là chuỗi cung ứng lao động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đầu vào sản xuất của doanh nghiệp.
Do đó, điều kiện tiên quyết và cốt lõi để phục hồi kinh tế là phải khống chế dịch một cách căn bản, tạo tiền đề để nhiều quy định về phòng, chống dịch bệnh được điều chỉnh, sửa đổi nhằm đảm bảo mục tiêu vừa duy trì sản xuất cho doanh nghiệp, vừa bảo đảm sức khỏe, an toàn tính mạng cho người lao động và cộng đồng. Hết sức tránh làm đứt gãy chuỗi cung ứng trong nước, hạn chế nguy cơ khách hàng quốc tế dừng, huỷ đơn hàng để chuyển sang nước khác. Nếu để điều này xảy ra thì đến khi dịch được kiểm soát, doanh nghiệp chúng ta rất khó nối lại các mối quan hệ giao thương đã mất.
Trong việc thực hiện mục tiêu kép, chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân gắn chặt với việc mở cửa nền kinh tế. Trong đó bao gồm các vấn đề như tăng năng lực của các sơ sở y tế, tiêm vaccine đạt miễn dịch cộng đồng, vừa mở cửa trở lại vừa bảo đảm hệ thống y tế hoạt động thông suốt, hiệu quả, ứng phó linh hoạt với dịch bệnh. Chương trình này phải được đẩy mạnh và phấn đấu hoàn thành trong quý I/2022.
Trên thực tế, những quốc gia có sự phục hồi kinh tế nhanh cũng là những nơi có độ phủ vaccine rộng và sớm. Mặt khác, các quốc gia bắt đầu mở cửa giao thương trong thời kỳ bình thường mới đang có xu hướng ưu tiên làm ăn với các quốc gia và khu vực đã đạt được sự miễn dịch cộng đồng thông qua vaccine để kiểm soát dịch COVID-19.