Về vấn đề này, báo Tin tức xin thông tin như sau:
Theo đại diện Trung tâm Công nghệ phòng chống dịch COVID-19 quốc gia, ứng dụng PC-COVID đang cập nhần dần dần dữ liệu vốn có từ 45 triệu lượt tải của Bluezone, 20 triệu người dùng hàng tuần nên sai sót khó tránh khỏi.
Do đó, theo đại diện Trung tâm Công nghệ phòng chống dịch COVID-19 quốc gia, người dùng nên cập nhật, nâng cấp dần dần để dữ liệu được đồng bộ, tránh hiện tượng quá tải.
Có nhiều lý do dẫn đến việc thông tin cập nhật chưa chính xác; trong đó có việc người dân khi đi tiêm và xét nghiệm thông tin sai.
Đại diện Trung tâm Công nghệ phòng chống dịch COVID-19 quốc gia cho biết: Đơn cử như ngày 11/9, khi kiểm tra ngẫu nhiên việc tiêm vaccine tại một phường của Hà Nội với 11.000 bản khai, thì chỉ có 3.000 bản khai đúng. Còn lại đều khai sai về số chứng minh thư, căn cước công dân hoặc số điện thoại. Có tình trạng người đến tiêm vaccine không nhớ chính xác số chứng minh thư, căn cước công dân, nên khai "đại" một số nào đó.
“Hoặc có tình trạng, người đại diện của tổ chức, doanh nghiệp làm tờ khai cho cả đơn vị lấy chính số điện thoại của mình cho tất cả người trong đơn vị. Điều này làm dữ liệu nhập vào không chính xác nên không hiển thị đúng thông tin khi app vận hành”, đại diện Trung tâm Công nghệ phòng chống dịch COVID-19 quốc gia cho biết.
“Việc khai chính xác dữ liệu thông tin vô cùng quan trọng. Có trường hợp liên hệ trực tiếp với Trung tâm phản ánh đã tiêm 2 mũi, mà không hiển thị. Khi chúng tôi kiểm tra thì thông tin thì ghi nhầm ngày tháng năm sinh: Mũi 1 ghi ngày sinh là 9/5, mũi 2 ghi ngày sinh là 5/9, thì máy đang hiểu là 2 người khác nhau”, đại diện Trung tâm Công nghệ phòng chống dịch COVID-19 quốc gia cho biết.
Bên cạnh đó là việc xét nghiệm cũng chưa triển khai đồng nhất trên toàn quốc, hiện mới chỉ có 10 tỉnh triển khai nền tảng xét nghiệm và trả kết quả chung (đang được tích hợp app PC-COVID); 26 tỉnh có kế hoạch sẽ triển khai và các tỉnh còn lại chưa triển khai. Cùng với đó là việc nhập đuổi dữ liệu từ bản giấy lên hệ thống cũng không tránh khỏi sai sốt.
“Ở khía cạnh nào đó, do áp dụng công nghệ nên mới phát hiện ra sai sót vẫn tồn tại ở bản giấy. Nhờ việc ứng dụng công nghệ vào thì những sai sót này mới hiển thị và do chính người dùng phát hiện. Do đó việc nhập dữ liệu đúng có vai trò rất quan trọng. Để thành công của 1 ứng dụng hoặc nền tảng công nghệ thì phần yếu tố công nghệ chỉ chiếm khoảng 20%; còn lại 80% là từ việc triển khai, sử dụng. Trong tuần tới, Trung tâm Công nghệ phòng chống dịch COVID-19 quốc gia sẻ có nền tảng tiếp nhận phản ánh của người dân để hoàn thiện dần app PC-COVID”, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho biết.
Trong thời gian này, PC-COVID sẽ tích hợp và thay thế các ứng dụng phòng chống dịch do bộ và Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông đang triển khai, vận hành là 3 app là Bluezone, NCovi, VHD. Còn các ứng dụng về phòng chống dịch của một số địa phương đã triển khai sẽ vẫn tiếp tục hoạt động bởi vẫn có những chức năng, tiện tích riêng của từng địa phương.
PC- COVID cũng sẽ không thay thế ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử vì Sổ sức khỏe điện tử được xác định sẽ thay thế sổ khám sức khỏe giấy, theo mỗi cá nhân cả đời, phục vụ công tác khám chữa bệnh đa dạng, chứ không riêng mỗi chuyện tiêm phòng COVID-19. Tuy nhiên, dữ liệu phần tiêm phòng COVID-19 sẽ được liên thông, đồng bộ với ứng dụng PC-COVID. “Việc đồng bộ, liên thông dữ liệu của tiêm phòng COVID-19 sẽ thực hiện trong khoảng 1 tuần” đại diện Viettel, đơn vị đang phát triển ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử cho biết.